Nhân quả (tính) [Đức: Kausalität; Anh: causality]
Xem thêm: Loại suy của kinh nghiệm, Phân tích pháp, Các phạm trù, Lực, Tự do, Tự nhiên, Nguyên tắc, Tiếp diễn,
Tính nhân quả là một chủ đề trung tâm của cả triết học lý thuyết lẫn triết học thực hành của Kant. Bàn luận lý thuyết của Kant về tính nhân quả được diễn tả trọn vẹn bằng một quan niệm hiện đại về tính nhân quả, tức quan niệm phản bác cấp bậc [bốn nguyên nhân] của Aristoteles gồm nguyên nhân chất liệu [hay vật chất], nguyên nhân mô thức, nguyên nhân tác động [hay vận động] và nguyên nhân mục đích; và giới hạn tính nhân quả vào sự vận động cục bộ. Mặc dù ta có thể lần ngược quan niệm này đến tận Galileo, chính ông này cũng không giải thích vận động bằng tính nhân quả; ông phá bỏ khái niệm cũ về tính nhân quả và bỏ mặc cho các triết gia đi biện minh cho khái niệm mới về tính nhân quả.
Câu trả lời của Kant cho vấn đề biện minh tính nhân quả lý thuyết đã có nhiều thay đổi trong suốt sự nghiệp của ông. Trong NTĐT, ông đi theo trường phái Wolff khi đồng nhất tính nhân quả với nguyên tắc thuần lý của căn cứ và kết quả. Sự biện minh có tính bản thể học về tính nhân quả này đã bị Kant từ bỏ trong GM và các tác phẩm khác của những năm 1760, trong đó mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả được mô tả như một “quan hệ nền tảng” không thể được quy định xa hon nữa: “Lý tính không bao giờ có thể biết làm thế nào sự vật nào đó có thể là một nguyên nhân, hay có một lực; những mối quan hệ như thế chỉ có thể được rút ra từ kinh nghiệm” (GM, tr. 370, tr. 356). Kant đã không yên tâm trong giấc ngủ giáo điều của mình, và cuối cùng đã được đánh thức bởi sự chứng minh của Hume rằng tính nhân quả dựa trên thói quen hon là dựa trên bất kỳ tính tất yếu tiên nghiệm nào (xem PPLTTT, A 760/ B 788).
Những hoài nghi của Hume về nguyên tắc của tính nhân quả đã được Kant tiếp nhận như một thách thức đối với nhận thức tiên nghiệm và, do đó, với siêu hình học (SL, tr. 259, tr. 4). Để đáp lại, Kant tìm kiếm một lập trường phê phán trong đó tính nhân quả không đặt Cổ sở trên một thói quen được rút ra từ các kinh nghiệm lặp đi lặp lại, đồng thời cũng không dựa trên một cấp bậc bản thể học tiên nghiệm giữa nguyên nhân và kết quả chỉ bị chi phối bởi các quy luật mâu thuẫn và quy luật lý do đầy đủ. Các kết quả của nghiên cứu này được trình bày trong “Phân tích pháp siêu nghiệm” của PPLTTT, trong đó tính nhân quả có vị trí của nó bên trong kiến trúc học rộng hon về các phạm trù và các nguyên tắc. Đó là nhờ trong quá trình tìm cách biện minh cho tính nhân quả, Kant đã phát hiện một số khái niệm khác “mà nhờ đó giác tính suy tưởng được sự nối kết của mọi vật một cách tiên nghiệm” (SL, tr. 260, tr. 6). Những khái niệm này không được rút ra từ kinh nghiệm, mà được rút ra từ các hành vi phán đoán được giác tính thuần túy thực hiện. Kant chỉ ra rằng một phán đoán đặc thù như “A là nguyên nhân của B” là có tính tổng hợp; tức là, một phán đoán nối kết một trực quan với một khái niệm tiên nghiệm.
Bên trong “Phân tích pháp siêu nghiệm”, tính nhân quả - nói chính xác hon là “tính nhân quả và sự phụ thuộc (tức nguyên nhân và kết quả)” - được xác định như phạm trù thứ hai trong các phạm trù về tưong quan. Những phạm trù này được rút ra từ các phán đoán thuần túy về tưong quan, và phạm trù thứ hai của các phạm trù tưong quan này là quan hệ logic của nguyên nhân với kết quả. Tính nhân quả, cùng với các phạm trù khác, được biện minh trong sự diễn dịch như một hình thức của “sự nối kết và sự thống nhất” vốn “đi trước mọi kinh nghiệm” và không có chúng, kinh nghiệm hẳn sẽ không thể có được. Tuy nhiên, cùng với các phạm trù khác, tính nhân quả không thể được áp dụng trực tiếp bởi chính nó vào các trực quan, nó phải được niệm thức hóa-, tức là, được làm phù hợp với các trực quan, trong tiến trình này nó trở thành “sự tiếp diễn của cái đa tạp trong chừng mực sự tiếp diễn ấy phục tùng một quy tắc” (A 114/B 183).
Điều này cũng đạt được trong “Phân tích pháp các nguyên tắc” đặt ngang hàng các phạm trù - đã được biện minh bằng “phán đoán siêu nghiệm” với sự quy chiếu đến “các điều kiện phổ biến” - với các điều kiện hiện thực của “mối quan hệ của chúng với cảm năng nói chung” (PPLTTT A 148/ B 187). Việc các phạm trù về tưong quan tưong ứng với các nguyên tắc về các loại suy của kinh nghiệm sẽ quy định các hiện tượng được sắp xếp theo thời gian như thế nào. Với tư cách là phạm trù thứ hai về tưong quan, tính nhân quả tạo ra sự loại suy thứ hai phát biểu rằng mọi kinh nghiệm đều tuân theo các quy luật của sự tiếp diễn dựa theo nguyên nhân và kết quả. Do đó, loại suy này được biện minh bằng cách đặt ngang hàng tính không thể đảo ngược của sự tiếp diễn nhân quả với tính không thể đảo ngược của thời gian.
Với các luận cứ này, Kant nỗ lực chứng minh rằng tính nhân quả là một điêu kiện của kinh nghiệm chứ không thể được rút ra từ kinh nghiệm. Sau này, lập luận ấy của ông sẽ bị phê phán từ mọi hướng, với Hegel (1817) xem tính nhân quả là tưong quan được thiết định giữa bản thể và tùy thể, và Nietzsche (1901) đã quy giản tính nhân quả thành một sự hư cấu cân thiết (necessary fiction). Mặc dù những lý giải và những sự phê phán cách hiểu của Kant về tính nhân quả vẫn còn tiếp diễn, công việc của ông bên trong khung khoa học của Galileo ngày nay đã biến công trình của ông về tính nhân quả chủ yếu chỉ còn có giá trị lịch sử. Ngay cả trong các thuật ngữ của trường phái Kant chính thống, việc phát hiện ra nguyên lý bất định treo lửng các quy luật nhân quả ở cấp độ lượng tử đã phản bác yêu sách rằng phạm trù tính nhân quả và các nguyên tắc của nó là những điều kiện tiên quyết không thể thiếu được của kinh nghiệm.
Kant cũng phân biệt giữa tính nhân quả của tự nhiên và tính nhân quả của tự do. “Quy luật” nhân quả mà giác tính áp đặt đối với tự nhiên là không giống với quy luật nhân quả mà lý tính áp đặt đối với tự do. Sự đối lập giữa hai hình thức của tính nhân quả tạo thành mâu thuẫn của “nghịch lý thứ ba” trong PPLTTT. Nghịch lý này đặt đối lập tính tự khởi của một nguyên nhân tự do với sự quy định hoàn toàn của các quy luật của tự nhiên. Với Kant, việc không lẫn lộn hai tính nhân quả này là thiết yếu đối với cả triết học lý thuyết lẫn triết học thực hành. Điều này không phủ nhận rằng con người cư trú ở cả lĩnh vực khả niệm và khả giác, “tính nhân quả của tự do... là tính nhân quả của một nguyên nhân tự nhiên, song được đặt bên dưới tự do” (PPNLPĐ, BLV), mà đúng hon là khẳng định rằng tính nhân quả của tự do, hay Cổ sở của sự quy định khả niệm, trong khi bị quy định bởi tính nhân quả của tự nhiên vẫn không thể bị quy giản vào nó. Theo cùng một nguyên tắc như thế, các quy luật của tính nhân quả bị giới hạn vào các hiện tượng, và không thể được mở rộng đến các đối tượng siêu-cảm tính.
Nguyễn Văn Sướng dịch