Điều răn [Đức: Gebot; Anh: command]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Xu hướng, Quy luật, Tam đoạn luận, Ý chí,
Khái niệm “điều răn” đóng vai trò trung tâm trong triết học luân lý của Kant, biểu thị mối quan hệ giữa quy luật khách quan và ý chí. Trong CSSĐ, Kant định nghĩa “điều răn” như “biểu tượng về một nguyên tắc khách quan trong chừng mực nó đòi hỏi nhất thiết phải có ý chí” (tr. 414, tr. 24), phân biệt nó với quy luật mà nó đại diện, và với mệnh lệnh [nhất quyết] mà nhờ đó nó được phát biểu ra. Do “sự cấu tạo khách quan” của ý chí con người - tức sự kiện rằng ý chí vốn “không hoàn toàn tốt” - nên mệnh lệnh được trình bày như một cái phải làm, như sự đè nặng của quy luật lên các xu hướng của ý chí. Vì lý do này, Kant thường xem điều răn có vai trò như sự đảm bảo cho việc “tuân phục quy luật” như được nói đến trong cuốn PPLTTH là “cưỡng chế chủ thể vốn bị tác động một cách cảm tính” (tr. 81, tr. 83). Kant phân biệt nghiêm ngặt “điều răn (quy luật)” này “của luân lý” đi kèm với mệnh lệnh nhất quyết, với “các quy tắc của tài khéo” và “các lời khuyên của sự khôn ngoan” được rút ra từ các mệnh lệnh giả thiết (CSSĐ, tr. 416, tr. 26).
Cấu trúc phức hợp làm Cổ sở cho việc Kant sử dụng thuật ngữ này được thấy rõ nhất trong cuốn SHHĐL. Có điều răn thuộc cánh tay hành pháp của nhà nước, nằm giữa nhà lập pháp và bộ máy tư pháp, và chịu trách nhiệm cho việc đảm bảo sự tuân thủ pháp luật. Sau này nó còn xuất hiện như hạn từ trung gian của một tam đoạn luận thực hành: “Đại tiền đề bao hàm quy luật cho ý chí; tiểu tiền đề bao hàm điều răn buộc phải hành xử theo quy luật ấy, tức là nguyên tắc của sự thâu gồm dưới quy luật; và kết luận bao hàm sự phán quyết (bản án).” (SHHĐL, tr. 313, tr. 125). Vì thế, có một sự tưong tự đang diễn ra trên thực tế giữa tam đoạn luận thực hành, tổ chức của nhà nước và sự phát biểu của phán đoán luân lý dựa theo sự phân biệt giữa quy luật, điều răn và mệnh lệnh.
Trần Kỳ Đồng dịch