Temps,Temporalité
[VI] THỜI GIAN
[FR] Temps, Temporalité
[EN]
[VI] Mọi hoạt động của con con người đều diễn ra trong khuôn khổ của không gian và thời gian, đòi hỏi sự định hướng trong không- thời gian. Trẻ em phải qua một thời gian dài mới cảm nhận được rõ về thời gian, đi từ cảm nhận trình tự nối tiếp nhau của các hoạt động, các sự việc, nhưng muốn vậy phải thoát khỏi cảm giác hiện hành, đối chiếu nó với một chuẩn nào khác. Rồi đến cảm nhận thời lưu (durée), tức sự trôi qua của các sự việc; lúc đầu còn mang tính chủ quan hoàn toàn, vui chơi thì thấy thời gian trôi nhanh, buồn bực, như chờ mẹ thì thấy lâu, thời lưu gắn liền với nội dung hoạt động cảm giác. Đến lúc có thể thoát khỏi cảm giác và hành động cụ thể, xác định được những cái mốc khách quan; những cái mốc này do sinh hoạt xã hội lặp đi lặp lại như sáng dậy, trưa ăn cơm, chiều bố mẹ đi làm về, chủ nhật không đi mẫu giáo, ngày Tết, ngày giỗ…Cuối cùng là so sánh lâu mau giữa hai khoảng thời gian tức hình dung được một thời gian thuần nhất, là cái khung cho bất kỳ sinh hoạt nào, có thể đo lường với một đơn vị chung cho mọi người, tính bằng phút, bằng giờ, bằng ngày, tuần, tháng, năm…Lúc ấy biết dùng đồng hồ, lịch. Từ 4-5 tuổi, mới bắt đầu nhận ra thời gian, phân biệt sáng, chiều, rồi ngày trong tuần, ngày chủ nhật; 6 tuổi nếu đi học phân biệt ngày trong tuần; 7 tuổi nhận ra tháng, 8 tuổi, năm sau 10-11 tuổi mới ước lượng được một hoạt động kéo dài bao nhiêu giờ, phút, và sau đó đoán giờ với sai số khoảng 30 phút. 13 tuổi có những ký ức riêng rõ nét có hệ thống, biết nghĩ đến tương lai, có ước mong về sau.