Chủ nghĩa Marx [Đức: Marxismus; Anh: Marxism]
Các trường phái nghiên cứu xã hội, kinh tế, chính trị và triết học được lấy cảm hứng từ công trình của Karl Marx và Friedrich Engels. Các cách diễn giải về công trình của Marx thực tế cực kỳ đa dạng, và dòng ảnh hưởng trực tiếp với Habermas đến từ các nhà tư tưởng tân Hegel hay chủ nghĩa Marx phương Tây (đặc biệt trái với các cách diễn giải thống trị ở Liên Xô cũ hoặc ở Trung Quốc của Mao).
Nhân vật chủ chốt trong sự phát triển chủ nghĩa Marx Tây phương, ít nhất từ góc độ của Habermas, là triết gia người Hungary György Lukács. Tác phẩm Geschichte und Klassenbewusstsein/History and Class Consiousness /Lịch sử và ý thức giai cấp) của Lukács (xuất bản năm 1923) đã diễn giải Marx như là người kế thừa của truyền thống triết học Đức, và do đó, xem lý thuyết xã hội của Marx là cách làm mới lại siêu hình học duy tâm của Hegel. Trong tay Lukács, chủ nghĩa Marx vì thế được giới thiệu như là triết học nhân bản chủ nghĩa, đề cập về năng lực của người dân thông thường làm chủ cuộc đời của họ. Như có thể thấy, ông phản đối cách đọc Marx theo khoa học vốn lập luận rằng chủ nghĩa Marx phác thảo các quy luật của tiến bộ lịch sử, và rằng sự can thiệp của con người để thay đổi hay đẩy nhanh kết quả của các quy luật này là điều vô ích. Các thảo luận của chính Habermas về Marx lại nhấn mạnh ở Marx sự căng thẳng giữa chủ nghĩa nhân bản của ông và tàn dư thuyết thực chứng dẫn đến sự tự nhận thức đặt nền tảng trên mô hình của các ngành khoa học tự nhiên (xem Habermas, 1971a, tr. 25–42).
History and Class Consiousness có ảnh hưởng quan trọng đến các nhân vật chủ chốt của Trường phái Frankfurt, như Theodor Adorno và Max Horkheimer, không chỉ ở chỗ thừa nhận địa vị của học thuyết Hegel trong việc diễn giải về Marx, mà còn bằng các ý tưởng chủ chốt, chẳng hạn sự ‘vật hoá’/’reification’. Tuy nhiên, Trường phái Frankfurt đã bắt đầu tách ra khỏi cách tiếp cận của Lukács do thái độ hoài nghi ngày càng tăng về tiềm năng cách mạng của giai cấp vô sản. Thực ra, điều này hẳn chỉ là sự triển khai một ngụ ý đã có mặt trong các luận cứ của Lukács. Lukács đã thừa nhận rằng chủ nghĩa tư bản/capitalism đã biến đổi bản thân nó kể từ ngày Marx viết. Do đó, chỉ mỗi lý thuyết xã hội của Marx thì không thoả đáng. Nó thiếu những nguồn lực cần thiết để hiểu sự phát triển của chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp (corporate capitalism) (trong đó thị trường ngày càng trở nên bị thống trị bởi một số ít hơn các công ty nhưng quy mô lớn hơn), và về sự gia tăng của việc tổ chức xã hội theo lối quan liêu. Do đó, Marx phải được bổ khuyết bằng công trình của nhà xã hội học Đức Max Weber. Chính do sự biến đổi này, theo Adorno và Horkheimer, chủ nghĩa tư bản hậu kỳ đã cho thấy sự thất bại của giai cấp vô sản cách mạng. Thật vậy, cấu trúc chính trị toàn thể của chủ nghĩa tư bản đã dường như thay đổi, vì sự sung túc về vật chất đã gia tăng mà Marx không tiên đoán được lại gắn liền với sự mất tự do, cũng như các cấu trúc hành chính ngày càng chi phối lên đời sống hàng ngày.
Nói chung, Habermas kế thừa chính hình thức này của chủ nghĩa Marx, một phần thông qua cách đọc của ông về Lukács, Horkheimer và Adorno ngay sau chiến tranh, và trong thời kỳ ông làm trợ lý nghiên cứu cho Adorno những năm 1950. Bởi vậy, không cần phải hồ nghi rằng, khởi đầu có thể coi Habermas là lý thuyết gia Mác-xít, mặc dù ông thừa nhận những hạn chế của công trình của Marx, và do đó là sự cần thiết phải bổ khuyết nó bằng công trình của Weber và các nhà xã hội học khác. Ông đưa ra miêu tả về công trình của mình như là lý thuyết phê phán/critical theory ở phần kết luận của Knowledge and Human Interests (1971a, tr. 246–300), vì thế về cơ bản nó là miêu tả theo chủ nghĩa Marx. Nhiệm vụ của lý thuyết phê phán là phải lột bỏ mặt nạ của những sự méo mó ý hệ trong xã hội, và do đó, phục hồi tính tự trị cho các cá nhân trong xã hội và cho xã hội như một toàn thể.
Trong công trình của Habermas phát triển trong những năm cuối 1960 và 1970, Marx bắt đầu chỉ là một nguồn ảnh hưởng trong số một loạt rất nhiều nguồn và những ảnh hưởng khác. Do đó, những năm 1970 chứng kiến sự gắn kết chủ yếu với chủ nghĩa Marx, và sự sử dụng liên tục các thuật ngữ Mác-xít chủ chốt (chẳng hạn, cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, và thuyết duy vật lịch sử), nhưng các thuật ngữ này ngày càng bị thách thức và được diễn giải lại (xem Habermas, 1976b & 1979a, tr. 130–177). Trong The Theory of Communicative Action /Lý thuyết về hành động giao tiếp, vốn phần nào là tổng quan lớn về sự phát triển của lý thuyết xã hội, Marx vẫn cứ có mặt ở đó, nhưng bây giờ đứng bên cạnh không chỉ Weber mà còn một loạt rất rộng và đa dạng các lý thuyết gia xã hội khác như Emile Durkheim, Talcott Parsons, G. H. Mead và Erving Garfinkel. Tuy nhiên, kỳ cùng việc tóm tắt lại những điểm xoay quanh lý thuyết phê phán là điều phản ánh các mối quan tâm của chủ nghĩa Marx, nhất là xét theo nhu cầu để cho lý thuyết xã hội gây ảnh hưởng lên thực tiễn chính trị và phơi bày những bất công của chủ nghĩa tư bản đương đại.
Công trình ở giai đoạn gần đây nhất của Habermas có thể gợi ý bước chuyển rời xa khỏi nghị trình chủ nghĩa Marx hướng đến nghị trình có tính khai phóng hơn. Habermas sẵn lòng tham gia vào các tranh luận với các triết gia khai phóng như John Rawls (Habermas, 1998a, tr. 49–101) và Richard Rorty (Habermas, 1999a, tr. 343–382). Ông đề cập đến khái niệm nền dân chủ hợp hiến trong lý thuyết pháp luật của mình. Thuật ngữ như ‘công bằng’ (justice) có vẻ để thế chỗ cho thuật ngữ ‘sự giải phóng hay khai phóng’/‘mancipation’ vốn đã xuất hiện trong những công trình thời kỳ đầu của ông. Tuy nhiên, trong khi các công trình của Habermas có thể chín chắn hơn, và ngày càng hợp hơn với những gì có thể được thực thi trong phạm vi các nhà nước phúc lợi hiện đại, thì chúng vẫn giữ nguyên ý định cấp tiến và phê phán, ít nhất có cội rễ trong di sản của chủ nghĩa Marx. Ông vẫn là nhà phê bình kiên định về những nhược điểm của chủ nghĩa tư bản.