Tâm lý học [Đức: Psychologie; Anh: psychology]
Xem thêm: Vũ trụ học, Biện chứng pháp, “Tôi tư duy” (cái), Đồng nhất (sự, tính), Suy luận, Bản thể học, Võng luận, Chủ ngữ/Chủ thể, Thần học,
Cùng với vũ trụ học và thần học, tâm lý học là một trong những ngành của “Siêu hình học chuyên biệt”, vốn là môn đã cùng với bản thể học tạo nên hệ thống siêu hình học đầy ảnh hưởng được Wolff trình bày trong Các suy tưởng thuẫn lý vê Thượng đế, thế giới, linh hồn con người, và vê các sự vật nói chung (1719). Đối với Wolff, mỗi một ngành siêu hình học đều có đối tượng riêng của mình: với bản thể học đó là tồn tại nói chung, với thần học là Thượng đế, với vũ trụ học là thế giới, với tâm lý học là linh hồn. Kant đã phản ánh lại cấu trúc siêu hình học của Wolff trong PPLTTT - thực vậy, “Lý tính thuần túy” của PPLTTT không gì khác hon là siêu hình học duy lý của Wolff. Theo đó, bản thể học được thay thế bằng phân tích pháp siêu nghiệm, và những ngành của môn siêu hình học chuyên biệt được thay thế bằng biện chứng pháp siêu nghiệm. Trong phần phê phán siêu hình học chuyên biệt, những đối tượng như: Thượng đế hay “ý niệm về một phức hợp toàn vẹn của tất cả những gì khả hữu”, thế giới hay “ý niệm về một chuỗi toàn vẹn những điều kiện”, và linh hồn hay “ý niệm về chủ thể tuyệt đối” đều bị vạch trần là có tính biện chứng [lừa dối]. Hon nữa, chúng là những môn học đầy rẫy những suy luận biện chứng: với thần học là những ý niệm siêu nghiệm, với vũ trụ học là nghịch lý (antinomy) và với tâm lý học là võng luận (paralogism).
Tuy nằm trong hệ thống của Wolff, nhưng vị trí của tâm lý học là thiếu quy tắc. Nó được bàn đến hai lần, lần đầu trong Chương 3 từ quan điểm về những năng lực thường nghiệm của linh hồn con người (chẳng hạn như tri giác v.v...), và lần hai ở Chương 5 từ quan điểm về bản chất của linh hồn thuần lý như là chủ thể của ý thức không có tính thường nghiệm. Sự phân biệt có thể được truy nguyên từ các nghiên cứu duy nhiên luận về linh hồn như trong vê linh hồn (De anima) của Aristoteles, và những phiên bản thần học nhấn mạnh sự tách biệt của linh hồn khỏi thể xác.
Aquinas, trong chú giải về Aristoteles, đã nhấn mạnh rằng một sự phân biệt như thế đã có giữa Platon và “những nhà triết học tự nhiên” Hy Lạp khác (Aquinas, 1951, tr. 48-9). Vào thời Descartes, sự phân biệt này trở nên nhập nhằng. Ông nhấn mạnh nhiều lần rằng linh hồn là độc lập hoàn toàn với thân xác, trong khi ở những dịp khác lại nhìn nhận nó như là cư trú trong não bộ.
Muộn nhất là đầu năm 1765, Kant đã nỗ lực phân biệt giữa tâm lý học thường nghiệm và tâm lý học thuần lý. Đối tượng của tâm lý học thường nghiệm là những công việc của giác quan bên trong và Kant tin chắc rằng một nghiên cứu như thế vẫn là “một sự mô tả tự nhiên về linh hồn, nhưng không phải là một khoa học về linh hồn, thậm chí cũng không phải là một học thuyết tâm lý học thực nghiệm” (MF, tr. 471, tr. 8). Đây là do sự quan sát linh hồn “tự nó biến đổi và xuyên tạc trạng thái của đối tượng quan sát”. Vì lý do này, và vì tâm lý học thường nghiệm được cho là thay thế triết học tiên nghiệm, nên trong quyển PPLTTT, Kant tuyên bố rằng tâm lý học thường nghiệm “phải được đưa ra khỏi lĩnh vực của siêu hình học” (A 848/B 876). Tuy nhiên, ông dời lại sự phán quyết “cho tới khi” nó đủ sức thiết lập môn học riêng cho nó trong một môn nhân học hoàn chỉnh, làm đối trọng cho học thuyết tự nhiên thường nghiệm” (A 849/B 877). Dù có những bình luận này, Kant cho thấy luôn quan tâm đến môn tâm lý học thường nghiệm trong NLH cũng như trong nhiều bài viết về bệnh tinh thần (xem GM, và “các bài luận về những căn bệnh của tinh thần”, 1764).
Trong khi Kant vẫn duy trì một chỗ đứng cho môn tâm lý học thường nghiệm trong môn nhân học, thì vị trí của tâm lý học thuần lý lại hàm hồ hon. Trong PPNLPĐ, ông trình bày sự phê phán tỉ mỉ của ông đối với ý niệm biện chứng về “chủ thể tư duy” trong phần các võng luận khi dành cho ý niệm này cùng một số phận như môn thần học: “Nó không cung cấp gì hon là một quan niệm phủ định về tồn tại tư duy của chúng ta” (PPNLPĐ §89). Kant chỉ ra rằng việc tìm kiếm bản thể tư duy hay “chủ thể tuyệt đối” của “cái Tôi tư duy” là “nội dung duy nhất của tâm lý học thuần lý” (PPLTTT, A 343/B 401) chỉ mang lại sự thất vọng. Nó tưởng rằng chủ thể của “cái Tôi tư duy” có thể là một đối tượng của nhận thức, và do đó, mở rộng các phạm trù ra khỏi những giới hạn được phép của chúng. Vì vậy, linh hồn được coi như thể là một bản thể, đon giản, đồng nhất về số lượng và (trong bản A của PPLTTT) có thể đứng vững trong mối liên hệ với tất cả những đối tượng khả hữu trong không gian. Mặc dù có những sự khác nhau giữa bản A năm 1781 và bản B năm 1787, nhưng luận cứ Cổ bản vẫn không thay đổi: cả hai bản đều cho rằng tính bản thể, tính đồng nhất và tính đon giản của linh hồn là dựa trên một võng luận, hay một tam đoạn luận sai lầm về hình thức.
Phát biểu đầu tiên của tâm lý học thuần lý bị phê phán trong PPLTTT được suy ra từ những tiền đề rằng chủ thể tuyệt đối là bản thể và cái Tôi như là tồn tại đang tư duy, “là chủ thể tuyệt đối của tất cả những phán đoán khả hữu của tôi” (PPLTTT, A 348/B 406) và kết luận rằng “vì thế, cái Tôi như tồn tại đang tư duy (tức: linh hồn) là bản thề’ (sđd). Võng luận ở đây nằm trong việc giả định rằng “cái Tôi” đi kèm với tư duy là bản thể; Kant khẳng định ngược lại rằng “bên ngoài ý nghĩa logic này về “cái Tôi”, ta không có tri thức nào về chủ thể tự thân theo nghĩa là như thể nền nằm bên dưới “cái Tôi” này, như thể nó tạo nên tất cả mọi tư tưởng” (PPLTTT, A 350). Yêu sách thứ hai của tâm lý học thuần lý cho rằng cái Tôi tư duy là đon giản, đã bị phê phán vì đã biến cái “mệnh đề hình thức của thông giác” thành một chủ thể tư duy một cách không chính đáng: “Thông qua cái Tôi”, tôi lúc nào cũng giữ vững tư tưởng về một sự thống nhất tuyệt đối, nhưng chỉ là một sự thống nhất logic về chủ thể (tính đon giản) mà thôi. Tuy nhiên, không thể từ đó suy ra rằng tôi biết được tính đon giản thực sự của chủ thể tôi” (PPLTTT, A 356). Với võng luận thứ ba về tính nhân cách, sự đồng nhất của linh hồn lại một lần nữa “chỉ là một điều kiện hình thức của những tư tưởng tôi và của tính nhất quán của chúng, và không có cách nào chứng minh sự đồng nhất về số lượng của chủ thể tôi cả (PPLTTT, A 363). Vì vậy, việc suy ra một chủ thể đồng nhất là biến đổi một cách không chính đáng tiền đề về điều kiện hình thức của tư tưởng thành một điều kiện có tính bản thể. Sau cùng, đòi hỏi rằng linh hồn nằm trong mối liên hệ tất yếu với những đối tượng trong không gian một lần nữa lại lẫn lộn “cái Tôi tư duy” như một điều kiện của tư duy với sự vận hành của một bản thể tư duy.
Sự phá hủy tâm lý học thuần lý của Kant đánh dấu dứt khoát sự phân biệt giữa tâm lý học thuần lý và tâm lý học thường nghiệm. Được kế tục ở thế kỉ sau đó qua sự phát triển tâm lý học thực nghiệm và ngày càng vượt quá giới hạn của các nhận thức đã tạo thành những vấn đề triết học truyền thống về ý thức và tri thức. Những điều này đã được diễn ra từ cuối thế kỉ XIX qua sự phê phán gay gắt “thuyết duy tâm lý học”, trước tiên là của các nhà “Kant mới” và sau đó là sự phê phán có ảnh hưởng lớn nhất của Husserl. Phần lớn các phê phán này dường như tập trung khôi phục lại “chủ thể siêu nghiệm”. Một loạt phát triển khác ở cuối thế kỉ chuẩn bị cho một hướng triết học khác. Việc Nietzsche công kích khái niệm chủ thể (1886) trong tinh thần của các võng luận và việc Freud (1915) mở rộng những ranh giới của chủ thể bao gồm cả cái vô thức đã gợi ý một phương cách vượt ra khỏi các võng luận không theo con đường của tâm lý học thường nghiệm. Điều này đưa đến sự xét lại những vấn đề về tri thức và hành động mà không cần khẳng định sự tồn tại của chủ thể, một sự phát triển, sau Thế chiến II, dẫn đến sự ra đời trong triết học các “tôpô học” (topologies) “chống nhân bản luận” mới mẻ về tư tưởng và hành động. Những tranh luận này không chỉ chia tay với các công trình của Freud, Nietzsche, mà cả với tác phẩm của Heidegger (1927) (một tuyển tập tiêu biểu về truyền thống này, xem thêm Cadava, những người khác, 1991).
Mai Thị Thùy Chang dịch