Psychosomatique
[VI] TÂM THỂ
[FR] Psychosomatique
[EN]
[VI] Một từ trở thành thông dụng trong y học, nhưng cũng rất khó định nghĩa; nếu nó về quan hệ giữa tâm và thể (cơ thể) thì bất kỳ hiện tượng bệnh lý nào cũng có hai mặt ấy, ít hay nhiều; xu hướng chung là dành cho những bệnh chứng biểu hiện là thực thể, nhưng về căn nguyên thì những yếu tố tâm lý đóng một vai trò quan trọng. Ngày nay, đại đa số tác giả xếp vào loại tâm – thể những bệnh: loét dạ dày, tá tràng, viêm trực tràng xuất huyết, hen suyễn, chàm (eczéma), một số bệnh dị ứng, bệnh của tuyến giáp, một số chứng đau nhức xương khớp, đau đầu… Quan điểm tâm – thể nhấn mạnh một điều là cần quan tâm đến yếu tố tâm lý, và bất kỳ bệnh chứng nào, kể cả những ca cần đến phẫu thuật đều có mặt tâm lý. Về căn nguyên và bệnh sinh, để lý giải mối liên quan tâm-thể, có: - Học thuyết về stress, nhấn mạnh ảnh hưởng của cảm xúc đến sinh lý (x. Stress). - Phân tâm học đề xuất khái niệm chuyển hoán (conversion) một mối xung đột tâm lý nan giải biến thành một bệnh chứng thực thể. Đây là quá trình thể chất hóa (somatisation), điển hình là những triệu chứng hystêri; - Có tác giả nhấn mạnh về những đặc trưng nhân cách của bệnh nhân, như bệnh nhân loét dạ dày hay huyết áp cao, nhồi máu cơ tim…thường có những kiểu nhân cách đặc biệt. Có tác giả không xếp hystêri vào loại bệnh này. Cũng không nên xếp vào những hiện tượng nhất thời do những cảm xúc mạnh gây ra, hay những hiện tượng do chứng ưu bệnh (hypocondrie). Chữa các bệnh tâm-thể phải kết hợp: - Các biện pháp thể chất, như phẫu thuất trong chảy máu dạ dày, thuốc đặc hiệu trong đái đường, những tâm dược kiểu an thần, kích hứng… - Tâm lý liệu pháp: không phải do những thầy thuốc chuyên tâm bệnh học, mà các thầy thuốc đa khoa, nội khoa hiểu biết về tâm lý. Ở trẻ em khía cạnh tâm-thể trong mọi bệnh chứng rất thường gặp.