Thiện-Tối Cao (sự, cái) [Latinh: summum bonum; Đức: höchstes Gut; Anh: highest good]
Xem thêm: Tuyệt đối (cái, tính), Tự trị, Thiện (sự, cái), Ý chí thiện, Hạnh phúc, Hy vọng, Ý chí,
Trong PPLTTT, sự Thiện-tối cao được mô tả như sự nối kết của hạnh phúc và việc xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Triết học thực hành của Kant tách biệt dứt khoát sự ngoại trị (heteronomy) của hạnh phúc và học thuyết của nó về eudaimonia với sự tự trị của tự do và học thuyết của nó về eỉeutheronomy (SHHĐL tr. 378, tr. 183). Tuy nhiên, khi xem xét sự Thiện-tối cao dựa theo những câu trả lời cho các câu hỏi về ba sự quan tâm của lý tính thuần túy (Tôi có thể biết gì? Tôi phải làm gì? Tôi có thể hy vọng gì?), Kant khẳng định rằng tự nó, hạnh phúc lẫn tự do luân lý là không thích hợp để giữ vai trò như sự Thiện-tối cao. Nó phải là sự nối kết của cả hai để mang luân lý hay “sự xứng đáng được hưởng hạnh phúc” với hy vọng về một hạnh phúc hiện thực lại với nhau: “Đối với lý tính chúng ta, chỉ riêng hạnh phúc không thôi chưa phải là sự Thiện hảo trọn vẹn. Lý tính không thừa nhận hạnh phúc nào - (dù xu hướng cảm tính rất mong muốn) bao lâu nó không được hợp nhất với việc xứng đáng được hạnh phúc, tức với hành vi phù hợp luân lý. Cũng vậy, chỉ riêng bản thân luân lý và cùng với nó, chỉ có sự xứng đáng được hạnh phúc cũng chưa phải là sự Thiện hoàn hảo (PPLTTT A 813/ B 841). Câu trả lời cho câu hỏi quan tâm thứ hai của lý tính - “Tôi phải làm gì?” - là “làm cho mình xứng đáng được hạnh phúc”, và câu trả lời cho câu hỏi thứ ba - “Tôi có thể hy vọng gì?” - là “hy vọng được dự phần vào hạnh phúc”. Kant kết luận rằng: “Hạnh phúc... có tỉ lệ hoàn toàn ngang bằng với luân lý nổi hữu thể có lý tính nào đã làm cho mình xứng đáng được hạnh phúc mới là cái duy nhất tạo nên sự Thiện-tối cao của thế giới” (PPLTTT A 814/ B 842) và xem thực tại của sự thống nhất này như được đặt cơ sở trên “định đề” về một “sự Thiện Tối cao-nguyên thủy”, khả niệm.
Như Huy dịch