“Tôi tư duy” (cái) [Latinh: Cogito; Đức: “Ich denke”; Anh: “ I think”]
Xem thêm: Thông giác, Ý thức, cái Tôi, Đồng nhất, Võng luận, Tâm lý học, Tự-Ý thức,
Descartes xem mệnh đề của ông “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” (thường được biết nhiều dưới hình thức tiếng Latinh là “Cogito ergo sum”) trong cuốn Discours de la méthode [Luận văn vê Phương Pháp] (1637) là một chân lý “chắc chắn và đảm bảo” đến nỗi có thể được sử dụng như một hòn đá thử cho sự chắc chắn. Sự khám phá của Descartes về Cogito [cái Tôi tư duy] bằng một tiến trình trừu tượng hóa mang tính hoài nghi, tức tiến trình giảm trừ những yêu sách của mọi nhận thức nào có được bằng uy quyền và kinh nghiệm, được nhìn nhận rộng rãi như mô men nền tảng của triết học hiện đại. Tuy nhiên, các nhà triết học Đức trước Kant đã tiếp nhận mệnh đề ấy của Descartes một cách cực kì thận trọng và hoài nghi. Leibniz đã khái quát hóa vấn đề về Cogito thành một vấn đề về ý thức và Tự-ý thức nói chung (xem Leibniz, 1976, tr. 291 - 295), [đó là] một sự phát triển đã được Christian Wolff hệ thống hóa trong quyển Logic học Đức của ông (1719). Mệnh đề đầu tiên trong quyển đó nói rằng: “Chúng ta ý thức về bản thân chúng ta và các sự vật khác, và vì thế rõ ràng là chúng ta tồn tại” (§1). Sự tiếp thu của Kant về Cogito thậm chí còn dè dặt hon: không như Wolff, Kant không tin là có thể chứng minh được sự tồn tại bằng ý thức, nhưng ông sẵn lòng thừa nhận cái Cogito hay cái “Tôi tư duy” như kết quả tối hậu nhưng bất khả tri của một tiến trình trừu tượng hóa khỏi các nội dung riêng rẽ của kinh nghiệm và như sự bổ sung tất yếu của nó.
Kant chỉ ra địa vị bất thường của “khái niệm” hay, nếu dùng thuật ngữ được ông ưa chuộng hon, phán đoán về cái “Tôi tư duy” khi ông mô tả nó như một khái niệm “không được nêu trong danh sách tổng quát về các khái niệm siêu nghiệm nhưng vẫn phải được tính vào cho danh sách ấy, dù không vì thế phải thay đổi hay xem danh sách trước đây là thiếu sót” (PPLTTT, A 431/B 400). Nó rõ ràng không phải là một phạm trù trong số các phạm trù, cho dù nó thuộc về bảng các phạm trù; Kant chỉ rõ rằng, nó là “phương tiện chuyên chở mọi khái niệm” mà không có bất kỳ sự biểu thị đặc biệt nào [đến cái gì đó] “vì nó không có mục đích nào khác hon là chỉ ra rằng mọi tư tưởng đều như là cùng thuộc về một ý thức” (sđd, nt). Mệnh đề “Tôi tư duy” tự bản thân không phải là một kinh nghiệm, và không giống như các phạm trù, nó cũng không phải là “một điều kiện cho khả thể của một nhận thức về các đối tượng”; mà là “mô thức của Thông giác, vốn gắn liền với bất kỳ kinh nghiệm nào và đi trước kinh nghiệm” (PPLTTT A 354). Nó đi kèm và đi trước kinh nghiệm như chủ thể của kinh nghiệm, nhưng chỉ theo một nghĩa hình thức: “cái Tôi” của [biểu tượng] “Tôi tư duy” có thể được xem không phải như một chủ thể và cũng không như một đối tượng của kinh nghiệm, mà chỉ như “phương tiện chuyên chở” và “cái đi kèm nhất thiết” của kinh nghiệm.
Kant yêu sách thêm rằng cái “Tôi tư duy” là phương tiện chuyên chở/ là mô thức/là cái nhất thiết đi kèm kinh nghiệm [có nghĩa là]: để có một biểu tượng thì nhất thiết nó phải đi kèm với cái “Tôi tư duy” hoặc nếu không thì biểu tượng “sẽ không thuộc vê chủ thể” (PPLTTT B 132). Với yêu sách này, Kant rút lui khỏi một số trong những hàm ý cực kỳ căn bản về sự loại bỏ đặc tính bản thể của chủ thể tối hậu của kinh nghiệm và ngầm rơi vào cái võng luận về chủ thể mà chính ông đã vạch ra. Những hàm ý đáng lo ngại của lập trường của ông đã được Nietzsche khảo sát sau đó. Nietzsche đã tra hỏi đến cùng đề nghị của Kant rằng “cái Tôi” có tính bản thể trong “Tôi tư duy” đã được ông thay thế bằng “Anh ta hay Nó (sự vật) đang tư duy thì đều không có gì được hình dung ngoài một chủ thể siêu nghiệm của những tư tưởng = X” (PPLTTT A 346/ B 404). Việc Nietzsche phá hủy cái cogito (1886) bên cạnh việc Freud khai quật cái vô thức (1915) đã lót đường cho những phê phán của thế kỷ XX về cái cogito của truyền thống mà đại diện là các triết gia như Heidegger (1927), Foucault (1988), Guattari (1972) và Derrida (1967).
Hoàng Phú Phương dịch