Tài năng thiên bẩm/Thiên tài [Đức: Genie; Anh: genius]
Xem thêm: Cảm nănghọc/Mỹ học, Nghệ thuật, Đẹp (cái), Ví dụ điển hình, Trí tưởng tượng, Độc đáo (tính),
Những bàn luận chính của Kant về tài năng thiên bẩm nằm trong trong NLH và PPNLPĐ (§§46-50). Đặc điểm chính yếu của tài năng thiên bẩm, theo Kant, là tính độc đáo, theo đó, thiên tài là một “người sử dụng tính độc đáo và từ chính mình tạo ra những gì mà thông thường phải được học dưới sự hướng dẫn của những người khác” (NLH §6). Bản thân tính độc đáo có hai phương diện: thứ nhất, nó “không phải là sự tác tạo có tính bắt chước” (NLH §30); thứ hai, nó “phát hiện ra những gì không thể dạy và học được” (NLH tr. 318, tr. 234). Ở phương diện đầu, tài năng thiên bẩm không mô phỏng tự nhiên cũng không mô phỏng những sản phẩm tạo tác khác: ở phương diện sau, những đặc trưng của tài năng thiên bẩm như là một năng lực không thể được dạy hay truyền lại được. Tính độc đáo như thế, cho dù là hiếm, sẽ là “cuồng tín” một cách tiềm tàng, bởi lẽ theo định nghĩa, nó không được đặt vào kỷ luật bởi một đối tượng hay bởi một bộ chuẩn tắc nào cả. Do đó, Kant cố gắng giới hạn nó bằng cách đề xuất rằng “tính độc đáo của trí tưởng tượng được gọi là tài năng thiên bẩm khi nó hài hòa với những khái niệm” (§30), một tư tưởng được ông mở rộng và phát triển hơn nữa trong PPNLPĐ.
Trong PPNLPĐ, Kant kết hợp các phương diện khác nhau của tài năng thiên bẩm được nêu ra trong NLH. Tài năng thiên bẩm vẫn được định nghĩa bằng tính độc đáo, nhưng giờ đây nó được mô tả là “một tài năng tạo ra được cái gì mà không có quy tắc nhất định nào có thể được mang lại” (PPNLPĐ §46). Tài năng này được giới hạn bởi sự đòi hỏi rằng những sản phẩm của nó phải là có tính mẫu mực điển hình, “tuy bản thân không bắt nguồn từ sự mô phỏng nhưng chúng phải phục vụ cho mục đích này của những người khác” (sđd.ỵ Thêm vào đó, một tài năng thiên bẩm không thể mô tả quy tắc mà nó dùng để tạo ra sản phẩm, vốn được tự nhiên đề ra cho nghệ thuật. Kant tiếp tục phân biệt giữa công việc mô phỏng và công việc tiếp bước của tài năng thiên bẩm: công việc trước có tính cách “nô lệ” trong khi công việc sau liên quan đến người môn đệ đặt “tài năng của chính họ vào sự thử thách” và cho phép sản phẩm của tài năng thiên bẩm khêu gợi lên “những ý tưởng độc đáo” của họ. Cho nên mỹ thuật, hay sản phẩm của tài năng thiên bẩm, trình bày “những ý niệm thẩm mỹ” vốn là những biểu tượng của trí tưởng tượng - “một giới tự nhiên thứ hai [được sáng tạo] từ chất liệu mà tự nhiên hiện thực đã mang lại cho nó” - gây ra “hàng loạt những biểu tượng tương tự” (PPNLPĐ §49). Ý niệm thẩm mỹ khơi gợi lên cũng như được tạo ra bởi một sự hài hòa giữa quan năng của trí tưởng tượng và quan năng của giác tính là cái làm nên đặc trưng của thiên tài.
Qua Goethe và các nhà Lãng mạn sơ kỳ, những quan niệm của Kant về tài năng thiên bẩm hết sức có ảnh hưởng vào đầu thế kỷ XIX. Chúng cũng đã trải qua cuộc khảo sát mới từ những năm 1980. Điều này là do tính nhạy cảm ngày càng tăng đối với những hàm ý chính trị trong PPNLPĐ, và nhất là những gợi ý về những hình thức phi-thứ bậc của phán đoán chính trị được ngầm nhắc đến trong những nghiên cứu về phán đoán phản tư và tài năng thiên bẩm. Những quan niệm về tài năng thiên bẩm và tính mẫu mực điển hình được bàn thảo trong ngữ cảnh của tài năng thiên bẩm đã được các tác gia như Castoriadis (1987) và Lyotard (1991) phát triển theo hướng của một hình thức không-thâu gồm của sự lập pháp và phán đoán chính trị.
Nguyễn Thị Thu Hà dịch