Suy luận (sự) [Đức: Aufschliessen; Anh: inference]
Xem thêm: Nghịch lý (các), Biện chứng, Ý niệm (các), Ảo tưởng, Logic học, Võng luận (các),
Kant phân biệt nhận thức trực tiếp, tức nhận thức phát biểu rằng một hình vẽ được giới hạn bởi ba đường thẳng sẽ có ba góc, với nhận thức thông qua suy luận, tức nhận thức phát biểu rằng tổng của ba góc này bằng hai góc vuông. Suy luận là một chuỗi kết hợp có logic đi từ chân lý của một mệnh đề hay một phán đoán làm nền tảng đến kết luận được rút ra từ nó. Một trường hợp mà kết luận được rút ra trực tiếp từ một phán đoán làm nền tảng là một “suy luận trực tiếp của giác tính”. Những suy luận của lý tính là những suy luận đòi hỏi ít nhất một phán đoán thêm vào cho một phán đoán ban đầu để đạt được một kết luận. Một ví dụ kinh điển về sự suy luận trung giới là suy luận tam đoạn: (a) chính đề, (b) thứ đề, và (c) kết luận - được Kant nhắc lại bằng cách nói khác: (a) suy tưởng một quy luật nhờ vào giác tính, (b) phán đoán thâu gồm vào dưới một quy tắc, (c) lý tính xác định thuộc tính của quy tắc (PPLTTT A 304/B 360-1). Kant tin rằng những suy luận sai lầm nằm ngay tại gốc rễ của ảo tưởng và sự nhầm lẫn. Những suy luận sai lầm của giác tính “xét cái gì đó được tri giác trực tiếp nhưng thực ra chỉ là cái đã được suy luận” (A 303/B 359), trong khi những suy luận sai lầm của lý tính nảy sinh từ việc rút ra những kết luận vượt quá những ranh giới của kinh nghiệm, biến những thuộc tính của những quy tắc của giác tính được dùng trong các chính đề thành những toàn thể vô-điều kiện. Kant phân tích ba hình thức này của suy luận biện chứng: cái thứ nhất đi từ khái niệm siêu nghiệm về chủ thể đến sự thống nhất tuyệt đối của chủ thể và mang hình thức một võng luận; cái thứ hai đi từ một loạt những điều kiện cho một hiện tượng đến cái toàn thể tuyệt đối của những điều kiện này và mang hình thức sự nghịch lý (antinomy), trong khi cái thứ ba đi từ toàn thể những điều kiện của một đối tượng của kinh nghiệm đến những điều kiện của những đối tượng nói chung và sản sinh ra “loại lập luận biện chứng mà tôi gọi là ỷ thể của lý tính thuần túy [tức Thượng đế]” (A 340/ B 398).
Mai Thị Thùy Chang dịch