Đơn tử [Đức: Monade; Anh: monad]
Xem thêm: Vật thể, Khả phân (tính), Dị biệt (sự), Chất thể/Vật chất, Vận động (sự), Bản thể,
Trong Đơn tứ luận (Monadologie, viết năm 1714 và công bố năm 1720), Leibniz định nghĩa đơn tử như là một “bản thể đơn tố nằm trong những cái đa hợp” (§1), một đơn tử có năng lực “tri giác” (§15) và “ham muốn” (§16). Trong tác phẩm thời kỳ tiền-phê phán là ĐTLVL (1756), Kant xem vật thể là cái được hợp từ “những bản thể đơn tố” hay “những đơn tử” (tr. 477, tr. 53) và các đơn tử này chiếm không gian không phải bằng quảng tính mà bằng hoạt lực (tr. 481, tr. 57). Ở giai đoạn đầu này trong sự nghiệp của mình, Kant chịu ảnh hưởng sâu sắc môn động lực học của Leibniz, môn học này dựa trên những lực được thực hiện bởi những bản thể đơn tố, cho dù vào lúc viết quyển THTN (1764) ông trở nên hết sức hoài nghi về đơn tử khi dùng nó làm minh họa cho một khái niệm triết học “được sáng chế ra” (tr. 227, tr. 249). Trong một mục của quyển PPLTTT có tiêu đề “Tính nước đôi của các khái niệm phản tư”, Kant làm trầm trọng thêm tinh thần hoài nghi này thành một sự phê phán toàn diện, là sự phê phán đặt ra nghi vấn về tính đơn tố của các đơn tử, về năng lực biểu tượng của chúng, và những vấn đề nảy sinh do nỗ lực liên kết những bản thể đơn tố lại với nhau (Xem PPLTTT A 267/B 323 và A 274/B 330). Tuy nhiên, sau này khi phúc đáp cho triết gia phái Leibniz là Eberhard trong quyển PH (1790), ở đó Kant gọi PPLTTT là “sự biện hộ đích thực cho Leibniz” (PH tr. 251, tr. 160), lập trường phê phán của ông trở nên tinh tế hơn. Kant bảo vệ Leibniz chống lại những học trò của ông ta (Leibniz), bằng cách phát biểu rằng trong trường hợp của đơn tử, ta không được lẫn lộn với một tồn tại vật lý, vì đơn tử là một “thể nền hay cơ chất không được biết đến”, một “ý niệm của lý tính” trong đó “ta nhất định phải tự mình hình dung mọi thứ mà ta nghĩ là một bản thể đa hợp được cấu tạo từ những bản thể đơn tố” (tr. 248, tr. 158). Ở đây Kant trình bày PPLTTT như là sự phát triển của những chủ đề trong triết học Leibniz, và trước hết là chủ đề về đơn tử.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch