Phạm trù (các) [Đức: Kategorien; Anh: categories]
Xem thêm: Phân tích, Diễn dịch, Phán đoán, Logic, Nguyên tắc (các), Tổng hợp, Bảng các phán đoán/các phạm trù.,
Các phạm trù là những mô thức dựa theo đó các đối tượng của kinh nghiệm được cấu trúc và được sắp xếp trình tự. Thuật ngữ cổ điển Hy Lạp kategorein có nghĩa là “kết án”, “phát biểu” hay “phán đoán”, và được Aristoteles sử dụng để mô tả những phưong cách mà ta có thể phát biểu về tồn tại. Trong Các phạm trù, ông đưa ra một danh mục mười phạm trù như sau: (1) bản thể (substantia), (2) lượng (quantitas), (3) chất (qualitas), (4) tưong quan (relatio), (5) vị trí (ubi), (6) thời gian (quando), (7) hoạt động (actio), (8) bị động (passio), (9) tình trạng (situs), và (10) ăn mặc hay trang bị (habitus). Thậm chí trong giai đoạn cổ điển, danh mục này bị phê phán vì chứa đựng những sự lặp lại, và người ta đã nỗ lực giảm bớt số lượng các phạm trù, trong nhiều trường hợp đã rút gọn thành một đối lập duy nhất như “bản thể và tùy thể’, “chất liệu và mô thức” hay, như trong trường hợp của Plotinus, “chuyển động và ổn định” (Plotinus, 1971, tr.
235). Trong chừng mực nào đó, những sự rút gọn này được dựa vào những đoạn văn trích từ một số trong các công trình khác của Aristoteles.
Qua bản dịch cuốn Các phạm trù (Aristoteles) của Boethius, sơ đồ mười phạm trù đã gây một ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của triết học châu Âu trung cổ sơ kỳ. Nhưng với sự truyền bá rộng rãi bộ toàn tập Aristoteles bằng tiếng Latinh trong thế kỷ XIII, người ta nhận thấy ở Aristoteles có sự căng thẳng giữa giải thích về tồn tại dựa vào các phạm trù và những mô tả khác, kiệm lời hơn về tồn tại dựa vào các thuật ngữ như “bản thể và tùy thể”. Quyền uy của Aristoteles buộc các triết gia như Aquinas và Duns Scotus phải hòa giải các phạm trù với những phương diện khác trong bản thể học Aristoteles, với những kết quả phức tạp và thường gây bối rối. Đặc điểm ưa hoa mỹ (baroque) ngày càng tăng của học thuyết về các phạm trù là một nhân tố quan trọng trong sự bác bỏ chủ nghĩa kinh viện qua các triết gia hiện đại thời kỳ đầu như Hobbes và Descartes. Vào giữa thế kỷ XVII, các lý do để bác bỏ các phạm trù của Aristoteles được Arnauld tóm tắt lại, và chính ông đã tuyên bố rằng các phạm trù, “mà từ đó rất nhiều sự bí nhiệm được tạo ra”, “chỉ giúp đỡ không đáng kể vào sự hình thành phán đoán, mục đích thực sự của logic học”. Quan trọng hơn, chúng là “hoàn toàn võ đoán và được đặt cơ sở trên trí tưởng tượng của một người không có thẩm quyền ấn định một quy luật cho những người khác” (Arnauld, 1662, tr. 43), và khuyến khích các nhà triết học phát biểu bằng quyền uy về “các phân loại võ đoán” chứ không phải là về bản thân các sự vật.
Trong PPLTTT, các phạm trù được phục hồi lại và thoát khỏi tình trạng bị hạ nhục phổ biến, một đoạn đáng chú ý trong đó Toneli (1964) mô tả là “sự phục sinh từ vựng Đức-Aristoteles”. Để cứu vãn các phạm trù ra khỏi sự tai tiếng đang lan tràn mà chúng mắc phải, Kant phải trả lời loại phản bác của Arnauld, và không chỉ phân biệt bảng các phạm trù của ông với sự tùy hứng của Aristoteles, mà còn cho thấy rằng các phạm trù có thẩm quyền và đóng góp cho “sự hình thành phán đoán”. Nhiệm vụ này đòi hỏi ông chú ý đến: a) sự dẫn xuất của các phạm trù - chúng không dựa vào quyền uy cá nhân của Aristoteles hay của bất kỳ triết gia nào khác; b) sự trình bày chúng có hệ thống trong “bảng các phạm trù”; c) sự biện minh hay “sự diễn dịch” chúng; và d) sự vận dụng chúng vào việc tạo ra các phán đoán.
Trong một lá thư gửi cho Marcus Herz vào ngày 21 tháng 2 năm 1772, và sau đó trong SL § 39 (“Vê hệ thống các phạm trù”), Kant giải thích sự phát hiện của ông về các phạm trù bằng cách xét lại sự tùy hứng của Aristoteles. Ông tuyên bố rằng các phạm trù của Aristoteles được rút ra từ “nhận thức thông thường” và được trình bày thoải mái “khi ông tìm thấy chúng”, một phưong pháp mà Kant so sánh với việc tập hợp những yếu tố ngữ pháp từ sự quan sát việc sử dụng ngôn ngữ. Ngược lại, ông tìm cách cắt nghĩa tại sao cũng giống như một ngôn ngữ, nhận thức “có cấu tạo hình thức này mà không có cấu tạo hình thức khác” và tại sao nó có “chỉ ngần ấy những quy định hình thức như thế, không nhiều hon cũng không ít hon, ” (SL § 39). “Sau thời gian dài suy tưởng về những yếu tố thuần túy của nhận thức con người (những yếu tố không chứa bất cứ những gì là thường nghiệm)”, Kant tuyên bố rằng ông đã đi đến chỗ phân biệt không gian và thời gian như là “những khái niệm Cổ bản có tính thuần túy của cảm năng” cho phép ông loại các phạm trù số 7, số 8, và số 9 ra khỏi danh mục cũ” (SL § 39).
Sự loại trừ các phạm trù không gian và thời gian chủ yếu tưong ứng với giai đoạn Kant viết LA. Nhưng vấn đề vẫn là làm thế nào để rút ra các phạm trù còn lại. Trong thư gửi cho Herz, Kant thừa nhận rằng về “các biểu tượng trí tuệ” thì kết luận của LA là mang tính phủ định - chúng không được “đối tượng tạo ra”. Nhưng còn sót lại một vấn đề là “làm thế nào mà giác tính phải kiến tạo cho chính mình những khái niệm hoàn toàn tiên nghiệm về các sự vật, mà các sự vật nhất thiết phải phù hợp với các khái niệm này?”; tức là các nguyên tắc vừa phù hợp với kinh nghiệm nhưng lại vừa độc lập với kinh nghiệm. Trong “thập niên im lặng” 1770, Kant đã tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này: “Tôi mãi đi tìm một tác vụ của giác tính bao hàm toàn bộ những hành vi khác và chỉ được dị biệt hóa bằng những biến thái khác nhau hay những mô men khác nhau, trong khi mang cái đa tạp của biểu tượng vào dưới sự thống nhất của tư duy nói chung” (SL §39). Ông “tìm thấy tác vụ này của giác tính chính là ở việc phán đoán”, được ông mô tả bằng cách mang lại sự nhất trí giữa các biểu tượng về các sự vật và các khái niệm tiên nghiệm của giác tính.
Hành vi của phán đoán vì vậy đã trở thành nguồn suối để từ đó rút ra các khái niệm cơ bản [tức các phạm trù], và các khái niệm này cùng nhau tạo thành ngữ pháp của tư duy. Với Kant, vì phán đoán là sự hợp nhất của một đa tạp, nên các khái niệm cơ bản quy chiếu đến những phương cách khác nhau mà những cái đa tạp có thể được hợp nhất. Kant dùng đến một sự giải phẫu việc phán đoán do các nhà logic học mang lại để lập bản đồ về “các biến thái” khác nhau của hành vi phán đoán, và vì vậy có thể “trình bày một bảng hoàn chỉnh các chức năng thuần túy của giác tính”. Những chức năng này là những thể cách phán đoán, và những thể cách này là những cấu tạo thuần túy của giác tính “chưa được xác định đối với bất kỳ đối tượng nào”. Tiếp đó, những thể cách này được mở rộng đến việc áp dụng cho “các đối tượng nói chung”; tức là không phải cho các phán đoán riêng lẻ, mà cho những điều kiện không chỉ làm cho những phán đoán như thế có thể có được mà còn có hiệu lực một cách khách quan: những điều kiện hay “những khái niệm thuần túy của giác tính” này được mang lại “tên gọi cũ của chúng là các phạm trù” (SL § 39).
Sự dẫn xuất các phạm trù từ những thể cách khác nhau của hành vi phán đoán là phần cốt lõi của “Phân tích pháp các khái niệm” trong PPLTTT. Luận chứng cơ bản về phần rất được quan tâm và bàn luận nhiều này trong PPLTTT là khá dễ hiểu. Mọi hành vi của giác tính là các phán đoán và giác tính là quan năng của phán đoán. “Các chức năng của sự thống nhất trong phán đoán” có thể chia thành bốn tập hợp, mỗi tập hợp gồm ba thành phần: tập hợp lại, chúng tạo thành bảng các phán đoán (xem bảng 1).
Lượng của một phán đoán được xác định bởi việc liệu một vị từ có bao gồm toàn bộ, một số hoặc chỉ một trong các chủ từ của nó hay không; chất quy chiếu tới những phương cách mà một vị từ có thể được làm vị từ cho một chủ từ; tương quan bao hàm cách thức theo đó các vị từ có thể được quan hệ với một chủ từ, trong khi tình thái chỉ rõ mối quan hệ của phán đoán với những điều kiện của tư tưởng nói chung.
Rồi Kant đi đến chỗ liên kết phán đoán với sự tổng hợp, mô tả các khái niệm mang lại tính thống nhất cho sự tổng hợp thuần túy như là các phạm trù, và vì vậy cung cấp những điều kiện cho tính khách quan nói chung. Những khái niệm này tương ứng với những tác vụ cơ bản của phán đoán được liệt kê trên, và đến lượt chúng mang lại một bảng các phạm trù (xem bảng 2).
Những khái niệm nền tảng này, Kant cũng gọi chúng là những khái niệm “căn nguyên và nguyên thủy”, được gắn chặt với mọi hành vi của phán đoán, nhưng lại có những đặc điểm riêng của chúng. Các phạm trù lượng và chất có cùng đặc điểm là quy chiếu phán đoán đến các đối tượng của trực quan và được gọi là có “tính toán học”, trong khi các phạm trù tương quan và tình thái được gọi là các phạm trù “tính năng động” và quy chiếu phán đoán đến một tương quan giữa các đối tượng của trực quan với nhau, hay giữa các đối tượng này với giác tính. Trong mỗi nhóm, Kant quan sát thấy rằng cặp các phạm trù đầu tiên trong mỗi tập hợp hình thành nên một sự phân đôi, còn cặp thứ ba nảy sinh từ sự nối kết của chúng.
Việc dẫn xuất các phạm trù cũng phần nào có vai trò như là sự biện minh cho chúng. “Diễn dịch siêu hình học” là ở chỗ chỉ ra sự phù hợp của chúng với “các chức năng logic của phán đoán”, trong khi “diễn dịch siêu nghiệm” cho thấy rằng các phạm trù tạo thành những điều kiện cho các phán đoán của kinh nghiệm có hiệu lực một cách khách quan. Với điều này, các phạm trù có thể trở thành, theo cách nói của Arnauld, “tính định hình cho phán đoán” (1662, tr. 43), vì giờ đây chúng có thể xác định các phán đoán thường nghiệm. Bản thân chúng chỉ là “những chức năng logic”, nhưng khi chúng thích hợp với những điều kiện của trực quan cảm tính thông qua thuyết niệm thức và các nguyên tắc, thì chúng khiến cho “các phán đoán của kinh nghiệm nói chung” là có thể có được. Cho dù được giác tính tạo ra một cách tự trị trong tác vụ của phán đoán, nhưng các phạm trù, qua các nguyên tắc, phù hợp với cái đa tạp của trực quan hay, theo cách nói trong thư gửi cho Herz, với bản thân “sự vật” (TT, tr. 72).
BẢNG 1: BẢNG CÁC PHÁN ĐOÁN
II
Lượng của các phán đoán
Phổ biến
Đặc thù
Cá biệt
III
Chất
Tương quan
Khẳng định
Nhất thiết
Phủ định
Giả thiết
Bất định
Phân đôi
IV Tình thái
Nghi vấn Xác định Tất nhiên
Nguồn: PHLTTT A 70/ B 95
TÌNH THÁI
Khả thể - Bất khả thể
Tồn tại - Không tồn tại
Tất yếu - Bất tất
Nguồn: PPLTTT A 80/ B 106
Việc Kant làm sống lại các phạm trù đã là nguồn gốc gây nên các cuộc luận chiến triết học không ngừng, cả bên trong lẫn bên ngoài khuôn khổ triết học phê phán. Fichte tuyên bố rằng diễn dịch của Kant là một thất bại: “ông không hề chứng minh các phạm trù được ông tập hợp như là điều kiện của Tự-ý thức, mà chỉ nói rằng chúng là như thê” (Fichte, 1794, tr. 51). Fichte ra sức cứu chữa cái được gọi là những bất túc trong diễn dịch của Kant bằng cách định hướng lại quan niệm của Kant về phán đoán trong một nghiên cứu về “việc thiết định” như là thể cách hành động cơ bản của cái Tôi chủ thể. Hegel nhận thấy sự nhấn mạnh của Fichte vào sự diễn dịch mới về các phạm trù là có căn cứ, nhưng đã phê phán Fichte vì đã không tra hỏi một cách đầy đủ về sự đối lập tiềm tàng giữa tính nhất thể và tính đa thể. Bản thân sự đối lập này là một sự trừu tượng, tương xứng với một ý niệm trừu tượng về cái Tôi hay chủ thể nơi Fichte. Schopenhauer cũng bác bỏ “cái bộ máy đồng hồ phức tạp” các phạm trù của Kant để ủng hộ nhận thức trực quan, trực tiếp.
Tất cả các phê phán ban đầu về các phạm trù của Kant thực ra đều chia sẻ dự án phê phán là phải dẫn xuất ngữ pháp của nhận thức từ một nguyên tắc hay một hành vi nền tảng. Những người theo thuyết Kant-mới sau này trong thế kỷ XIX đã thực dụng hơn, vay mượn các phạm trù của họ trong một hành vi của sự phản tư cấp độ thứ hai về các khoa học tự nhiên và nhân văn. Đặc điểm của triết học thế kỷ XX phần lớn là không thiện cảm với các hệ thống phạm trù. Đặc biệt là công trình của Wittgenstein [thời hậu kỳ], nghiên cứu các phán đoán mà không cần đến bất cứ một nỗ lực nào để phát hiện ra cái cấu trúc cơ bản của chúng, dường như rất gần với “sự nghiên cứu cách dùng hiện thực các từ ngữ” đối lập với sự nghiên cứu về “sự cấu tạo hình thức” của một ngôn ngữ mà Kant trước đây đã xét đến, nhưng đã bác bỏ, như một mô hình sự phản tư triết học.
Đinh Hồng Phúc dịch