Chủ thể và Chủ thể (tính)/Chủ quan (tính) [Đức: Subjekt und Subjektivität; Anh: subject and subjectivity]
Vào thế kỷ XVI, (das) Subjekt được vay mượn từ chữ La-tinh subjectum (quá khứ phân từ của động từ subicere, “đặt xuống bên dưới”), theo nghĩa là “chủ ngữ, chủ để’ của một câu. Nhưng, các sử dụng triết học của nó cũng chịu ảnh hưởng của các cách dùng của Aristoteles về từ to hypokeimenon, “cái nằm bên dưới”, cho (1) chất liệu của sự vật hay để làm nên sự vật; (2) một bản thể hay cái mang những thuộc tính; và (3) chủ ngữ lô-gíc của các vị ngữ, nhưng không dành riêng cho chủ thể con người. Cho đến thế kỷ XVIII, nó quy chiếu đến những gì hiện hữu độc lập với nhận thức của ta, tức khách thể hay đối tượng. Subjekt [trong tiếng Đức] chỉ có một số ít các nghĩa của từ “subject” [trong tiếng Anh]: nó chỉ xuất hiện như là một danh từ, và không có nghĩa là cái gì “phụ thuộc, phục tùng” hay một “lĩnh vực, môn học” như trong tiếng Anh. Nó cũng ít được dùng so với “subject” theo nghĩa “chủ để’, “đề tài” của bức tranh, tiểu thuyết, bản nhạc v.v. Khi ta nói trong tiếng Anh về “subject”, chẳng hạn, của một sự phê phán hay đả kích, người Đức dùng từ Gegenstand (“đối tượng”/ Anh: object) hon là Subjekt. Nó cũng là một thuật ngữ có ý khinh miệt để chỉ “gã, bọn” (Xem mục từ “NHÂN THÂN” (Person)).
Các cách sử dụng chủ yếu về triết học của nó là:
(1) Chủ thể, Cổ chất hay cái có các trạng thái và hoạt động. Trong nghĩa này, nó không phân biệt rõ với từ Substanz (“bản thể’, Anh: “substance”).
(2) Chủ ngữ lô-gíc hay chủ ngữ ngữ pháp của một câu, mệnh đề hay phán đoán, tức cái mang những vị ngữ.
(3) Chủ thể của những trạng thái và tiến trình tâm lý, chủ thể người hay cái Tôi.
(4) Chủ thể nhận thức, tưong phản với đối tượng của nhận thức.
(5) Chủ thể hành động, người thực hiện những hành động và hoạt động, nhất là chủ thể luân lý nổi Hegel.
Vào thế kỷ XVIII, Subjekt tạo ra tính từ subjektiv và danh từ Subjektivität. Giống như “subjective” trong tiếng Anh, subjektiv từng được dùng thay cho “hiện thực, bản chất”, tức thuộc về một Subjekt theo nghĩa
(1) . Nhưng, vào thời Hegel, các cách sử dụng nó liên quan đến Subjekt là theo nghĩa (3), (4) và (5), và là:
(a) thuộc về chủ thể người nói chung.
(b) thuộc về chủ thể người cá biệt, riêng biệt, nói lên “phong cách riêng” của người ấy (Anh: “personal, idiosyncratic”).
(c) một chiều, phiến diện, thiếu vô tư, chủ quan.
Các nghĩa của Subjektivität tưong ứng với các nghĩa của subjektiv nói trên. Việc dùng “subject” và “Subjekt” theo nghĩa (3) - (5) bắt đầu vào cuối thế kỷ XVII, dưới ảnh hưởng của Descartes. Hobbes dùng subiectum sensionis cho “chủ thể của cảm giác” (De corpore, 25, 3). Trong Metaphysica (1739) và Aesthetica (1750-58), Baumgarten đôi khi dùng subiectum như từ đồng nghĩa với obiectum, chẳng hạn để chỉ “đối tượng” (“subject = object”) của công việc làm ăn của ai đó, đôi khi để chỉ chủ thể hành động hay cảm giác. Nhưng, có lẽ Baumgarten là người tạo ra nghĩa hiện đại cho subjectivus (“tính chủ thê’/chủ quan”), được xác lập ổn định trong Kant (vì ông dựa trên các bài giảng của Baumgarten trong Metaphysica). Tất cả những nghĩa truyền thống ấy của Subjekt đều đi vào trong cách dùng của Hegel về từ này, nhưng nghĩa (1) thường được dành cho Substanz. Subjekt tưong phản với Prädikat (nghĩa (2)); với Substanz (nghĩa (3) - (5)); và với Objekt (nghĩa (4)). Nó khác với Geist (“tinh thần”, Anh: “spirit”): Geist bao hàm hay “vượt quá” (übergreift) đối tượng của mình, và không đối trọng với đối tượng; một cách tưong tự, tinh thần phát triển và bao hàm các biểu hiện của nó (tư tưởng, tình cảm V.V.); và phát triển thành những cấu trúc liên-chủ thể, thành “cái Tôi mà là cái Chúng ta; và cái Chúng ta mà là cái Tôi” (HTHTT, IV). Ngược lại, Subjekt được quan niệm như là rút lui vào trong chính mình nhiều hon, như là cái gì nằm bên dưới, và, vì thế, đối trọng với đối tượng, với các trạng thái và các hoạt động của chủ thể hay với những chủ thể khác. Nhưng, sự phân biệt này không rạch ròi, và Subjekt phát triển thành Geist. Do đó, trong khi Geist liên kết với Idee (“ý niệm”), tức với sự hợp nhất của tính chủ quan và tính khách quan, thì Subjekt lại liên kết với Begriff (“khái niệm”), và, vì thế, với cái Tôi.
Hegel thấy có sự nối kết giữa nghĩa của Subjekt, trong đó nó tưong phản với Prädikat (nghĩa (2)) và nghĩa của “chủ thể người”. Theo ông, sự nối kết không đơn giản ở chỗ chủ thể người là cơ sở cho những trạng thái và hoạt động giống như chủ ngữ lô-gíc hay ngữ pháp là cơ sở cho các vị ngữ của nó. Chính Subjekt, trong cả hai nghĩa, là được cấu tạo bởi khái niệm. Chủ thể người hay cái Tôi được nối kết với khái niệm vì cái Tôi là hoàn toàn bất định cũng như vì nó được cấu tạo bởi tư duy khái niệm. Chủ ngữ của một câu nối kết với (một) khái niệm, vì, trong phán đoán như: “Hoa hồng là màu đỏ”, chủ ngữ, “hoa hồng”, được tách ra bởi một khái niệm (tức khái niệm về hoa hồng), - và, theo Hegel, được cấu tạo bởi khái niệm này - trong khi vị ngữ, ít nhất trong các hình thức thấp hơn của phán đoán, gán cho nó một đặc điểm bất tất [“màu đỏ”] vốn không được khái niệm của nó quy định. Nhưng, hai loại hình của chủ thể và hai loại hình của khái niệm không tương tự nhau (analogous) một cách đơn giản: Hegel xem việc tạo ra các phán đoán như là kết quả của việc tự-dị biệt hóa chủ động và của việc tự-đặc thù hóa của chủ thể người hay của “bản thân” khái niệm.
Trong Hegel, Begriff khác nghĩa với Subjekt. Có ba đặc điểm giúp giải thích cách ông dùng về Subjekt:
(1) (Một) khái niệm có sự thống nhất hay nhất thể nguyên thủy và không phải phái sinh; một sự vật có sự thống nhất/nhất thể như thế nào là nhờ ở khái niệm của nó.
(2) (Một) khái niệm, về bản chất, là có tính chủ động/hoạt động: nó chủ động tự dị biệt hóa thành một chủ thể và một khách thêVđối tượng, thành một chủ ngữ và các vị ngữ của nó (hay thành cái phổ biến, cái đặc thù và cái cá biệt), và thành nhiều khái niệm riêng biệt.
(3) Nó tích cực tìm cách khôi phục lại sự thống nhất/nhất thể của nó. Chủ thể người “vượt bỏ” đối tượng/khách thể bằng nhận thức và thực hành; các hình thức của phán đoán gán những thuộc tính/vị ngữ cho chủ thê’/chủ ngữ. Những thuộc tính/vị ngữ này ngày càng tương ứng thỏa đáng với khái niệm của nó; và nhiều khái niệm đa dạng được tập hợp lại thành một “hệ thống”.
Các đặc điểm nói trên của khái niệm và Subjekt là nổi trội trong tư tưởng của Hegel khi ông đối lập Subjekt với Substanz (chẳng hạn, trong Lời Tựa quyển HTHTT, đó là yêu sách rằng cái Tuyệt đối là chủ thể, đồng thời cũng phải như là bản thể) không kém gì các ý tưởng của ông về ý thức và tác nhân con người (hay thần linh). Cái tuyệt đối - như là Subjekt - bao hàm sự phát triển đi từ sự thống nhất/nhất thể đon giản đến sự không-thống nhất, rồi quay trở lại với sự thống nhất/nhất thể đã được dị biệt hóa. Điều này, hay ít ra là giai đoạn thứ ba, đòi hỏi hoạt động lý thuyết và thực hành của những chủ thể người. Hegel rất nhạy cảm trước tính hàm hồ, đa nghĩa của các từ Subjekt, subjektiv và Subjektivität, nhất là trong việc áp dụng chúng vào cho chủ thể người. Nguồn gốc chủ yếu của sự hàm hồ này, theo ông, là ở chỗ Subjekt chỉ có thể quy chiếu đến cái Tôi thuần túy, tự phản tư, nhưng nó lại cũng có thể bao hàm cả những trạng thái, hoạt động, nhu cầu v.v. của cái Tôi. Các trạng thái, nhu cầu v.v. ấy của cái Tôi thì khác nhau nổi mỗi người, do đó, là bất tất và subjektiv [“chủ quan”] theo nghĩa khinh miệt. Trong nghĩa này, một bức tranh xấu, một phán đoán, quyết định của ý chí v.v. có thể là subjektiv, ở chỗ nó chỉ diễn đạt những tư kiến riêng tư v.v. của tác giả của nó. Ngược lại, cái Tôi, xét như là cái Tôi, thì lại không thay đổi từ người này sang người nọ, và, vì thế, không có tính bất tất hay tùy tiện. Nghĩa (xấu) ở trên của Subjekt tạo ra nghĩa của subjektiv và Subjektivität, theo đó các phạm trù của Kant là “chủ quan” (BKTI §41A. 2), hay theo đó, Subjektivität bao hàm sự đòi hỏi rằng ta cần có năng lực phản tư để hậu thuẫn cho những gì được đặt ra cho hoạt động nhận thức hay thực hành của ta (THPQ, §26A).
Hegel gọi hai loại hình của “tính chủ quan” này lần lượt là “tính chủ quan tồi hay hữu hạn” và “tính chủ thể vô hạn”. Ông liên hệ tính chủ thể vô hạn với Kitô giáo, vì nó quy tính chủ thể như thế cho Thượng Đế, và, do đó, gán một “giá trị vô hạn” cho tính chủ quan của con người (BKT I §147A). Kierkegaard tiếp thu thuật ngữ “tính chủ thể vô hạn”, nhưng, chống lại Hegel, chẳng hạn trong Concluding Unscientific Postscript, ông cho rằng “Kitô giáo chỉ quan tâm đến tính chủ thể, và chân lý chỉ hiện hữu ở trong tính chủ thể, nếu quả có sự hiện hữu nói chung, còn Kitô giáo tuyệt nhiên không hề có sự hiện hữu nào một cách khách quan cả”. Nhưng, sự đối lập giữa “tính chủ thê” và “tính khách quan/khách thê” (cũng có tính hàm hồ không kém) là điều xa lạ với Hegel. Với ông, có ba (chứ không phải hai) giai đoạn lớn của Subjektivität:
(1) Sự rút lui của chủ thể vào trong chính mình, với tư cách là cái Tôi thuần túy. Cái này cũng bao hàm cả tính khách quan (theo nghĩa tốt), chẳng hạn, nhờ dựa vào sự liên kết của nó với khái niệm.
(2) Sự biểu hiện [ra bên ngoài] của chủ thể trong nhiều trạng thái và hoạt động đa dạng, vừa về mặt tâm lý (ví dụ: tư kiến, ham muốn), vừa về mặt thể chất (ví dụ: hành động, sáng tác hội họa...). Việc này bao hàm tính khách quan, nhưng thường theo nghĩa xấu, vì đối tượng/khách thể chỉ diễn đạt những ý nghĩa, hành động bất chợt của chủ thể.
(3) Sự hiệu chỉnh hợp lý tính của chủ thể về những sự khách thể hóa ra bên ngoài của mình: chẳng hạn, đó là thể hiện mình hay hậu thuẫn cho một nhà nước hợp lý tính. Ở đây, một lần nữa, tính chủ quan và tính khách quan (cả hai đều theo nghĩa tốt) trùng khít với nhau.
Hegel ắt hẳn sẽ xếp “đức tin” của Kierkegaard vào giai đoạn (2) ở trên.
Cù Ngọc Phương dịch