Dân chủ (nền) [Đức: Demokratie; Anh: Democracy]
Theo nghĩa đen, là xã hội do nhân dân cai trị. Trong thực tế, những gì được biết đến như nền dân chủ trực tiếp, ở đó những công dân có tiếng nói trực tiếp trong các quyết định chính trị, là hiếm có. Một số nền dân chủ như vậy đã tồn tại ở một số thành quốc của Hy Lạp cổ đại, khi tất cả những người được xem là công dân (tức, trừ tất cả phụ nữ và nô lệ) có quyền tham gia vào thảo luận công cộng và bỏ phiếu chính sách. Còn trong thực tế, hầu hết những nền dân chủ là dân chủ đại diện, ở đó người dân có những đại diện trong chính quyền bao gồm những nghị sĩ hay thành viên của nghị viện được bầu, vốn là những người sẽ ra quyết định thay mặt người dân. Habermas, trong suốt sự nghiệp của mình, đã quan tâm tới hoạt động của chính quyền dân chủ, và trách nhiệm giải trình cũng như sự phản hồi của chính quyền với người dân. Mối quan tâm này thể hiện trong những công trình sớm nhất của ông, chẳng hạn, nghiên cứu của ông về thái độ chính trị của sinh viên trong những năm cuối thập niên 1950 ở Tây Đức (Habermas et al., 1961). Tác phẩm The Structural Transformation of the Public Sphere /Sự biến đổi cấu trúc của khu vực công) phần lớn là lịch sử xã hội về sự phát triển nền dân chủ ở châu Âu (Habermas, 1989a). Trong công trình gần đây hơn, ông trở lại một cách rõ ràng với các vấn đề về tổ chức dân chủ của chính quyền trong điều kiện phức tạp và đa nguyên của các xã hội tư bản chủ nghĩa hậu kỳ (Habermas1996 & 1998a).
Habermas chủ yếu quan tâm đến việc trả lời cho vấn đề của cuộc sống trong các xã hội phức hợp, đa văn hoá. Ông nêu rõ vấn đề này bằng sự phân biệt demos (nhân dân) và ethnos (tộc người) (1996, tr. 495). Là những thành viên của demos, người dân kết hợp lại với nhau trong cùng một xã hội, với tư cách là những công dân. Demos xét sự hiện hữu của con người như con người chính trị. Ngược lại, ethnos xét căn cước của con người như là thành viên của một cộng đồng văn hoá, tôn giáo hay tộc người đặc thù. Trong xã hội đa văn hoá, hai điều này cần phải được tách rời nhau ra.
Các nhà tư tưởng Tân bảo thủ/Neo-conservative, như triết gia chính trị Đức giữa thế kỷ XX Carl Schmitt, được Habermas chỉ đích danh như là người chủ trương rằng các xã hội chính trị hiện đại chỉ có thể tồn tại nếu chúng được đặt nền tảng trên ethnos duy nhất và thuần nhất (1998a, tr. 134ff). Có thể nói thêm rằng Carl Schmitt tiếp tục có ảnh hưởng lên tư tưởng cánh hữu mới ở Mỹ đương đại. Habermas thừa nhận tầm quan trọng của ethnos. Thực sự, nó là thế giới đời sống/lifeworld trực tiếp của người dân bình thường, và vì thế, là nguồn gốc của các kỹ năng, giá trị và niềm tin cho phép họ tạo nên ý nghĩa cho đời sống của mình, cũng như cho những sự cố và những người xung quanh mình. Người dân bình thường phải được xã hội hoá vào một ethnos để đạt được năng lực thực hiện chức năng trong đời sống xã hội, và để phát triển nhân cách tự nhiên. Nhưng ethnos không được phép trở thành cơ sở của đời sống chính trị. Ở đây, Habermas ám chỉ đến thực tế rằng ta đang sống trong một xã hội hiện đại, hậu-siêu hình học/post-metaphysical. Tức là, trong thời (tính) hiện đại/modernity, không còn một thế giới quan (hay siêu hình học) được cho là tất nhiên duy nhất nào chiếm ưu thế như hình mẫu đã tồn tại của Kitô giáo thời trung cổ. Vì thế, những giá trị đạo đức cơ bản có thể không còn được phép định hình lĩnh vực chính trị của demos. Triết học pháp luật/law của Habermas khám phá đòi hỏi này, bằng cách xem pháp luật như là quy tắc theo đó con người liên hệ với nhau như những công dân của một nhà nước đặc thù (chứ không như con người tự thân).
Habermas tóm lược những đòi hỏi của demos dưới khái niệm ‘chủ nghĩa yêu nước hợp hiến’ (constitutional patriotism) (1996, tr. 500). Hiến pháp trở thành tâm điểm của mối quan tâm chung của công dân, đối lập với các giá trị cơ bản của bất kỳ tộc người đặc thù nào. Thật thế, Habermas đề xuất rằng ý thức về quyền công dân chung (phân biệt với tính tộc người chung) có thể được hình thành thông qua tranh luận về hiến pháp. Dù sao thì hiến pháp cũng phải đảm bảo các thể thức bảo vệ tính hợp pháp của pháp luật, mà cụ thể là xác định quyền tham gia vào tranh luận công cộng mà người công dân phải có. Thực tế, hiến pháp đảm bảo rằng tất cả công dân có quyền bình đẳng để thách thức bất kỳ sự sửa đổi luật pháp nào, và để tiếp nhận sự phản hồi hợp lý cho những bắt bẻ của họ, hơn là chỉ có quyền bỏ phiếu cho những chính sách được đề xuất bởi các đảng chính trị. Điều quan trọng, pháp luật và chính sách có lẽ không nên được hỗ trợ thông qua việc moi móc số liệu ô hợp của các sở thích cá nhân hay sở thích chủ quan (như hệ thống bầu cử đơn giản cho phép). Việc chấp nhận hoặc bác bỏ pháp luật phải đi xa hơn sở thích, và phải viện dẫn tới sự biện minh.
Trong khi những đòi hỏi hợp hiến cơ bản có thể là phổ biến với mọi xã hội công chính, Habermas thừa nhận rằng những quốc gia khác nhau có thể nhận thức những chi tiết trọng yếu trong hiến pháp và hệ thống pháp luật một cách khác nhau. Điều này làm tăng mối quan tâm về tầm quan trọng còn tiếp tục kéo dài của chủ nghĩa dân tộc trong thế giới hiện đại (xem 2001b, tr. 58–129). Habermas, vì vậy, vẫn dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Cộng đồng châu Âu (1996, tr. 500–507).
Đọc thêm: Rosenfeld and Arato 1998; Schomberg and Baynes 2002