Cái Tôi [Đức: Ich; Anh: I]
Xem thêm: Trừu tượng, Thông giác, Ý thức, “Tôi tư duy”, Đồng nhất, Võng luận, Tâm lý học, Tự-Ý thức, Chủ thể,
Kant phân biệt hai nghĩa của “cái Tôi”, cho dù ông đã biến đổi các thuật ngữ trong đó ông tạo ra sự phân biệt, tùy lúc quy chiếu đến cái Tôi “thường nghiệm” và cái Tôi “siêu nghiệm”, cái Tôi “tâm lý học” và cái Tôi “logic học”, và sau cùng, “cái Tôi như đối tượng” và “cái Tôi như chủ thê”. Sự phân nhánh cái Tôi nảy sinh từ bản tính của Tôi-Ý thức: “việc cái Tôi ý thức về chính mình là một tư tưởng đã bao hàm một cái Tôi hai lớp” (TBSHH, tr. 270, tr. 73) - nó đòi hỏi rằng cái Tôi được suy tưởng vừa như một đối tượng của trực quan vừa như cái suy tưởng (xem thêm PPLTTT B 155). Cái Tôi thứ nhất là “cái Tôi tâm lý học” làm cơ sở cho “mọi tri giác và mối quan hệ của chúng, mà sự lĩnh hội (apprehensio) chúng là cách thức chủ thể bị kích động” (TBSHH, tr. 270, tr. 73). Cái Tôi này có thể được xem xét như một đối tượng của trực quan, và các công việc của nó được mô tả bằng những quan sát tâm lý học hoặc nhân học (xem NH §1).
Cái Tôi thứ hai thì khó mô tả hơn vì nó không phải là một đối tượng của trực quan. Kant lặp đi lặp lại lời cảnh báo chống lại việc biến cái Tôi siêu nghiệm với tư cách là một chủ thể logic của nhận thức, tức cái Tôi của [biểu tượng] “Tổ/ tư duy” hay “cái còn lại sau khi mọi tùy thể (tức các thuộc tính) bị lược bỏ” (SL §46), thành một bản thể. Cái Tôi này không thể là một “chủ thể tuyệt đỗi” hay thậm chí cũng không thể là một khái niệm mà “chỉ là sự quy chiếu các hiện tượng bên trong đến chủ thể vô danh của chúng” (SL §46). Việc biến cái Tôi này thành một bản thể có năng lực hành động như một “nền tảng của tư tưởng” là rơi vào một võng luận (paralogism) và là việc áp dụng các phạm trù bản thể và nguyên nhân chỉ có thể áp dụng thích hợp vào các hiện tượng cho một cái gì đó vốn không phải là một hiện tượng. Tuy nhiên, dù chỉ có thể nói rất ít về cái Tôi siêu nghiệm của “cái Tôi tư duy”, nhưng nó vẫn là tâm điểm trong nghiên cứu của Kant về kinh nghiệm. Nó đóng vai trò như “một điêu kiện luôn đi kèm theo toàn bộ tư tưởng”, chứ không như một đối tượng của một kinh nghiệm khả hữu, mà chỉ như “điều kiện hình thức, tức là sự thống nhất logic của bất kỳ ý tưởng nào khi cái Tôi trừu tượng hóa khỏi mọi đối tượng” (PPLTTT, A 398).
Kant mô tả cái Tôi siêu nghiệm như một “tiền tố đơn thuần để chỉ một vật có ý nghĩa bất định” (SHHT, tr. 543, 103) và như một “biểu tượng “cái Tôi” đơn thuần và tự nó hoàn toàn trống rỗng, không có nội dung nào, do đó cũng không thể gọi biểu tượng ấy là một khái niệm mà chỉ là một ý thức đơn thuần đi kèm theo mọi khái niệm” (PPLTTT A 436/ B 404). Nó không gì khác hơn là điểm cuối cùng có tính logic của một tiến trình trừu tượng hóa khỏi các vị từ của nhận thức để đạt đến một chủ thể tối hậu được định đề hóa làm cơ sở cho chúng và không thể chi tiết hóa được nữa. Kant sẵn sàng đặc trưng nó bằng sự loại suy: trong một trường hợp, ông khẳng định điều đó rằng “qua cái Tôi, hay Anh/Chị ta hay Nó (sự vật) đang tư duy thì đều không có gì được hình dung ngoài một chủ thể siêu nghiệm của những tư tưởng = X” (PPLTTT A 346/ B 404), nhưng trong trường hợp khác, ông mô tả nó như “cái đối ứng phổ quát của thông giác, và bản thân chỉ là một tư tưởng đơn thuần” (SHHT, tr. 542, 103). Ông nhấn mạnh rằng cái Tôi là một “biểu đạt hoàn toàn trống rỗng” không biểu thị cái gì khác hơn “tư tưởng về một sự thống nhất tuyệt đối nhưng chỉ là sự thống nhất logic của chủ thể mà thôi” (PPLTTT A 356); bản thân nó không tồn tại như một bản thể hay nền tảng tối hậu làm cơ sở cho nhận thức và kinh nghiệm, mà chỉ đơn thuần là một chức năng logic tất yếu đi kèm theo nó.
Thay vì biến cái Tôi thành chủ thể chân chính của tư tưởng và hành động, Kant còn cho rằng ta có thể sẽ không bao giờ biết được đặc tính của nó ngoại trừ bằng sự loại suy. Ông mô tả mối quan hệ giữa cái Tôi thường nghiệm của con người cá nhân và cái Tôi siêu nghiệm vừa như chủ thể của nhận thức vừa như cái gì đó cực kỳ khó chỉ ra, nếu không nói là không thể nào chỉ ra được. Những nhà kế tục trực tiếp Kant thì lại ít ngại ngần hơn khi biến cái Tôi thành chủ thể siêu nghiệm mà vể nguyên tắc ta có thể biết được đặc tính và những hoạt động của nó. Những nhà duy tâm siêu nghiệm, trên hết là Fichte (1794) và Schelling (1800), đã biến cái Tôi siêu nghiệm thành một nền tảng mang tính bản thể cho mọi nhận thức và hành động. Hegel (1807) đã phê phán Kant vì đã đặt ra một sự phân biệt hình thức giữa cái Tôi và Tự-Ý thức, phê phán Fichte và Schelling vì đã hòa tan mọi sự phân biệt trong cái Tôi siêu nghiệm. Thay vào đó, bằng một hiện tượng học, Hegel đã lần theo những hình thái cụ thể có tính lịch sử được giả định bởi những sự phân mảnh của cái Tôi, được suy tưởng vừa như chủ thể vừa như bản thể. Sau đó, “các nhà Hegel trẻ” như Feuerbach (1830) và Marx (1843) đã tìm cách hợp nhất cái Tôi siêu nghiệm và cái Tôi thường nghiệm vào trong một chủ thể người, một sự phát triển vẫn còn ảnh hưởng và sức thuyết phục to lớn cho đến tận những nhà hiện sinh chủ nghĩa sau Thế chiến II như Sartre (1960). Tuy nhiên, gần đây, sự đồng nhất hóa chủ thể thường nghiệm và chủ thể siêu nghiệm trong chủ thể người đã bị nhiều nghiên cứu đặt thành vấn đề, trên hết là Nietzsche (1886) và Freud (1915). Những nghiên cứu này đã, một lần nữa, tách cái Tôi siêu nghiệm (hay “cái Vô thức”) khỏi cái Tôi thường nghiệm, và kháng cự lại sự cám dỗ muốn quy một chủ thể tối hậu - chủ thể người hoặc chủ thể gì khác - cho tư tưởng và hành động.
Hoàng Phú Phương dịch