Thượng Đế/Thiên Chúa và Kitô giáo [Đức: Gott und Christentum; Anh: God and Christianity]
Giống như hầu hết những người cùng thời, Hegel tuyên xưng đức tin vào sự hiện hữu của Thượng Đế. Nhưng những khái niệm về NIEM TIN, sự HIỆN HỮU và Thượng Đế đều đáng ngờ:
1. Ở cấp độ TIN, Hegel tin vào thần tính ngôi vị của Nhà thờ Tin Lành. Nhưng ông không đơn giản chấp nhận học thuyết này mà không nỗ lực lĩnh hội và biện minh nó một cách hợp lý tính. Tuy nhiên, sự lĩnh hội và biện minh thuần lý về các HÌNH TƯỢNG của niềm tin không có nghĩa là để chúng bất biến như vậy. Nhận thức triết học biến các biểu tượng này thành những tư tưởng. Và khi làm điều ấy, các triết gia thường biến đổi nội dung của niềm tin, chẳng hạn biến Thiên Chúa ngôi vị của Kitô giáo thành một “Hữu thể tất yếu”. Các triết gia trung đại viện đến học thuyết về “chân lý kép”, tức chân lý của niềm tin và chân lý của lý tính, vốn không những không trùng khít nhau, mà còn xung đột nhau. Và một trong những mục đích của Hegel là vượt qua sự đối lập, giống như những sự đối lập khác, giữa sự giàu có của niềm tin truyền thống và sự nghèo nàn của lý tính triết học. Vì thế triết học của ông được dự định là có cùng một nội dung như Kitô giáo, nhưng khác về HÌNH THỨC.
2. Quan niệm về sự hiện hữu của Thượng Đế bộc lộ một số khó khăn. Một khó khăn là các thuật ngữ thường dùng để chỉ “tồn tại” và “hiện hữu” có khuynh hướng ám chỉ rằng Thượng Đế là một thực thể HỮU HẠN bên cạnh các thực thể khác, và cũng hiện hữu giống như cách mà các thực thể hữu hạn kia mà thôi. Khó khăn khác nữa là khi chúng ta nói về sự hiện hữu của sự vật nào đó, chúng ta thường hàm ý một sự tương phản với KHÁI NIỆM của nó: khái niệm về con sư tử là một chuyện, sự hiện hữu của nó là chuyện khác. Nhưng, Hegel lập luận, Thượng Đế không tách biệt với khái niệm về Thượng Đế, trong khi một con sư tử thì tách biệt với khái niệm về sư tử, vì Thượng Đế là VÔ HẠN chứ không phải hữu hạn.
3. Khó khăn khác trong việc gán sự hiện hữu cho Thượng Đế là: một niềm tin chẳng hạn như giáo thuyết Luther mang lại một quan niệm phong phú về Thượng Đế đồng thời cũng khẳng định sự hiện hữu của Ngài. (Ta có thể chia sẻ quan niệm này về Ngài trong khi vẫn hoài nghi hay phủ nhận sự hiện hữu của Ngài). Dù vậy, triết học có thể giả định một quan niệm như thế thì cũng chẳng khác gì giả định sự hiện hữu của Ngài. Nó hỏi “Thượng Đế là gì?” cũng như “Thượng Đế có hiện hữu không?”. Cùng lắm nó chỉ giả định được mẫu số chung bé nhất của mọi biểu tượng về Thượng Đế, rằng Ngài hay đó là (cái) TUYỆT ĐỐI, tức biểu tượng về Thượng Đế đã bị tước bỏ thuyết nhân hình mang tính hình tượng và biến thành hình thức của tư tưởng thuần túy. Do đó, ở Hegel, “Thượng Đế’ thường ngang bằng với “cái Tuyệt đối”, và ông áp dụng các luận cứ giống nhau cho cả hai khái niệm. Những LUẬN cứ CHỨNG MINH truyền thống về sự hiện hữu của Thượng Đế được cho là lấp đầy quan niệm của chúng ta về Thượng Đế, chứ không đơn giản là thiết lập sự hiện hữu của một sự vật nào đó mà chúng ta đã có một khái niệm rõ ràng về nó rồi. (Kant, trong PPNLPĐ, xem xét các chứng minh trong một ánh sáng tương tự).
Vì “Thượng Đế’, giống như “cái Tuyệt đối”, là sự biểu đạt toàn bộ nhưng trống rỗng, và vì thế, câu trả lời cho câu hỏi “Thượng Đế là gì?” (chẳng hạn “Thượng Đế là BẢN CHẤT”) chẳng gì hon là sự sẵn sàng sử dụng khái niệm vốn đã được đặt làm vị từ cho Thượng Đế (chẳng hạn, [như ví dụ trên thì đó là] khái niệm về bản chất), nên hầu như một nhà vô thần cũng có thể làm như thế: thuyết vô thần thực ra chỉ là việc hoàn toàn không có năng lực suy tưởng. (Schopenhauer, người tin rằng thực tại tối hậu là Ý CHÍ, và Nietzsche, người tin nó là ý chí-quyền lực, cả hai đều xem mình là nhà vô thần. Hegel ắt sẽ xem họ là người hữu thần luận, vốn tin một cách sai lầm và trống rỗng rằng Thượng Đế là ý chí hay là ý chí-quyền lực). Ngoài ra, ít nhất vẫn còn có hai sai lầm về thần học: (a) Người ta chỉ có thể áp dụng vào Thượng Đế, hay vào vũ trụ một tư tưởng tưong đối Sổ khai, chẳng hạn như TỒN TẠI hay bản chất, vốn chưa đạt đến các tư tưởng đã được nâng cao và thích đáng hon như Ý NIỆM tuyệt đối hay TINH THẦN tuyệt đối. (b) Người ta có thể định đề hóa một MỐI QUAN HỆ không thích đáng giữa Thượng Đế và thế giới. Khuyết điểm này có liên quan với sai lầm thứ nhất, ở chỗ xem xét Thượng Đế dựa vào một tư tưởng nhất định, hàm ý một loại hình liên hệ nhất định nào đó giữa Thượng Đế và thế giới. Chẳng hạn, nếu Thượng Đế là một TỒN TẠI NHÂT ĐỊNH (Daseiendes), vậy thì Ngài phải là gì đó khác với thế giới, và bị giới hạn bởi thế giới; còn nếu Ngài là một bản chất, thì thế giới phải là một VẺ NGOÀI (Schein). Chỉ khi Ngài được xem xét dựa vào ý niệm tuyệt đối hay tinh thần tuyệt đối thì Ngài mới có quan hệ với thế giới theo một cách thức thỏa đáng.
Thoạt nhìn, có lẽ Thượng Đế liên hệ với thế giới theo ba cách thay thế được cho nhau:
(1) Thượng Đế khác biệt với thế giới.
(2) Thượng Đế đồng nhất với thế giới, nhưng theo cách là: chỉ có thế giới là thực sự hiện hữu, còn Thượng Đế thì không. Đây là phiên bản thuyết phiếm thần mà Bayle gán cho Spinoza.
(3) Thượng Đế là đồng nhất với thế giới, nhưng theo nghĩa là chỉ Thượng Đế là thực sự hiện hữu, còn thế giới thì không. Đây là phiên bản thuyết phiếm thần mà Hegel gọi là Akosmismus (“thuyết vô vũ trụ”, tức “phủ nhận thế giới”) và xem đây mới là quan niệm thực sự của Spinoza. Dù Hegel thích (3) hơn (1) và (2), nhưng ông xem cả ba là không thích đáng: (1) là không thích đáng vì nó làm Thượng Đế trở nên hữu hạn giống như thế giới, và không mang lại sự giải thích tối hậu cho bất kỳ bên nào;
(2) không đủ vì rốt cục chỉ còn lại thế giới hữu hạn; và (3) không đủ vì nó không mang lại mô tả đầy đủ về vẻ ngoài của một thế giới hữu hạn, nhất là về bản thân CHỦ THỂ đang làm triết học.
Quan niệm của bản thân Hegel về mối quan hệ này (vốn có họ hàng với quan niệm của các nhà huyền học chẳng hạn như Böhme) là: Thiên Chúa là một tam vị nhất thể, gồm Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Mối quan hệ của Ngài với thế giới không phải là đồng nhất hoàn toàn cũng không phải khác biệt hoàn toàn. Đúng hơn, thế giới Tự NHIÊN và thế giới tinh thần là các pha hay các MÔ-MEN của Thiên Chúa: Ngài (Chúa Cha) đạt đến ý thức trong giới tự nhiên (Chúa Con), rồi lên đến Tự-Ý THỨC trong tinh thần con người (Chúa Thánh thần, bao gồm ý thức và sự thờ phụng Thiên Chúa trong cộng đồng tôn giáo, và nhiều điều khác). Cả ba mô-men ấy đều nằm trong quan niệm của bản thân Tinh thần. Quan niệm này được trình bày dựa vào TÔN GIÁO trong THTG. Nhưng nó được trình bày dựa vào tư tưởng triết học trong toàn bộ hệ thống của Hegel, vì Chúa Cha là ý niệm lô-gíc, tức hệ thống khái niệm được trình bày trong Tô-gíc học, còn triết học tự nhiên và triết học tinh thần lần lượt trình bày Chúa Con và Chúa Thánh thần. Theo quan niệm của Hegel, sự đồng nhất-trong-sự khác biệt này của Thiên Chúa và thế giới được biểu trưng bằng sự hiện thân xuống làm người và cái CHẾT của Đấng Christ. (Trong Hegel, “Con của Thiên Chúa” có ba nghĩa: (1) Đức Jesus lịch sử; (2) thế giới tự nhiên; (3) “người con đời đời” nội tại trong Chúa Cha, cái logos của Phúc âm thánh Gio-an [John], (2) và (3) chứa đựng tính khác và sự dị-biệt hóa, nhưng (1) thể hiện sự tái thống nhất và tái hòa giải).
Theo quan niệm này, sự hiện hữu của Thượng Đế không đòi hỏi sự chứng minh theo nghĩa truyền thống, vì Thượng Đế là cấu trúc lô-gíc của thế giới và là bản thân thế giới. Vì vậy Hegel xem những sự chứng minh ấy là việc tường thuật lại “sự nâng mình lên” của con người (Erhebung/ Anh: evelation) đến Thượng Đế, một sự biểu đạt ngụ ý một cách nước đôi cả việc con người đang dần trở nên có ý thức về Thượng Đế lẫn đang trở thành (giống như) Thượng Đế. Ngụ ý rằng con người trở thành Thượng Đế là mặc nhiên trong quan niệm rằng sự phát triển của tinh thần con người là việc Thượng Đế đang tự ý thức chính mình, và Hegel bác bỏ quan niệm rằng con người là hữu hạn một cách không thể tránh được, tưong phản với tính vô hạn của Thượng Đế. Vì thế Hegel cũng bác bỏ quan niệm Thượng Đế là tuyệt đối bất khả tri.
Tư tưởng tôn giáo của Hegel làm nảy sinh vài câu hỏi. Một câu hỏi gây chia rẽ các môn đồ của ông là: ông là một nhà hữu thần, phiếm thần hay vô thần? Một số môn đồ, chẳng hạn Göschei (các nhà Hegel “cánh hữu”), tin rằng ông là một tín hữu chính thống, trong khi số khác, chẳng hạn Strauss (các nhà Hegel “cánh tả”), lại đưa ra quan niệm ngược lại. Câu hỏi này sinh ra ba câu hỏi nhỏ: (1) Hệ thống triết học của Hegel, dù nó phản chiếu chính xác (trong một hình thức khác) cấu trúc của Kitô giáo, có phải là một sự phiên dịch chính xác cho Kitô giáo, đến mức ai chấp nhận hệ thống này đều có thể được cho là một Kitô hữu ipso facto (“tự bản thân sự việc’) không? (2) Tiệu sự phiên dịch của Hegel có bóp méo nội dung của Kitô giáo (chẳng hạn, trong việc đồng hóa con người với Thượng Đế) nhiều đến mức không thể là một phiên bản của Kitô giáo? (3) Phải chăng những lời tuyên xưng đức tin thường xuyên của Hegel dành cho Kitô giáo có đứng cao hon những sự không đầy đủ trong việc ông phiên dịch triết học cho nó không? Sự phức hợp của những khái niệm như “niềm tin”, “sự hiện hữu”, “Thượng Để’ và “Kitô giáo” không đưa ra những câu trả lời dứt khoát cho ba câu hỏi này. Nhưng niềm tin của Hegel rằng các đối lập chuyển hóa vào nhau khi chúng đạt đến giai đoạn cao nhất hàm ý rằng nếu ông có đạt đến thuyết vô thần chăng nữa, thì đó là ông đạt đến bằng cách kéo căng thuyết hữu thần đến những giới hạn lô-gíc của nó.
Nguyễn Văn Sướng dịch