Thông giác [Đức: Apperzeption; Anh: apperception]
Xem thêm: Nối kết, Ý thức, Diễn dịch, Đồng nhất, “Cái Tôi tư duy”, Nhận thức, Võng luận, Tâm lý học, Tự khởi (tính), Chủ thể, Tổng hợp, Siêu việt,
“Thông giác” là một thuật ngữ do Leibniz tạo ra trong quyển Những chuyên luận mởi (1765) từ chữ tiếng Pháp sapercevoir de - nhận biết về - và được Pierre Coste, người dịch tác phẩm Locke ra tiếng Pháp, dùng để dịch từ “tri giác” (perceive) (Leibniz, 1976, tr. 553). Leibniz dùng nó trong quyển Đơn tứ luận (viết xong năm 1714, xuất bản năm 1720) để phê phán cái cogito của triết học Descartes vì đã không xét đến những tri giác vô thức, hay “những tri giác không được thông giác” (1720, §14). Ông định nghĩa tri giác là “trạng thái chuyên tiếp vừa che đậy vừa trình diện cái đa tạp trong một nhất thể” (§14) hay, trong bản thảo năm 1714 của cuốn Các nguyên tắc của Tự nhiên và Ân sủng như “trạng thái bên trong của đơn tử (monad) hình dung các sự vật bên ngoài” (Bản thảo và thư từ triết học, tr. 637). Thông giác “là ý thức hay nhận thức phản tư về bản thân trạng thái bên trong này và nó không được mang lại cho tất cả mọi linh hồn hoặc một linh hồn nào suốt đời” (tr. 637) Khái niệm này giữ vai trò trung tâm trong triết học lý thuyết của Kant, và là một trong những lý do tại sao ông có thể coi quyển PPLTTT như “lời biện hộ đích thực cho Leibniz” chống lại “những người ủng hộ ông ta” (PH tr. 250, tr. 160). Kant tiếp thu sự phân biệt của Leibniz giữa tri giác và thông giác, và trên đại thể ông liên kết sự phân biệt ấy với sự phân biệt giữa trực quan và giác tính. Nhưng ông mở rộng đáng kể chức năng của thông giác, trên nhiều phương diện là thích ứng nó với cái cogito của Descartes mà ban đầu nó đã phản ứng quyết liệt. Trong PPLTTT, thông giác theo triết học Leibniz hoàn toàn được xem là “thông giác thường nghiệm” hoặc “giác quan bên trong”, tức là “Ý thức về mình dựa theo các quy định của trạng thái (nội tâm) của ta trong tri giác bên trong” (PPLTTT A 107). Thông giác thường nghiệm, như trong một quan niệm của Leibniz, là nhất thời và “phân tán trong chính bản thân nó và không có quan hệ nào với tính đồng nhất của chủ thể (nhận thức)” (PPLTTT B 133). Với tư cách ấy, thông giác thường nghiệm tạo nên một phần nhỏ của tâm lý học, trong khi đối tác của nó, “thông giác siêu nghiệm”, lại là một trong những hòn đá tảng của triết học phê phán, có ý nghĩa đặc biệt đối với sự diễn dịch về tính phổ quát tiên nghiệm và tính tất yếu của các phạm trù.
Từ đầu năm 1762, Kant đã nói đến “năng lực bí ẩn” “làm cho việc phán đoán có thể có được” “không gì khác hơn chính là quan năng của giác quan bên trong, nói cách khác, quan năng biến các biểu tượng của riêng ta thành những đối tượng của tư duy ta” (BSL tr. 60, tr. 104). Trong PPLTTT, “năng lực bí ẩn” được bộc lộ như “thông giác siêu nghiệm”. Sự nối kết khái niệm và trực quan trong nhận thức đòi hỏi một sự thống nhất không mang tính khái niệm, “sự thống nhất (nhất thể) này có trước một cách tiên nghiệm so với mọi khái niệm về sự nối kết” (PPLTTT B 130). Sự thống nhất này cho phép thực hiện các phán đoán, và ta phải đi tìm sự thống nhất này ở chỗ cao hon, nghĩa là trong cái gì chứa đựng Cổ sở cho sự thống nhất [thấp hon] của những khái niệm khác nhau trong những phán đoán, và do đó chứa đựng Cổ sở cho chính khả thể của giác tính, kể cả trong việc sử dụng logic của giác tính (B 131). Sự thống nhất được tìm thấy trong thông giác siêu nghiệm hay “nguyên tắc tối cao trong toàn bộ nhận thức con người” (B 135).
Kant tiếp cận thông giác siêu nghiệm từ hai hướng: (i) bằng cách phân biệt nó với trực quan; (ii) bằng cách cho thấy nó được sắp đặt theo các phạm trù của giác tính. Trực quan là “biểu tượng có thể được mang lại trước mọi tư duy” nhưng vô nghĩa nếu không “có mối quan hệ tất yếu với cái “Tôi tư duy” trong cùng một chủ thể mà cái đa tạp của trực quan có mặt” (PPLTTT B 132). Để cho trực quan này là trực quan của tôi, nó phải quan hệ với một cái “Tôi tư duy” thông giác. Tuy nhiên bản thân cái “Tôi tư duy” “là một tác vụ của tính nội khởi, tức là không thể xem như thuộc về cảm năng được. Nó là sản phẩm của thông giác “thuần túy” hay “nguyên thủy”, tức là “cái tự ý thức mà, một khi làm nảy sinh biểu tượng “Tôi tư duy”... nó không thể đi kèm theo một biểu tượng nào khác nữa” (B 132). Cái “Tôi tư duy” của thông giác siêu nghiệm cho phép các trực quan được nhìn nhận như các đối tượng thích đáng của nhận thức; nó còn là điều kiện cho giác tính tổng hợp các đối tượng ấy.
Cái “Tôi-tư duy” của thông giác siêu nghiệm cho phép các trực quan thuộc về một chủ thể và được mang lại cho cái Tôi-tư duy để được nối kết thông qua phán đoán. Từ đó, trong ngôn ngữ của BSL, nó biến “các biểu tượng của riêng ta thành những đối tượng của tư duy ta” (BSL tr. 60, tr. 104), nhưng nó chỉ có thể làm vậy dựa theo các phạm trù hoặc các chức năng của phán đoán. Bản thân các phạm trù hoặc các chức năng của phán đoán này bắt nguồn từ thông giác siêu nghiệm, thật vậy, giác tính “có thể tạo ra sự thống nhất tiên nghiệm của thông giác chỉ bằng các phạm trù, với cách thức và số lượng có hạn của chúng” (PPLTTT B 145). Thông giác siêu nghiệm cho phép các trực quan thuộc về một chủ thể, và được phân phối theo các phạm trù; nó còn là cơ sở cho sự thống nhất của các khái niệm và các trực quan trong phán đoán.
Nghiên cứu về thông giác có tầm quan trọng quyết định trong chủ nghĩa duy tâm Đức. Sự nhấn mạnh đến Tự-ý thức được biến đổi thành chủ nghĩa duy tâm chủ quan của Fichte trong đó Tự-ý thức chủ quan là cơ sở cho sự phái sinh các trực quan, các khái niệm và các ý tưởng trong Học thuyết Khoa học (Wissenschaftslehre) (1794). Tuy nhiên, với Kant, thông giác chỉ là cơ sở cho sự nối kết trong phán đoán: nó cho phép các trực quan thuộc về một chủ thể và là nguồn gốc của các khái niệm tiên nghiệm của giác tính trong khi vẫn cung cấp cơ sở cho sự nối kết trong phán đoán. Bản thân nó không thể được định nghĩa thêm nữa, mặc dù Kant hết sức thận trọng khi phân biệt nó với bất cứ hình thức trực quan trí tuệ nào.
Mai Sơn dịch