Thói quen [Đức: Gewohnheit; Anh: habitus]
Xem thêm: Nghệ thuật, Đào luyện [Văn hóa], Tình cảm, Động cơ, Tự nhiên, Cảm năng,
Kant du nhập thuật ngữ này vào bàn luận của ông về tình cảm luân lý trong ĐĐH, sử dụng nó để mang các xung động của cảm năng vào dưới sự thống trị của các quy tắc luân lý của giác tính. Đây chính là một trong những phưong tiện để qua đó “giác tính có thể đưa cảm năng vào sự tuân phục và mang các động Cổ vào trong nó” (ĐĐH tr. 46). Kant tin rằng vì con người không tự nhiên có tâm thế ham muốn những kết quả đáng ao ước này, nên cần “tạo ra một thói quen, dù không tự nhiên, song thay thế được vị trí của giới tự nhiên. Thói quen này sẽ được tạo ra nhờ vào sự bắt chước và thực hành lặp đi lặp lại” (ĐĐH, tr. 46). Kant phát triển tư tưởng này trong lý thuyết sau này của ông về văn hóa trong cuốn PPNLPĐ, và trong các trước tác bàn về giáo dục. Ta cũng có thể thấy được một sự thân thuộc giữa thói quen và tác phẩm nghệ thuật, vì tác phẩm nghệ thuật cũng là một “giới tự nhiên thứ hai được sáng tạo ra từ chất liệu mà Tự nhiên hiện thực đã mang lại cho nó” (PPNLPĐ § 49). Điểm có chung đối với cả thói quen và tác phẩm nghệ thuật là một cảm thức về sự đào luyện văn hóa - trong trường hợp đầu là sự đào luyện bản tính tự nhiên bên trong, còn ở trường hợp sau là sự đào luyện giới tự nhiên bên ngoài chúng ta - thông qua hoạt động tự do nhưng cũng có kỷ luật.
Như Huy dịch