Ý chí-thiện [Đức: guter Wille; Anh: good will]
Xem thêm: Cái Xấu/Ác, Cái tốt/Thiện, Sự thiện tối cao, Triết học thực hành,
Trong CSSHH, Kant mô tả cái thiện chưa được xác định rõ mới là cái duy nhất thực sự là một “ý chí- thiện”, và khi làm như vậy đã gây ra một sự khởi đầu mới trong triết học luân lý. Ông cho rằng những đức hạnh truyền thống trong triết học luân lý như lòng can đảm và sự cương quyết, sự ôn hòa và sự tự chủ cũng như những tài năng chẳng hạn như sự sắc sảo và năng lực phán đoán, những tặng phẩm của vận may như quyền lực và sự phú quý đều có thể bị lạm dụng thành xấu, ác trong những hoàn cảnh nào đó. Tuy nhiên, ý chí - thiện là một cái thiện chưa được xác định, “cái thiện chỉ thông qua ý chí mà thôi” và không “vì những gì nó tác động hay thực hiện” (CSSHH tr. 393, tr. 7). Đối với Kant, nó là cơ sở cho sự sử dụng tốt đối với mọi đặc điểm đức hạnh theo truyền thống, và có thể được nhận biết qua khái niệm về nghĩa vụ. Qua việc phân tích khái niệm nghĩa vụ, Kant có thể cho ta thấy rằng “cái thiện vượt trội vốn được gọi là luân lý có thể không khác hơn là sự hình dung về quy luật trong chính nó, và một sự hình dung như thế chỉ có thể được tìm thấy trong một hữu thể có lý tính trong chừng mực chính biểu tượng đó chứ không phải là kết quả được mong đợi, là cơ sở quy định của ý chí” (CSSHH tr. 401, tr. 13). Điều đó có nghĩa là ý chí-thiện được quy định bởi hình thức phổ quát của quy luật xét như là quy luật, chứ không phải bởi bất cứ mục đích nào được nhắm tới bằng quy luật. Điều này đòi hỏi rằng hành động phải được mong muốn trong sự tương hợp với mệnh lệnh nhất quyết, hoặc khi châm ngôn của ý chí “có thể trở thành một quy luật phổ quát” (CSSHH, tr. 402, tr. 14).
Cù Ngọc Phương dịch