Lịch sử [Đức: Geschichte; Anh: history]
Xem thêm: Văn hóa, Địa lý, Nhân tính, Nhận thức, Thời gian,
Ta có thể phân chia quan niệm của Kant về lịch sử thành hai phần chính. Phần đầu là một hình thức của nhận thức, còn phần sau là một mẫu hình (pattern) xuyên suốt các sự kiện trong lịch sử tự nhiên và lịch sử loài người. Về phần đầu, Kant đi theo sự phân biệt của Wolff giữa nhận thức “thuần lý” và nhận thức “có tính lịch sử”. Trong tác phẩm SL, Kant sử dụng một trong những ví dụ của Wolff để phân biệt nhận thức lịch sử về sự kiện mặt trời làm nóng hòn đá với nhận thức thuần lý về nguyên nhân của sự kiện đó (SL §20). Nói theo ngôn ngữ của PPLTTT, “nhận thức lịch sứ là nhận thức từ dữ liệu (cognitio ex datis), còn nhận thức thuẫn lý là từ các nguyên tắc (cognitio ex principiis)” (A 836/B 864). Tuy nhiên, bên trong sự phân loại các hình thức nhận thức này, Kant còn xác lập những phân biệt xa hon. Trong phần dẫn nhập cho các bài giảng về môn địa lý tự nhiên [physical geography] của mình, ông định nghĩa lịch sử [sử học] như một nghiên cứu về các sự kiện nối tiếp nhau trong thời gian, và địa lý như một nghiên cứu về các sự kiện diễn ra đồng thời trong không gian. Nghiên cứu đầu là một tự sự [narrative], nghiên cứu sau là một sự miêu tả. Trong tác phẩm TG, chính Kant cũng đưa ra một số tự sự như thế, gồm cả các lịch sử tóm tắt về Do Thái giáo và Kitô giáo (tr. 124-36, tr. 115-28), về logic học trong “Logic Jäsche” (L, tr. 531-5), và về lý tính thuần túy trong PPLTTT (được nhấn mạnh trong A 852/B 880].
Phần chính thứ hai của Kant về khái niệm “lịch sử” gồm triết học lịch sử hay sự xét lại Biện thần luận [Theodicy] truyền thống. Thái độ của Kant đối với triết học lịch sử rõ ràng là có tính nước đôi: Ông phê phán quyết liệt cuốn Ideas on the philosophy of History of Mankind [Các ý niệm vê triết học vê lịch sứ nhân loại](1785) của Herder, và đã viết một bài luận có nhan đề: “Über das Misslingen aller philosophischen Versuche in der Theodizze” [Vê sự thất bại của mọi nỗ lực triết học trong Biện Thần luận]. Tuy nhiên, đồng thời, trong tác phẩm LSPQ, rõ ràng ông lại thừa nhận các ưu điểm của một ngành triết học lịch sử. Trong tác phẩm này, ông miêu tả lịch sử như đưa ra một mô tả về các hành động của con người dựa vào “những sự biểu hiện của ý chí trong thế giới của các hiện tượng”, nhằm thông qua việc thẩm tra “sự sử dụng tự do ý chí của con người trên diện rộng, ... để khám phá ra một tiến trình hành động thường xuyên giữa các hành vi có ý chí tự do” (LSPQ tr. 17, tr. 41). Điểm cốt lõi của nghiên cứu ấy là chỉ ra rằng: cái gì đập vào mắt chúng ta trong các hành động của các cá nhân như là lộn xộn và ngẫu nhiên, thì có lẽ trong lịch sử của toàn bộ giống loài sẽ được nhìn nhận như một sự phát triển đi lên đều đặn nhưng chậm rãi của các năng lực nguyên thủy của con người. Nhờ đó, các cá nhân hẳn sẽ nhận ra rằng “một cách vô thức, họ đang hoạt động hướng đến một mục đích mà dù có biết về nó là gì đi nữa, mục đích ấy hẳn sẽ hiếm khi khiến họ quan tâm” (nt).
Lối tiếp cận này về triết học lịch sử bổ sung cho việc Kant nỗ lực tìm cách đưa ra một nghiên cứu về văn hóa, đặc biệt là trong Phần II của cuốn PPNLPĐ. Ở đó, nó được đặt trong văn cảnh của một cuộc bàn luận về “mục đích tối hậu của tự nhiên xét như một hệ thống mục đích luận”. Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, quan niệm mục đích luận này về lịch sử song hành với một quan niệm khác về lịch sử, tức quan niệm xem lịch sử như kết quả của những đột phá và phát minh đã được tiên báo nổi các tài năng thiên bẩm và sự nhiệt tình. Chính quan niệm sau, còn chưa được phát triển đầy đủ trong văn bản của Kant, lại ngày càng quan trọng trong triết học đưong đại về lịch sử.
Như Huy dịch