Cao cả (cái) [Đức: Erhabene, das; Anh: sublime]
Xem thêm: Mỹ học/Cảm năng học, Đẹp (cái), Vui sướng, Cân đối, Lý tính,
Trong THTN, cái Cao cả xuất hiện trong một danh mục “các khái niệm có thể phân tích được một phần nào”, gồm không gian và thời gian, cũng như những tình cảm về cái đẹp và cái đáng ghét (tr. 280, tr. 252). Lý do ta không thể phân tích được các tình cảm như cái Cao cả và cái Đẹp là vì sự xuất hiện của chúng “không đến từ bản tính của các sự vật bên ngoài khoi dậy các tình cảm ấy cho bằng việc dựa trên tâm thế riêng của mỗi người được kích động bởi những sự vật ấy hướng đến sự vui sướng và đau khổ” (ĐVCC, tr. 207, tr. 45). Tuy nhiên, Kant thực sự đã đưa ra một sự đặc trưng hóa một phần về tình cảm về cái Cao cả, chủ yếu bằng cách đặt nó tương phản với cái Đẹp: cả hai [cái Đẹp và cái Cao cả] đều làm ta hài lòng, nhưng trong khi cái Đẹp quyến rũ ta, thì cái Cao cả lại “khuấy động” tâm thức (ĐVCC, tr. 209, tr. 47); cái Cao cả nhất định phải đơn giản, còn cái Đẹp thì lộng lẫy và được tô điểm. Trong ĐVCC, Kant sử dụng sự phân biệt này chủ yếu như một phương tiện để nêu đặc điểm của các đối tượng và các loại người, nhưng trong PPNLPĐ, ông đã mở rộng khái niệm này để bao hàm cả tình cảm được nảy sinh từ sự thất bại của trí tưởng tượng để bao quát “cái Lớn-tuyệt đối”, hoặc dựa theo sự đo lường (cái cao cả toán học) hoặc mãnh lực (cái cao cả năng động).
Trung tâm trong nghiên cứu về cái Cao cả là phương cách khiến nó có vẻ như “trái ngược với tính hợp mục đích xét về mặt hình thức đối với quan năng phán đoán của ta, vừa không thích hợp đối với quan năng diễn tả và hầu như còn bạo hành đối với trí tưởng tượng” (PPNLPĐ §23). Tuy nhiên, trong khi cái Cao cả tuy là một sự “kìm hãm sức sống trong giây phút”, thì nó lại “lập tức để cho sức sống tuôn trào càng mạnh mẽ hơn nữa” (PPNLPĐ §23). Sự chuyển dịch này xảy ra là vì sự kìm hãm quan năng phán đoán được tiếp diễn bằng một sự hiện thực hóa sức mạnh và phạm vi của các ý niệm của lý tính (PPNLPĐ §27). Cái Cao cả trong tự nhiên không gì khác hon là một sự phản ánh các ý niệm của lý tính mà chúng ta hiểu sai nó do bởi sự lẫn lộn nào đó hay sự thay thế nào đó “(tôn kính đối tượng thay vì tôn kính Ý niệm về Con người trong chính chủ thể của ta)” (PPNLPĐ §27). Phưong diện không thể diễn tả được này của cái Cao cả đã làm cho phần “Phân tích pháp về cái Cao cả” trở nên cực kỳ có ý nghĩa đối với các lý giải của Derrida (1978) và Lyotard (1991), nhấn mạnh những con đường mà triết học phê phán đã không ngừng bị gián đoạn bởi những mô men không thể kìm hãm được của cái quá mức như cái Cao cả.
Trần Kỳ Đồng dịch