Lẫn lộn (sự, việc) [Đức: Subreption; Anh: subreption]
Xem thêm: Nước đôi (tính), Khái niệm phản tư (các), Cảm tính hóa, Ảo tượng, Tiên kiến,
Trong LA, Kant mô tả sự lẫn lộn là sự sai lầm do không phân biệt được cái gì là cảm tính với cái gì thuộc về giác tính. Khi một “khái niệm cảm tính” được sử dụng như thể nó là một “dấu vết có nguồn gốc từ giác tính”, thì một “sai lầm logic của việc lẫn lộn” được tạo ra, nhưng ngược lại nếu cái gì là cảm tính bị lẫn lộn với cái gì thuộc về giác tính thì ta có một “sai lầm siêu hình học của việc lẫn lộn” (§24). Các tiên đề lẫn lộn là những tiên đề “bỏ qua cái gì là cảm tính như thể nó nhất thiết phải thuộc về một khái niệm của giác tính” và có thể được phát hiện bằng “nguyên tắc lược quy”, tức nguyên tắc đòi hỏi rằng một khái niệm của giác tính làm vị từ cho bất cứ thứ gì trong không gian và thời gian không thể được khẳng định một cách khách quan. Kant đề xuất ba loại tiên đề lẫn lộn: một là, những tiên đề được thấm nhuần bởi “tiên kiến” rằng “hễ cái gì tồn tại thì nó tồn tại ở đâu đó và trong lúc nào đó” (§27); hai là, những tiên đề phát biểu rằng một “cái đa tạp thực sự có thể được mang lại về mặt số lượng” và “cái gì tồn tại thì nó không thể mâu thuẫn với chính nó” (§28); ba là, những tiên đề chuyển sang cho các đối tượng “những điều kiện chỉ có ở các chủ thể’ (§29). Trong từng trường hợp trên, Kant vạch rõ rằng một sự quy định không gian hay thời gian bị che đậy được giác tính lén lút đưa vào những gì có vẻ là những quy định thuần lý của các đối tượng. Đích nhắm chủ yếu của ông trong việc nhận diện những tiên đề lẫn lộn là siêu hình học thuần lý của trường phái Wolff, đặc biệt nổi bật trong phê phán của ông về những giả định thời gian của “nguyên tắc mâu thuẫn” được khảo sát trong phần bàn luận về loại tiên đề lẫn lộn thứ hai. Việc nhận diện ra sự sai lầm do lẫn lộn đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của triết học phê phán, cho dù bản thân thuật ngữ này ít khi được sử dụng trong PPLTTT (ngoại trừ trong A 643/B 671). Loại lẫn lộn thứ ba tái hiện trong PPNLPĐ, trong đó nó mô tả việc ta gán cho một đối tượng của tự nhiên cái sứ mệnh luân lý của riêng ta để gây ra xúc cảm về cái cao cả.
Thân Thanh dịch