Tâm thức [Đức: Gemüt; Anh: mind/mental state/soul]
Xem thêm: Kích động, Thể xác, Tình cảm, Đồng nhất, Sự sống, Vui sướng, Hài lòng, Phản tư, Linh hồn, Chủ thể,
Gemüt là một thuật ngữ trọng yếu trong triết học Kant và được dịch khác nhau sang tiếng Anh như: mind (trí tuệ), mental State (trạng thái tinh thần) và soul (linh hồn), mặc dù những cách dịch này vẫn thất bại trong việc truyển tải đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ. Gemüt không có nghĩa là “trí tuệ” hay “linh hồn” theo nghĩa một bản thể tư duy [như] trong trường phái Descartes, trái lại, hàm ý một sự có ý thức về cảm giác của thân thể và sự tự - kích động. Thật vậy, có một chỗ trong PPLTTT, Kant phân biệt dứt khoát Gemüt [Tâm thức] và Seele [linh hồn] (A 22/B 37), một sự phân biệt đã được trình bày cặn kẽ trong Zu Sömmering über das Organ der Seele (Vê tác phẩm cơ quan của linh hôn gởi cho Sômmering, 1796) về “năng lực đem lại sự thống nhất cho thông giác thường nghiệm (animus) nhưng không phải là bản thể của nó (anima)” (1796, tr. 256). Gemüt không biểu thị một bản thể (dù là vật chất hoặc ý tưởng) nhưng là vị trí hay nơi chốn của Gemütskräfte (các năng lực của Gemüt), tức cảm năng, trí tưởng tượng, giác tính và lý tính.
Cách dùng thuật ngữ Gemüt của Kant vẫn gần với nghĩa mà thuật ngữ này đã có trong triết học trung cổ và huyền học, khi quy chiếu đến “vị thế ổn định của linh hồn làm điều kiện cho việc thực hiện mọi quan năng của nó” (Gilson, 1955, tr. 444, 758). Điều này trái với sự giới hạn của Leibniz về thuật ngữ để muốn nói “tình cảm” là đối lập với giác tính (Leibniz, 1976, tr. 428). Đối với Kant, “Gemüt là toàn bộ sự sống (bản thân nguyên tắc sự sống), còn những trở ngại hay thuận lợi là phải được tìm ở bên ngoài nó, tức là trong bản thân con người gắn liền với thân xác” (PPNLPЧ29). Với quan niệm này về Gemüt, Kant đã tìm cách lảng tránh nhiều vấn đề về những mối liên hệ hồn - xác mà thuyết nhị nguyên của Descartes đã để lại, một chiến lược được tuyên bố lại một cách dứt khoát trong Zu Sömmering über das Organ der Seele, nhưng đã bị nhiều nhà phê bình Kant sau này đánh giá một cách không đầy đủ. Quan niệm này về Gemüt cũng mang lại một sự nối kết xuyên suốt cả ba phần của triết học phê phán: phần lý thuyết, phần thực hành và phần mỹ học/mục đích luận, một lần nữa Kant đã tuyên bố dứt khoát, nhưng bây giờ là trong một biến thể của NLH §7, ở đó nó được mô tả như là “tổng thể hoặc hiện thân trọn vẹn”[Inbegriff] của mọi biểu tượng trong cùng vị trí đang choán lấy một phạm vi hoạt động gồm: ba quan năng Cổ bản của nhận thức (cảm năng, giác tính, lý tính); tình cảm của sự vui sướng và không vui sướng và quan năng của ham muốn...”.
Trong PPLTTT, Kant định vị nguồn gốc của nhận thức trong “hai nguồn suối Cổ bản của Gemüt”: nguồn thứ nhất là quan năng “tiếp nhận những biểu tượng (tính thụ nhận của những ấn tượng)”, nguồn thứ hai là quan năng “nhận thức một đối tượng thông qua những biểu tượng này (tính tự khởi của những khái niệm)” (A 50/B 74). Theo đó, Gemüt có thể được sắp đặt một cách bị động hoặc chủ động, bị động trong việc tiếp nhận những biểu tượng, còn chủ động trong việc tạo ra những khái niệm. Có thể thấy rõ nhất hoạt động tưong hỗ của hai phưong diện bị động và chủ động này của Gemüt khi Kant bàn về trực quan. Trong đoạn mở đầu của PPLLTT, Kant nói rằng: những đối tượng chỉ có thể được mang lại cho ta trong chừng mực Gemüt được kích động bằng một cách thức nào đó” (A 19/B 33). Gemüt ở đây là trong phưong cách thụ nhận, cảm tính của “giác quan bên ngoài” qua đó ta hình dung những đối tượng như là ở bên ngoài ta và ở trong không gian. Ngoài việc được kích động một cách thụ động bằng giác quan bên ngoài, Gemüt còn có thể được kích động một cách chủ động bằng giác quan bên trong. Trong trường hợp này “Gemüt trực quan chính mình hay trực quan trạng thái bên trong của mình” làm nảy sinh “hình thức xác định” về thời gian (A 23/B 37).
Sự kích động một cách thụ động lên Gemüt bởi những đối tượng bên ngoài và sự tự-kích động một cách chủ động cũng hệ trọng đối với lập luận của PPNLPĐ. Trong PPNLPĐ, đặc tính này được mô tả như là chính bản thân “nguyên tắc sự sống”, và là nguồn suối không chỉ của các quan năng nhận thức và ý muốn [volition], mà còn của sự vui sướng và không vui sướng. Trong PPNLPĐ §1, Kant phân biệt giữa sự lĩnh hội “một ngôi nhà hợp quy tắc và hợp mục đích” với việc có ý thức về biểu tượng này đi kèm với cảm giác hài lòng. Ở đây sự vui sướng xuất hiện từ cả tác vụ thụ nhận lẫn tác vụ tự khởi của Gemüt. Sự lĩnh hội về ngôi nhà được thụ nhận và sau đó “được nối kết hoàn toàn với chủ thể, mà thực chất là với xúc cảm của nó về sự sống”. Cảm giác hài lòng phát sinh từ Gemüt trở nên có ý thức, thông qua biểu tượng này, về trạng thái của nó, hay về “toàn bộ năng lực biểu tượng”; nói cách khác, Gemüt tự biến bản thân mình thành một đối tượng của sự phản tư, và vì vậy tìm thấy sự hài lòng trong những năng lực của chính mình. Kant mô tả sự phản tư này trong tương quan với một sự hài hòa giữa Gemütskräfte [các quan năng của Gemüt] là giác tính và trí tưởng tượng, một sự hài hòa mà Kant cho là đã gây ra cảm giác hài lòng bằng cách “làm sinh động” hoặc bằng “trò chơi” tương tác tự do của những quan năng sinh động hài hòa lẫn nhau [Gemütskräfte] (trí tưởng tượng và giác tính) (PPNLPĐ § 9).
Mặc dầu sự bàn luận của Kant về Gemüt là trung tâm cho cách hiểu của ông về địa mạo học tinh thần [mental topography], và rõ ràng là quan trọng đối với những lý thuyết của Kant về nhận thức, hành động và mỹ học, nhưng lại không bao giờ được nghiên cứu cặn kẽ một cách hàn lâm. Ý nghĩa quan trọng của khái niệm này vẫn còn được Mellin đánh giá cao trong cuốn Encyclopädisches Wörterbuch der kritischen Philosophie [Từ điển Bách khoa vê Triết học phê phán] của ông năm 1797, nhưng về sau không được ai lưu ý. Tuy nhiên, gần đây nó lại tái xuất hiện trong tác phẩm của Heidegger và Derrida trong ngữ cảnh của những sự phản tư về các khái niệm “tinh thần” và “linh hồn”. Gemüt nổi bật trong tác phẩm Sein und Zeit [Tồn tại và Thời gian] (Heidegger, 1927) như là điều đã không được hiểu đúng trong siêu hình học chủ thể tính của trường phái Descartes. Gemüt còn được Derrida khảo sát tường tận và đem lại một phả hệ học lịch sử như những địa mạo [topos] của Tinh thần trong tác phẩm De 1’esprit [Về tinh thần](xem Derrida, 1987, tr. 78, 127). Những thức nhận mới mẻ này cần được khai thác có hệ thống trong việc diễn giải cách dùng thuật ngữ này của Kant.
Trần Kỳ Đồng dịch