Thụ nhận (tính, sự) [Đức: Rezeptivität; Anh: receptivity]
Xem thêm: Kích động, Trực quan, Cảm năng, Tự khởi (tính),
Tính thụ nhận là “năng lực [của chủ thể] được các đối tượng kích động” và đi trước mọi trực quan riêng biệt về các đối tượng (PPLTTT A 26/B 42). Nó tạo thành một trong hai nguồn suối của nhận thức đã được nhận diện ngay trong phần đầu của Logic học siêu nghiệm, đó là: “năng lực tiếp nhận những biểu tượng (tính thụ nhận những ấn tượng)”, rồi được đi kèm bằng “tính tự khởi của các khái niệm” (A 50/B 74). Tự nó, tính thụ nhận chỉ tạo ra “sự đa tạp của các biểu tượng” và sự đa tạp này có thể được mang lại trong một trực quan thuần túy cảm tính” dựa theo mô thức của trực quan hay dựa theo “phương cách mà chủ thể được kích động” (PPLTTT B 130). Tuy nhiên, khi nối kết với tính tự khởi, nó tạo điều kiện để phát sinh tri thức. Việc mô tả đặc điểm của sự nối kết này là thách thức triết học căn bản trong PPLTTT, nhất là khi Kant từ chối phưong án xem tính thụ nhận phục tùng tính tự khởi, hoặc ngược lại, nghĩa là không lựa chọn theo thuyết duy nghiệm là thuyết rút các khái niệm ra từ các trực quan, hoặc theo thuyết duy lý là thuyết coi các trực quan chỉ là các khái niệm được nhận biết một cách mù mờ. Tuy nhiên, trong quá trình phân tích, sự phân biệt giữa tính thụ nhận và tính tự khởi liên tục sụp đổ, nhất là trong phần các nghịch lý (antinomies). Ở đấy, Kant thấy rằng ông không thể mô tả tính thụ nhận mà lại không giả định cả những kết quả của tính tự khởi của giác tính lẫn định đề về một đối tượng siêu nghiệm. Trước hết, ông mô tả “quan năng trực quan cảm tính” “chỉ là một sự thụ nhận, tức một năng lực chịu sự kích động của các biểu tượng theo cách nào đó” rồi tiếp tục chỉ ra hai điểm: thứ nhất, các biểu tượng này được quan hệ với nhau bằng các mô thức của trực quan, và thứ hai, các biểu tượng này có thể được quy định “dựa theo sự thống nhất của kinh nghiệm” (PPLTTT A494/ B522). Chỉ khi nào đạt đến điểm này thì các biểu tượng ấy mới có thể được gọi là các đối tượng [cho ta], và nguyên nhân gây ra biểu tượng về các đối tượng này thông qua cảm năng mới được nhận diện như là cái đối ứng “bất khả tri” mà tính thụ nhận không thể nhận thức được - nói cách khác, đó chính là “đối tượng siêu nghiệm” hay “cái gì đó tưong ứng với cảm năng khi cảm năng được xét như là một tính thụ nhận” (ibid.).
Đinh Hồng Phúc dịch