Ngôn từ suy lý (cái) [Latinh: acroamata/ic; Đức: Akromatisch; Anh: acromata/tic]
Xem thêm: Cấu tạo, Nguyên tắc,
Mặc dù Kant chỉ phân biệt rõ acroams [những cái được suy lý] với các tiên đề [axioms] trong L, nhưng sự phân biệt ấy được ngụ ý xuyên suốt triết học lý thuyết của ông. Cả hai đều là những nguyên tắc (Grundsätze) cơ bản, nhưng các tiên đề được biểu lộ trong trực quan, trong khi các acroam được trình bày một cách suy lý (L, tr. 606). Ta tìm thấy lý do của sự phân biệt giữa hai loại nguyên tắc cơ bản ấy trong những bài bút chiến của Kant chống lại việc Wolff mở rộng các hình thức chứng minh toán học sang triết học. Trong THTN, Kant phân biệt “các nguyên tắc không thể phân tích” của toán học với triết học, khi xem cái trước (các tiên đề) như mang tính hình tượng (figural), còn cái sau (các ngôn từ suy lý) như mang tính suy lý (discursive). Đối lập với các tiên đề toán học, các nguyên tắc triết học “không bao giờ là cái gì khác hơn là từ ngữ’ (THTN, Phần 1, §2).
Trong PPTTTT, sự phân biệt giữa các tiên đề và các nguyên tắc suy lý không còn mang tính ngôn ngữ học trực tiếp nữa, mà dựa vào điều kiện của sự quy định thời gian của kinh nghiệm. Những ngôn từ suy lý là 12 nguyên tắc thuần túy của giác tính (tức những tiên đề của trực quan, những dự đoán của tri giác, những loại suy của kinh nghiệm, những định đề của tư tưởng thường nghiệm). Những nguyên tắc này không mang tính tiên đề, mà có tính suy lý; chúng nhận lấy uy quyền của chúng thông qua một tiến trình suy lý của sự chính đáng hóa hay của sự chứng minh. Sự chứng minh này được thực hiện thông qua việc xử lý lại (re-work) các thuật ngữ triết học truyền thống, như, trong trường hợp loại suy thứ nhất, là những thuật ngữ về “bản thể và tùy thê”. Những ngôn từ suy lý có tính mở đối với sự thách thức suy lý không ngừng, và được chính đáng hóa qua ngôn ngữ và sự phân tích ngôn ngữ. Thức nhận của Kant về tính cách ngôn ngữ học của các nguyên tắc triết học hầu như đã bị lạc mất cho đến thế kỷ XX trước khi xuất hiện những diễn giải do các phái triết học phân tích và triết học thông diễn học về ngôn ngữ đưa ra (Xem, chẳng hạn: Bennett, 1966, 1974; Gadamer, 1960; Heidegger, 1929; Strawson, 1966).
Hoàng Phú Phương dịch