Tổng hợp (sự) [Đức: Synthesis, Verbindung; Anh synthesis]
Xem thêm: Thông giác, Nối kết, Trí tưởng tượng, Thống nhất,
Xem nhận thức là một hành vi tổng hợp nguyên thủy có lẽ là một trong những tư tưởng nền tảng nhất trong triết học lý thuyết của Kant. Nhận thức này chủ yếu là một bước phát triển trong những năm 1770, và xuất hiện trong suốt tác phẩm Phê Phán Lý Tính Thuần Túy (ấn bản thứ nhất, 1781). Hầu hết các tham chiếu về sự tổng hợp trong các trước tác tiền-phê phán chỉ đơn thuần đối lập phương pháp tổng hợp, cộng dồn với phương pháp phân tích, lược bỏ - phương pháp đầu, đi từ những cái đơn giản đến những cái phức tạp; phương pháp sau đi từ những cái phức tạp đến những cái đơn giản. Tuy nhiên, vào thời kỳ triết học phê phán, và liên tục sau đó, sự tổng hợp được xem như hoạt động nền tảng của tinh thần con người. Do đó trong cuốn Phê phán thứ nhất, sự tồn tại của “các phương cách tổng hợp tiên nghiệm của nhận thức” được chứng minh trước hết bởi sự cần thiết của chúng để có được “những Nguyên tắc của giác tính dự đoán kinh nghiệm” và sau đó bởi việc rút ra bản thân các nguyên tắc ấy từ hành vi tổng hợp.
Tổng hợp là cơ sở cho Logic học siêu nghiệm, tức môn Logic mang lại nhận thức tổng hợp tiên nghiệm thông qua sự nối kết các khái niệm và các trực quan. Thật vậy, Kant khẳng định rằng “ta phải lưu ý trước hết đến việc xem xét sự tổng hợp nếu ta muốn xác định nguồn gốc đầu tiên của nhận thức chúng ta” (PPLTTT A 78/ B 103). Kant định nghĩa sự tổng hợp là “hành vi nối kết các biểu tượng khác nhau lại, và nắm bắt cái đa tạp của chúng trong một (hành vi) nhận thức” (A77/B103). Sự tổng hợp một cái đa tạp - dù sự tổng hợp ấy là thuần túy (như các mô thức của trực quan) hoặc thường nghiệm - “là cái đầu tiên làm nảy sinh ra nhận thức” (sđd). Điều quan trọng là hành vi tổng hợp này là có tính vượt mức (excessive/übermäßig): nó không thể được rút ra từ cái đa tạp nhưng lại luôn luôn được thêm vào cho nó. Trong thuật ngữ của Kant, sự tổng hợp là siêu nghiệm; “nó không chỉ diễn ra một cách tiên nghiệm (a priori), mà còn làm điều kiện cho khả thể của nhận thức tiên nghiệm khác” (PPLTTT B 151). Vì lý do đó, Kant nhất quán liên hệ sự tổng hợp hoặc với “năng lực của trí tưởng tượng, một chức năng mù quáng nhưng không thể thiếu được của tâm hồn, không có nó ta sẽ không có được nhận thức nào cả, nhưng lại hiếm khi ta có ý thức về nó” (PPLTTT A 78/B 103), hoặc với “hành vi của tính nội khởi của năng lực biểu tượng” hay “hành vi của tính tự khởi của chủ thể” (B 130). Nói cách khác, sự tổng hợp là một sản phẩm của sự tự do của chủ thể người.
Trong diễn dịch “chủ quan” thứ nhất [ấn bản A, 1781], Kant cố phân phối hoạt động tổng hợp giữa khái niệm và trực quan cho giác quan, trí tưởng tượng và thông giác. Trong phần diễn dịch của ấn bản A, tổng hợp vừa là một hình thức nối kết Cổ bản vừa là một hình thức nối kết bên cạnh sự thống quan (synopsis) và sự thống nhất. Để cho kinh nghiệm có thể có được, trước hết cần nối kết cái đa tạp của giác quan thông qua “việc thống quan cái đa tạp một cách tiên nghiệm”. Kế đến là “sự tổng hợp cái đa tạp này thông qua trí tưởng tượng” và sau đó là “sự thống nhất của sự tổng hợp này thông qua thông giác nguyên thủy” (PPLTTT A 95, đã bị hủy bỏ ở bản B, [Ân bản II, 1787]). Ở đây [trong bản A], tổng hợp, cùng với thống quan và thống nhất thể hiện một hình thức đặc thù của sự nối kết. Tuy nhiên, đồng thời, Kant mô tả cả ba hình thức nối kết như “sự tổng hợp ba lần”: “tính tự khởi là Cổ sở của một sự tổng hợp ba lần vốn nhất thiết phải được tìm thấy trong mọi nhận thức; tức là, sự lãnh hội (apprehension) những biểu tượng như là những biến thái (modification) của tâm thức trong [quá trình] trực quan, sự tái tạo (reproduction) những biểu tượng ấy trong trí tưởng tượng, và sự nhận thức (recognition) chúng ở trong một khái niệm” (PPLTTT A 97).
Trong phần lớn diễn dịch thứ nhất, Kant luôn đề cập đến ba phưong cách của sự tổng hợp. Tổng hợp thứ nhất hay “tổng hợp của sự lãnh hội trong trực quan”, còn gọi là tổng hợp hình tượng hay synthesis speciosa, “sắp xếp, kết nối, và lập quan hệ” cho các trực quan theo thời gian, hay theo sự đồng hiện của chúng trong một khoảnh khắc đặc thù. Phưong cách tổng hợp thứ hai, tổng hợp tái tạo, bảo đảm sự liên tục ở cấp độ của những biểu tượng được mang lại, tức bảo đảm rằng biểu tượng là sự liên tục được mang lại suốt thời gian. Vì không có gì trong bản thân biểu tượng để đảm bảo một sự liên tục như thế, Kant gọi sự tổng hợp này là “tổng hợp siêu nghiệm của trí tưởng tượng”. Phưong cách tổng hợp thứ ba, tổng hợp của sự nhận thức hay synthesis intellectualis, bảo đảm sự liên tục của kinh nghiệm của chủ thể tri giác. Nó dựa trên sự tổng hợp của “ý thức về sự đồng nhất của bản ngã” với “ý thức về một sự thống nhất cũng có tính tất yếu như thế về sự tổng hợp mọi hiện tượng dựa theo các khái niệm [tức là dựa theo các quy luật]” (PPLTTT A 108).
Trong diễn dịch thứ hai hay “khách quan”, các phưong cách tổng hợp và quan hệ của chúng với thời gian không còn được nhấn mạnh bằng việc xét sự nối kết nói chung như là “biểu tượng về tính thống nhất tổng hợp của cái đa tạp” (PPLTTT B 130). Từ đó Kant tự giới hạn mình chỉ nói về biểu tượng của sự tổng hợp, chứ không nói về bản thân các tác vụ siêu nghiệm. Nhưng dù nhấn mạnh vào sự tổng hợp thứ ba về sự thông giác - sự tổng hợp duy nhất mà ta có thể trải nghiệm thông qua sự chắc chắn của cogito (cái Tôi tư duy) - ông vẫn không đánh mất sự chú ý vào vai trò liên tục của sự tổng hợp của trực quan và của trí tưởng tượng do vẫn chủ yếu hình dung về chúng như là sự nối kết.
Mối quan hệ giữa sự tổng hợp lý thuyết, sự tự do và tính nội khởi vốn định hình sự lý giải của Kant trong cuốn Phê phán thứ nhất đã cho thấy ảnh hưởng dứt khoát của nó lên triết học sau-Kant. Nó đưa ra một con đường để liên kết triết học lý thuyết và triết học thực hành, và đóng vai trò thiết yếu đối với tuyên ngôn của Fichte về “tính thứ nhất” (Primat) của lý tính thực hành và trong việc trình bày hệ thống Wissenschaftslehre (1794) của ông. Trong thế kỷ XX, bên ngoài những cuộc tranh luận nhằm lý giải văn bản trong nội bộ trường phái triết học Kant, sự tổng hợp cũng đã đóng một vai trò quan trọng trong hiện tượng học, với tuyên bố của Husserl rằng: ‘Toàn bộ đời sống ý thức là được thống nhất một cách tổng hợp” (1950, tr. 42). Nó được xem như một phưong cách mô tả sự thống nhất trong dị biệt hon là đóng vai trò một tác nhân của sự hợp nhất như trong triết học Fichte. Tổng hợp của trí tưởng tượng là nội dung trung tâm trong cách đọc có ảnh hưởng cực kỳ to lớn của Heidegger về Kant (“Kant và vấn đề siêu hĩnh học”, 1929). Cách đọc ấy nhìn thấy nổi các phương cách của sự tổng hợp được quảng diễn trong phần diễn dịch thứ nhất một sự phân tích các mối quan hệ giữa hiện tượng của tồn tại và tính hữu hạn của con người.
Mai Sơn dịch