Phán đoán tổng hợp tiên nghiệm [Đức: synthetische Urteile a priori; Anh: synthetic a priori judgement]
Xem thêm: Tiên nghiệm, Phán đoán phân tích, Phán đoán, Thuần túy, Tổng hợp,
Một trong những chủ đề trung tâm trong các trước tác tiền-phê phán của Kant là sự phân biệt giữa các cơ sở logic và cơ sở hiện thực của phán đoán. Kant phê phán lặp đi lặp lại Wolff vì đã quy giản mọi phán đoán vào các cơ sở logic của chúng, tức các cơ sở bị chi phối bởi nguyên tắc mâu thuẫn, vì thế đã làm ngơ sự kiện rằng một số phán đoán có thêm “các cơ sở hiện thực” bị chi phối bởi các nguyên tắc khác. Lập trường phê phán thời kỳ đầu này đã phát triển thành sự đối lập có tính phê phán giữa phán đoán phân tích và phán đoán tổng hợp, cái trước bị chi phối bởi nguyên tắc mâu thuẫn (xem PPLTTT A 150/B 190), và cái sau bị chi phối bởi nguyên tắc rằng “đối tượng nào cũng phục tùng những điều kiện tất yếu của sự thống nhất tổng hợp cái đa tạp của trực quan trong một kinh nghiệm khả hữu” (PPLTTT A 158/B 197). Một phán đoán phân tích là có tính giải thích: nó không thêm gì cho chủ ngữ thông qua thuộc từ của phán đoán, vì thuộc từ “vốn đã được suy tưởng sẵn trong chủ ngữ (dù còn hỗn độn)” (PPLTTT A 7/B 11, xem thêm SL §2). Một phán đoán tổng hợp, trái lại, là có tính “mở rộng” và thêm vào “cho các khái niệm của chủ ngữ vốn chưa được suy tưởng trong chủ ngữ và dù có phân tích bao nhiêu đi nữa cũng không thể rút ra được” (PPLTTT A 7/ B 11).
Trong SL, Kant tuyên bố rằng có hai hình thức phán đoán tổng hợp: phán đoán tổng hợp hậu nghiệm và phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, nhưng ông tập trung hầu hết vào phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Trong PPLTTT, “vấn đề chủ yếu của Triết học siêu nghiệm” được mô tả qua câu hỏi “làm thế nào để những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm có thể có được?” (PPLTTT, B 73, xem thêm PPNLPĐ § 36). Vấn đề này sau này được mô tả trong PH như “viên đá tảng phòng vệ không thể thiếu được mà mọi nhà siêu hình học giáo điều phải đặt ra một cách không thể tránh được” (tr. 226, tr. 139). Có hai yếu tố cấu thành phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, đó là các trực quan thuần túy tiên nghiệm và các khái niệm thuần túy tiên nghiệm. Những phán đoán như thế chỉ được cho là có thể có khi có thể chứng tỏ rằng hai yếu tố tiên nghiệm ấy có thể được tổng hợp trong một phán đoán. Để chứng tỏ rằng các phán đoán như thế là có thể có được, Kant phải xác
lập trước hết rằng có những khái niệm tiên nghiệm và những trực quan tiên nghiệm, và những cái này có thể tổng hợp được. Đây là hai nhiệm vụ tạo nên phần lớn sự phân tích trong “Học thuyết siêu nghiệm vê các Yếu tố” [cơ bản của nhận thức].
Các mô thức thuần túy, tiên nghiệm của trực quan, tức không gian và thời gian, là “hai nguồn nhận thức, từ đó ta có thể rút ra những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm khác nhau” (PPLTTT A 38/B 55). Tự mình, chúng không thể mang lại những điều kiện khả thể cho các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm; điều này chỉ có thể xảy ra khi chúng được liên kết với các khái niệm tiên nghiệm. Tự mình, các khái niệm lẫn các phạm trù thuần túy tiên nghiệm đều không mang lại các điều kiện tất yếu cho khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm, vì “một mệnh đề tổng hợp chỉ dựa nhờ vào các khái niệm đon thuần sẽ không bao giờ thành công” (PPLTTT B 289). Vì lý do này, ta không thể có “những nhận thức tổng hợp tiên nghiệm về những sự vật nói chung” như môn Bản thể học đã yêu sách được (A 247/B 303). Do đó, các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm phải mang các yếu tố trực quan và các yếu tố khái niệm lại với nhau, với các trực quan tiên nghiệm chứa đựng “những gì không thể phát hiện được trong khái niệm nhưng lại được tìm thấy một cách tiên nghiệm ở trong trực quan tưong ứng với khái niệm và có thể nối kết với khái niệm một cách tổng hợp” (B 73). Phưong cách mà Kant đạt đến điều này là bằng cách không những chỉ ra rằng các phán đoán như thế chỉ được phép “ở trong quan hệ với những đối tượng của kinh nghiệm khả hữu” mà ông còn chỉ ra xa hon rằng chúng thực sự là “những nguyên tắc cho khả thể của kinh nghiệm này” (B 410). Điều này có nghĩa là các điều kiện cho khả thể của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm gồm các nguyên tắc thống nhất các yếu tố khái niệm và các yếu tố trực quan, và được tiền giả định bởi những hành vi riêng biệt của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Theo cách nói của Kant, “bằng cách đó, những phán đoán tổng hợp tiên nghiệm mới có thể có được khi ta liên hệ [áp dụng] những điều kiện mô thức của trực quan tiên nghiệm, sự tổng hợp của trí tưởng tượng, và sự thống nhất tất yếu của sự tổng hợp ấy trong một thông giác siêu nghiệm với một nhận thức có thể có của kinh nghiệm nói chung” (A 158/B 197). Mối liên kết này giữa các trực quan, các khái niệm và sự trình bày các khái niệm ra cho trực quan thông qua trí tưởng tượng là lời đáp cho câu hỏi liệu các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm có thể có được không, một câu trả lời đã hình thành cốt lõi của triết học phê phán và được tổng kết thành công thức “những điều kiện cho khả thể của kinh nghiệm nói chung cũng đồng thời là những điều kiện cho khả thể của những đối tượng của kinh nghiệm” (PPLTTT A 158/B 197).
Trần Thị Ngân Hà dịch