Ban bố quy luật/Lập pháp (sự) [Đức: Gesetzgebung; Anh: legislation]
Xem thêm: Quy luật, Pháp quyền, Quy tắc, Nhà nước,
Kant sử dụng mô hình ban bố quy luật trong triết học lý thuyết lẫn triết học thực hành của ông. Trong PPLTTT, giác tính được mô tả là “kẻ ban bố quy luật cho tự nhiên”, khi Kant yêu sách rằng tự nhiên chỉ có thể có được là do “sự thống nhất tổng hợp cái đa tạp của những hiện tượng theo những quy tắc” (A 127). Sau đó, ông đề cập đến “bậc Triết gia lý tưởng” như là “người ban bố luật lệ cho lý tính con người” (A 839/ B 687), và, trong ngữ cảnh bàn luận về tác phẩm Cộng hòa (Politeia/Republic) của Platon, ông mô tả lý tưởng về nhà nước hoàn hảo như là sự hài hòa giữa lập pháp và hành pháp bên trong một hiến pháp, làm cho sự tự do của mỗi người phù hợp với sự tự do của mọi người. Những mô phỏng về nhà nước lý tưởng này được viết thành một trong những phát biểu về mệnh lệnh nhất quyết trong CSSĐ, qua đó, “tất cả các châm ngôn nào không phù hợp với sự ban bố quy luật phổ quát của chính ý chí tự do đều bị bác bỏ” (tr. 431, tr. 38). Một phát biểu như thế về mệnh lệnh nhất quyết phù hợp với các tiêu chuẩn của sự ban bố quy luật đạo đức được trình bày trong SHHĐL: có một quy luật phổ quát đi liền với một động cơ trong nghĩa vụ; ngược lại, sự ban bố quy luật bằng “một động cơ không phải là bản thân ý niệm về nghĩa vụ” thì chỉ có tính pháp lý (tr. 219, tr. 46).
Huỳnh Trọng Khánh dịch