Chủ nghĩa công dân thế giới [Đức: Komospolitanismus; Anh: cosmopolitanism]
Xem thêm: Nhà nước liên bang, Lịch sử, Công lý, Pháp quyền tự nhiên, Quyền hạn, Hòa bình, Nhà nước, Chiến tranh,
Chủ nghĩa công dân thế giới được mô tả trong LSPQ là “ma trận trong đó mọi năng lực căn nguyên của loài người có thể phát triển” (tr. 28, tr. 51). Nó là một bước đi tất yếu hướng đến giải pháp về “những vấn đề trọng đại nhất đối với loài người”, đó là “đạt được xã hội dân sự có thể quản trị công lý một cách phổ quát” (tr. 22, tr. 45). Mục đích này không thể đạt được bên trong một nhà nước cá biệt đang tham gia vào một trật tự đối kháng của những quan hệ bên ngoài. Do đó, trong văn bản này và trong HBVC, Kant tập trung vào một “hệ thống chủ nghĩa công dân thế giới cho sự an ninh chính trị phổ biến” (tr. 26, tr. 49) giữa các nhà nước, một hệ thống mà ông mô tả như một “liên bang của các dân tộc trong đó mỗi nhà nước, thậm chí nhà nước nhỏ nhất, có thể mong đợi có được sự an ninh và các quyền hạn của mình không phải từ sức mạnh của bản thân hoặc từ phán quyết pháp lý của riêng mình, mà chỉ từ liên bang vĩ đại này (foedus Amphictyonum), từ một quyền lực thống nhất và những quyết định hợp pháp của một ý chí thống nhất” (tr. 24, tr. 47). Ngược lại, ở những trang cuối của NH, bản thân chủ nghĩa công dân thế giới được mô tả như mục đích của sự phát triển của giống loài người. Không phải một nguyên tắc cấu tạo mà một nguyên tắc điều hành sẽ đòi hỏi rằng mỗi cá nhân, chứ không chỉ mỗi nhà nước, phải “nhượng mình một cách rộng lượng trước xã hội công dân thế giới xét như vận mệnh của giống loài người” (NH tr. 331, tr. 249). Phù hợp với ý niệm điều hành về chủ nghĩa công dân toàn thế giới, mỗi cá nhân phải hướng các hành động của mình đến “sự tổ chức tiến bộ của những công dân trên trái đất ở bên trong và hướng đến giống loài như một hệ thống được hợp nhất bởi những mối ràng buộc toàn hoàn vũ” (NH tr. 333, tr. 251).
Cù Ngọc Phương dịch