Trực quan [Đức: Anschauung; Anh: intuition]
Xem thêm: Tiên nghiệm, Cảm năng học, Tiên đề (các), Mô thức, Giác quan bèn trong, Toán học, Thụ nhận (tính, sự), Giác quan, Cảm năng, Không gian, Thời gian, Đối tượng siêu nghiệm,
Trong truyền thống Aristoteles, quan hệ giữa nghiên cứu về nhận thức dựa trên trực quan và nhận thức dựa trên chứng minh trong Phân tích pháp II (Posterior Analytics) với nghiên cứu về tri giác khả niệm và tri giác cảm tính (noesis và aisthesis) trong Bàn vê linh hồn (De anima) của Aristoteles gây cho ta khá nhiều lúng túng. Trong Phân tích pháp II, Aristoteles yêu sách rằng “các tiền đề tiên khởi” của nhận thức khoa học được lĩnh hội một cách trực quan, và trực quan là “nguồn suối nguyên thủy của nhận thức khoa học” (Aristoteles, 1941, 100b). Sự lĩnh hội trực quan vì thế là có tính trực tiếp, đối lập với nhận thức suy lý, được trung giới của sự chứng minh khoa học. Theo quyển Bàn vê linh hồn, nhận thức nảy sinh từ sự trừu xuất của noeta ra khỏi aistheta, nhưng với điều kiện là các yếu tố cảm tính và khả niệm vốn được suy tưởng một cách biệt lập không tồn tại biệt lập, hay nói như Aristoteles, “miễn sao tâm thức, cái tư duy chủ động tích cực, là những đối tượng suy tưởng của nó” (Aristoteles, 1941, 431b, 18).
Sự lúng túng trước cái truyền thống này là liệu ta phải hợp nhất cả hai nghiên cứu này về sự nhận thức hay không, và nếu thế thì bằng cách nào. Ngoài việc phủ nhận bất cứ mối quan hệ nào giữa chúng, về cơ bản ta có sẵn ba sự lựa chọn. Một đằng là phải nhấn mạnh những yếu tố Platon ở Aristoteles, và đồng nhất nhận thức trực quan trực tiếp với noeta, đằng khác là phải đồng nhất nhận thức trực quan với tri giác cảm tính hay aistheta; trong khi sự lựa chọn thứ ba là phải thiết định một nhóm các đối tượng chiếm một vị trí trung gian giữa noeta và aistheta (xem thêm Wolfson, 1962, Quyển II, tr. 156). Theo cách nói trang trọng, học thuyết của Kant về trực quan được phác thảo trong LA và được khai triển trong PPLTTT có thể được đặt trong khuôn khổ của sự lựa chọn thứ ba, nhưng nhấn mạnh đến tính chất nghịch lý của những đối tượng trung gian như vậy.
Trước Kant, Descartes và Spinoza đã phân biệt triệt để giữa hình thức trực quan và những hình thức khác của nhận thức. Mặc dù Descartes lớn tiếng trong Những quy tắc hướng dẫn trí tuệ (1628) rằng “không thèm chú ý” đến “phương cách mà những thuật ngữ đặc thù đã được sử dụng mới đây trong nhà trường”, nhưng điều được tuyên ngôn gọi là “cách dùng mới của ông về thuật ngữ trực quan thật ra chẳng thoát ly khỏi truyền thống Aristoteles là bao. Ông phân biệt trực quan với “chứng cứ của các giác quan” và định nghĩa nó là một “khái niệm không nghi ngờ được của một trí tuệ rõ ràng và chăm chú chỉ bắt nguồn từ ánh sáng của lý tính mà thôi” (Quy tắc III). Khác với nhận thức diễn dịch, nó là trực tiếp và đơn giản, và được minh họa bởi việc các cá nhân “trực quan về sự kiện là họ đang hiện hữu, và đang suy tưởng”. Trong Đạo đức học (1677), Spinoza đi theo Descartes khi phân biệt ba hình thức của cái biết: nhận thức của tư kiến dựa trên các giác quan và trí tưởng tượng (theo nghĩa rộng từ aistheta của Aristoteles); nhận thức của lý tính dựa trên những ý niệm hay khái niệm chung (noeta); và cuối cùng là nhận thức trực quan trực tiếp về bản chất hình thức của các thuộc tính của Thượng đế và các sự vật nói chung (1985, tr. 475-8).
Cả Descartes lẫn Spinoza đều nghiêng về quan niệm của Platon về nhận thức trực quan, xem trọng nhận thức trực tiếp về lĩnh vực khả niệm hơn là nhận thức được trung giới của các giác quan. Trong Luận văn về giác tính con người, Locke đồng ý rằng nhận thức trực quan không chỉ là trực tiếp mà còn là “sáng sủa nhất và chắc chắn nhất mà thân phận mỏng manh của con người có thể có được” (Locke, 1690, tr. 272). Thế nhưng đối với Locke, nhận thức này được rút ra không phải từ noeta khả niệm, như nơi Descartes và Spinoza, mà từ những đối tượng của tri giác bên ngoài: “Không có cái gì chắc chắn hơn làý niệm mà ta tiếp nhận từ một đối tượng bên ngoài đang ở trong ta: đó là nhận thức trực quan” (tr. 277). Nhận thức này là trực tiếp, nhưng chủ yếu hướng đến aistheta hơn là đến noeta. Khi phê phán Locke trong Luận văn mởi về giác tính con người (hoàn thành năm 1705 nhưng đến năm 1765 mới xuất bản), Leibniz cố gắng dung hòa Descartes và Locke bằng cách đề ra những chân lý trực quan của cả sự kiện lẫn của lý tính (Leibniz, 1765, tr. 361-7), nhưng Christian Wolff, là môn sinh và là người truyền bá học thuyết của ông, lại giới hạn nhận thức trực quan vào sự trực quan trực tiếp về sự hoàn hảo của lý tính. Đến lượt nó, quan niệm này lại bị nhà “lạc giáo” của học thuyết Wolff là A.G. Baumgarten phê phán, khi ông ủng hộ nhận thức trực quan về sự hoàn hảo lý tính bằng con đường của tri giác cảm tính, một hình thức nhận thức mà ông gọi là “mỹ học”.
Học thuyết của Kant về trực quan phải được định vị bên trong nghị trình do Aristoteles xác lập. Ông vẫn nhất quán với truyền thống Aristoteles về tính chất trực tiếp, không trung giới của trực quan, nhưng đã xác lập cái nét riêng của ông về nó ở chỗ đã bác bỏ sự đối lập của nhận thức trực tiếp giữa noeta của các nhà duy lý với aistheta của các nhà duy nghiệm. Trong khi Kant xác định vị trí của trực quan ở cấp độ cảm năng hay aisthesis trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm” của quyển PPLTTT (tức là, thấp hon giác tính và lý tính), ông cũng dành cho nó một tính cách mô thức tiên nghiệm, khi xoay xở theo cách này để nhấn mạnh yếu tố cảm tính, trực tiếp trong nhận thức mà không cần theo Locke, và yếu tố mô thức, tiên nghiệm mà không cần theo Descartes. Điều căn bản là phải xác lập sự cân bằng này để thỏa mãn một trong những điều kiện chính cần có để “giải quyết vấn đề chủ yếu của triết học siêu nghiệm: Làm thế nào để những mệnh đề tổng hợp tiên nghiệm có thể có được?” (PPLTTT, B 73). Những phán đoán ấy tổng hợp các khái niệm với các trực quan cảm tính, tức là với những gì tuy có tính chất dị loại với khái niệm, nhưng vẫn có một tính cách khả niệm, tiên nghiệm.
Phần lớn những yếu tố trong học thuyết của Kant về trực quan được trình bày trong §10 quyển LA. Ông bắt đầu bằng cách tuyên bố rằng “Ta không thể trực quan về những gì thuộc về giác tính... việc suy tưởng chỉ có thể có được nhờ các khái niệm phổ biến trong cái trừu tượng chứ không phải nhờ một khái niệm đặc thù trong cái cụ thể’. Ở đây, ông đồng ý với sự phân biệt chính thống giữa nhận thức trực tiếp của trực quan với nhận thức được trung giới của giác tính. Giác tính của con người chỉ có thể vận hành “một cách suy lý nhờ các khái niệm phổ biến”, nhưng với Kant, điều này không loại trừ khả thể của những giác tính và những trực quan được cấu tạo một cách khác. Những trực quan được ông xét trong § 10 này chính là trực quan trí tuệ và trực quan thần thánh, cả hai đều trở lại trong quyển PPLTTT. Trực quan trí tuệ chính là một nhận thức trí tuệ, trực tiếp về những vật-tự-thân hơn là về những hiện tượng trong không gian và thời gian (PPLTTT, B307), trong khi trực quan thần thánh lại mang tính tác tạo, tạo ra những đối tượng mà nó suy tưởng chứ không phải bị kích động một cách thụ động bởi những đối tượng có sẵn theo phương cách của trực quan con người (nt).
Trong câu thứ hai của §10, Kant viết rằng “mọi trực quan của ta bị giới hạn vào một nguyên tắc nào đó của mô thức, và chỉ dưới mô thức này mà sự vật có thể được tâm trí [ta] lĩnh hội một cách trực tiếp, hay được lĩnh hội như là cái cá biệt, và không đơn thuần được quan niệm một cách suy lý nhờ các khái niệm phổ biến”. Với câu này, ông biến trực quan từ một đặc điểm phụ trợ của nhận thức thành một quan năng của nhận thức. Quan năng của trực quan có được một “nguyên tắc nào đó của mô thức” qua đó tâm trí mới có thể lĩnh hội trực tiếp tính cá biệt cụ thể của các sự vật chứ không thâu gồm chúng như là những trường hợp của các khái niệm trừu tượng và phổ biến. Trong câu này, Kant trình bày cái nghịch lý cốt lõi trong nghiên cứu của ông về trực quan: nó lĩnh hội trực tiếp các đối tượng, thế nhưng nó chỉ lĩnh hội nhờ các nguyên tắc mô thức. Tính chất này của trực quan được lặp lại trong PPLTTT: trực quan vừa là “quan hệ trực tiếp” (s/c) với các đối tượng, vừa chỉ diễn ra “trong chừng mực đối tượng được mang lại cho ta” (PPLTTT A 20/B 34).
Trong câu thứ ba của LA §10, những nguyên tắc mô thức của trực quan được lộ diện ra như là không gian và thời gian, rồi chúng được tiếp tục xác định rõ hơn như là những điều kiện “theo đó cái gì đó có thể là một đối tượng của các giác quan của ta”. Cho dù trong LA, Kant liệt kê ra những thuộc tính của không gian và thời gian với tư cách là những trực quan thuần túy - chúng là “đơn nhất”, không phải “bẩm sinh” cũng “không phải được sở đắc”, vừa là những điều kiện của các cảm giác, vừa được những cảm giác ấy kích động thành hành động - ông chưa mạo hiểm đưa ra một sự chứng minh tại sao chúng là những điều kiện cho những đối tượng của các giác quan của ta. Ông chỉ làm điều này trong PPLTTT và SL bằng phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp.
Trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm” của quyển PPLTTT, Kant phân tích hay tháo rời cảm năng ra thành những yếu tố của nó. Ông đề nghị trước hết ta “tách riêng cảm năng ra khỏi những gì được giác tính suy tưởng bằng các khái niệm” (PPLTTT A 22/B 36). Cảm năng không còn lại gì “trừ trực quan thường nghiệm”, và từ trực quan thường nghiệm, ta lại tách riêng “bất cứ những gì thuộc cảm giác, sao cho không có gì còn giữ lại trừ trực quan thuần túy và mô thức đơn thuần về các hiện tượng”. Những cái này chính là “những mô thức của trực quan cảm tính”, đó là không gian và thời gian. Trong SL, Kant lại luận chứng theo kiểu tổng hợp từ những mô thức của trực quan đến những đối tượng của giác quan. Ông cho rằng các trực quan về các sự vật đang hiện diện không thể có được nếu không có một “cơ sở của quan hệ giữa biểu tượng của tôi với đối tượng” (§9), vốn là cái “đi trước mọi ấn tượng hiện tại qua đó tôi bị kích động bởi các đối tượng”; nếu không có các mô thức tiên nghiệm của trực quan để nối kết cái Tôi và các đối tượng của nó thì ta sẽ chẳng có kinh nghiệm nào về những đối tượng (xem thêm PPLTTT B 132).
Trong PPLTTT, Kant đưa ra những chứng minh về việc tại sao chỉ có không gian và thời gian là các mô thức của trực quan. Chứng minh mà dường như ông thấy rất thuyết phục cho rằng trong khi mọi khái niệm, ngoại trừ không gian và thời gian, đều lấy “cái gì đó có tính thường nghiệm” làm tiền đề, thì không gian và thời gian lại có tính thuần túy và tiên nghiệm: không gian không chiếm lấy một không gian nào và thời gian không chịu một sự biến đổi nào trong thời gian (PPLTTT A 41/B 58). Luận cứ này cũng làm cho vị thế siêu nghiệm của không gian và thời gian có giá trị hiệu lực, cụ thể là: chúng là những điều kiện của kinh nghiệm về không gian và thời gian và không thể được rút ra từ cảm giác hay từ bản tính của bản thể tư duy. Luận cứ này phù hợp với quan niệm được phát biểu trong LA §10 rằng các mô thức của trực quan cung cấp “điều kiện của nhận thức cảm tính” và đi trước nhận thức cảm tính và không được rút ra từ nhận thức cảm tính. Nhưng yêu sách này lại tỏ ra không ổn với quan niệm rằng trực quan là có tính thụ động, rằng “chất liệu của nhận thức” là được mang lại qua các giác quan, và rằng trực quan “chỉ có thể có được bao lâu nó là khả hữu cho cái gì đó kích động giác quan của ta” (sđd.ỵ Trực quan ở đây dường như vừa cung cấp những điều kiện cho cái gì đó kích động cảm năng của ta, vừa bị điều kiện hóa bởi cái gì đó đang kích động nó.
Tính cách nghịch lý của trực quan - như là điều kiện đồng thời bị điều kiện hóa bởi các đối tượng của giác quan - được sử dụng trong LA để ngăn cản việc các noumenon có thể được nhận thức nhờ vào các biểu tượng được rút ra từ các cảm giá”. Nó còn tiếp tục được sử dụng trong PPLTTT để tăng cường sự phê phán đối với những yêu sách rằng không gian và thời gian còn là những gì nhiều hon các mô thức cấu trúc nên trực quan của ta. Sự phát triển sau đã hàm ý sẵn trong sự phân biệt giữa biểu tượng và cảm giác được nói đến trong LA §10, là phần dự đoán sự phân biệt có tính phê phán mấu chốt giữa hiện tượng và cảm giác trong PPLTTT. Những hiện tượng được phân chia thành cảm giác, hay “chất liệu của hiện tượng”, và “mô thức của hiện tượng”, hay không gian và thời gian. Cái sau ở trong trạng thái tiềm tàng, hay nói như Kant là “có sẵn cho các cảm giác một cách tiên nghiệm trong tâm trí” (PPLTTT A 20/B 34), và được kích hoạt bởi cảm giác. Bằng cách này, ý niệm về hiện tượng làm cho các mô thức của trực quan có thể được xem là đi trước cảm giác hay chất liệu của trực quan một cách tiêm năng (nhưng lại đi sau trong hiện thực). Một sự phức tạp hon nữa nảy sinh ở đây, chính là chất liệu của trực quan được trực quan một cách trực tiếp không thể được xét như là những đối tượng tự thân, mà là đã được cấu tạo sẵn như là những hiện tượng, bởi lẽ với Kant đó chính là tiên đề: “Ta trực quan những sự vật không phải là trực quan cái gì nổi tự thân chúng, mà như chúng xuất hiện ra cho ta” (PPLTTT A 42/B 59). Điều này lại có tính chất nghịch lý, vì nó đòi hỏi rằng ta xét trực quan vừa như là nhận thức trực tiếp về các đối tượng, cụ thể là “các sự vật mà ta trực quan”, vừa như là một hiện tượng được trung giới hay “như chúng xuất hiện ra cho ta” (sđd.).
Khi viễn tượng về trực quan chuyển từ mối quan hệ giữa trực quan và các đối tượng của giác quan sang mối quan hệ giữa trực quan và giác tính, một nhóm các nghịch lý tương tự tự biểu hiện ra. Điều quan trọng sinh tử đối với dự án phê phán là các khái niệm của giác tính và các mô thức của trực quan phải được phân biệt với nhau vê loại (generical). Trực quan tương ứng với phương diện “thụ động” hay “thụ nhận” của kinh nghiệm con người, còn giác tính tương ứng với phần đóng góp trong kinh nghiệm ấy bởi sự tổng hợp tích cực, tự khởi của thông giác. Trong khi cả hai phải được phân biệt với nhau một cách nghiêm ngặt, chúng cũng phải được nối kết trong các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm. Kant lưu ý điều này trong câu văn ngắn gọn: “Tư tưởng không có nội dung thì trống rỗng, trực quan không có khái niệm thì mù quáng” (PPLTTT A 51/ B 75), từ đó ông kết luận rằng các khái niệm phải được làm cho trở nên khả giác và các trực quan phải trở nên khả niệm mà không cần phải hoán chuyển chức năng cũng như lĩnh vực riêng của chúng [điều này được trình bày trong phần “thuyết niệm thức”, PPLTTT A138/B177],
Những kết quả được trình bày trong phần “Logic học siêu nghiệm” của PPLTTT cho thấy làm thế nào mà aistheta và noeta của truyền thống lại được đưa vào quan hệ mà không buộc cái này phải lệ thuộc cái kia. Theo cách này, triết học phê phán vừa tôn trọng sự phân biệt được tiếp nhận từ truyền thống Arirtoteles, trong khi vừa cải trang lại nó cho phù hợp với một học thuyết về trực quan kết hợp cả phương diện cảm tính lẫn phương diện trí tuệ.
Đinh Hồng Phúc dịch