Mệnh lệnh [Đức: Imperativ; Anh: imperative]
Xem thêm: Mệnh lệnh nhất quyết, Điều lệnh, Giả thiết,
Trong khi biểu tượng về một đối tượng sai khiến ý chí là một điều lệnh (command), thì công thức của một điều lệnh như thế là một mệnh lệnh (imperative). Những công thức như thế của một điều lệnh luôn được “diễn tả bằng một cái phải là và do đó chỉ ra mối quan hệ giữa một quy luật khách quan của lý tính với một ý chí không nhất thiết phải bị quy định bởi quy luật này do sự cấu tạo chủ quan của nó (quan hệ của sự bắt buộc) (CSSHĐ tr. 413, tr. 24). Vì thế, những mệnh lệnh điều chỉnh những phưong cách của hành vi đối với những ý chí bướng bỉnh, bằng cách bắt buộc chúng phải chống lại những xu hướng của mình. Theo Kant, những mệnh lệnh có nhiều hình thức khác nhau, nhưng ông đưa ra một sự phân biệt Cổ bản giữa mệnh lệnh giả thiết (hypothetical) và mệnh lệnh nhất quyết (categorical). Cái trước sai khiến một cách giả thiết, bằng cách điều chỉnh hành động thích hợp với một mục đích đặc thù. Nếu mục đích này là một “mục đích khả hữu” thì mệnh lệnh là có tính giả thiết và có tính nghi vấn hay là một “quy tắc của tài khéo” dưới dạng: “Nếu bạn muốn đạt được w và X thì hãy làm y và z”. Còn nếu mục đích này “được tiền-giả định là hiện thực đối với mọi hữu thể có lý tính” (tr. 415, tr. 26), như “hạnh phúc” chẳng hạn, thì mệnh lệnh là có tính giả thiết và có tính xác định (assertoric) hay một lời khuyên khôn ngoan thuộc dạng: “Nếu bạn muốn có X (= hạnh phúc) thì hãy làm y”. Trái lại, một mệnh lệnh nhất quyết (kategorischer Imperativ) “tuyên bố một hành động phải tự nó là tất yếu một cách khách quan mà không cần có bất cứ mục đích nào” (tr. 414, tr. 25) và vì thế là một quy luật tất nhiên (apodeictic) của luân lý được diễn tả trong dạng: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí của bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là một quy luật phổ quát” (tr. 421, tr. 30).
Châu Văn Ninh dịch