Hạnh phúc [Hy Lạp: eudaimonia; Latinh: felidtas; Đức: Glückseligkeit; Anh: happiness]
Xem thêm: Tự trị, Tự do, Thiện, Thiện tối cao, Hy vọng, Vui sướng,
Trong tác phẩm Đạo đức học Nicomachus, Aristoteles khám phá rằng “sự thiện-tối cao” hay “mục đích tối hậu” của hành động con người - tức “điều gì đó là tối hậu và tự đầy đủ, và là mục đích của hành động” (Aristoteles, 1941, 1097b, 22) - chính là hạnh phúc. Nghiên cứu của ông về hạnh phúc có sự cân đối đáng ngưỡng mộ: hạnh phúc hoàn hảo cốt yếu ở việc hướng dẫn đời sống biết trầm tư, song không loại trừ các khía cạnh khác của cuộc sống thiện hảo như lòng can đảm, tính hào phóng và sự vui sướng (nt, 1178a-1179). Tuy nhiên, quan niệm cân đối của Aristoteles về hạnh phúc dần dần đã bị biến đổi bởi sự phân biệt kiểu Platon giữa hạnh phúc và sự tự đầy đủ của tinh thần và linh hồn với những sự vui sướng của thể xác. Trong tác phẩm của Aquinas, sự phân biệt này thể hiện dưới hình thức [phân biệt giữa] kinh nghiệm khách quan về beatitudo (thiên phúc /blessed happiness) và kinh nghiệm chủ quan, ít được ưa chuộng hơn, về eudaimonia [hạnh phúc/sung sướng]. Descartes hầu như giữ vững sự phân biệt này. Với Descartes, hạnh phúc (bonheur) “chỉ phụ thuộc vào các sự vật bên ngoài”, đối lập với thiên phúc (beatitude) là “một sự hoàn toàn hài lòng của tâm trí và sự thỏa mãn bên trong” (thư gửi Elizabeth, 4 tháng 8 năm 1645, Descartes, 1981, tr. 164). Kant duy trì sự phân biệt này trong một hình thức đã sửa đổi, trong đó, hạnh phúc khách quan nảy sinh từ hành động tự trị và tự do, còn hạnh phúc chủ quan nảy sinh từ tình cảm dị trị (heteronomous) của sự vui sướng và hài lòng.
Sự đối lập giữa hạnh phúc và tự do là xuyên suốt trong bàn luận của Kant về hạnh phúc. Sự đối lập này được thấy rõ nhất trong sự phân biệt, trong cuốn SHHĐ, giữa “eidaimonism (nguyên tắc của hạnh phúc)” và “eleutheronomy” (nguyên tắc của sự tự do ban bố quy luật bên trong), đi kèm với yêu sách rằng nếu cái trước được cho là nguyên tắc cơ bản của hành động, thì hẳn sẽ dẫn đến “euthanasia [cái chết êm ái] của mọi đức lý” (SHHĐL tr. 378, tr. 183). Kant giải quyết sự phản bác của thuyết duy hạnh phúc [eudaimonist] đối với nghiên cứu của ông về nghĩa vụ, [sự phản bác ấy] yêu sách rằng phải theo đuổi nghĩa vụ vì có sự vui sướng nảy sinh từ việc thực hiện nghĩa vụ, bằng cách trả lời rằng trong khi việc tuân thủ quy luật [luân lý] có thể gây ra sự vui sướng, thì sự vui sướng không thể đi trước như một cơ sở động lực được. Sự vui sướng đi trước nghĩa vụ hoặc sự tuân thủ quy luật “phụ thuộc trên phương diện cảm tính” vào trật tự tự nhiên và là bộ phận của trật tự tự nhiên, trong khi sự vui sướng đến sau nghĩa vụ lại được đặt cơ sở trên sự tự do khả giác và là bộ phận của trật tự luân lý. Sự phân biệt giữa hai nghiên cứu về việc tuân thủ quy luật có một số hệ luận đã được trình bày đầy đủ, xuyên suốt triết học thực hành của Kant.
Sự đối lập giữa eudaimonia và eỉeutheronomy được phát triển thành một loạt các hệ luận tất yếu gắn kết. Hệ luận đầu tiên và đã được đề cập ở trên là sự phân biệt giữa trật tự tự nhiên và trật tự luân lý: trật tự tự nhiên là vương quốc của tính nhân quả, xu hướng và tính dị trị; trật tự luân lý là vương quốc của tự do, sự tự-quy định và tự trị (SHHĐ tr. 216, tr. 44). Các nguyên tắc được đặt cơ sở trên hạnh phúc và tính dị trị là có tính chất liệu, chủ quan và bộ phận, đối lập với các nguyên tắc được đặt cơ sở trên sự tự do và tự trị, là những gì có tính mô thức và phổ quát (CSSĐ tr. 442, tr. 46). Ý niệm về sự thiện như là sự hạnh phúc, do bởi [sự kiện là] nó có nhiều sự thiện tiềm năng, là không xác định; trong khi đó, ý niệm về sự thiện như là tự do lại được tập trung và có tính xác định (PPNLPĐ §83). Việc mưu cầu hạnh phúc chỉ quy định ý chí một cách gián tiếp; nhà duy hạnh phúc [eudaimonist] thực hiện nghĩa vụ “chỉ bởi sự hạnh phúc mà họ đã thấy trước”, trong khi nghĩa vụ lại quy định ý chí một cách trực tiếp, và không hướng đến bất kỳ mục đích nào nằm ngoài bản thân nó (SHHĐL tr. 377, tr. 183). Do đó, các mệnh lệnh có liên quan với sự mưu cầu hạnh phúc là “những lời khuyên của sự khôn ngoan” có tính giả thiết, có điều kiện, dựa theo việc “người này hoặc người kia xem cái này hoặc cái kia là thuộc về hạnh phúc”, trong khi các mệnh lệnh của quy luật của tự do là những mệnh lệnh nhất quyết và vô-điều kiện” (CSSĐ tr. 146, tr. 26). Hình thức lập luận tương phản này dẫn đến mệnh đề có tính áp đặt trong cuốn LSPQ rằng: nhân loại “không được thụ hưởng sự hoàn hảo hay hạnh phúc nào khác ngoài sự hạnh phúc mà họ đã đạt được cho chính họ bằng chính lý tính của họ chứ không đi theo bản năng” (tr. 19, tr. 43).
Tuy nhiên trong khi loại khỏi hạnh phúc mọi vai trò trong việc quyết định hành động của ý chí, Kant lại xem nó như một phương diện sống còn cho sự thiện-tối cao của con người. Tại một điểm trong cuốn PPLTTT, ông giả định rằng hạnh phúc sẽ tự động nảy sinh theo sau sự tự do: “Tổ/ không nói vê hạnh phúc tối đa vì hạnh phúc chỉ là kết quả đương nhiên của tự do” (PPLTTT B 373). Ở đây hiến pháp vốn cho phép có sự tự do tối đa được mô tả như là một ý tưởng cần thiết cho sự tiến bộ của con người, một sự tiến bộ sẽ mang lại hạnh phúc; tuy nhiên, trong PPNLPĐ chính hạnh phúc lại là “ý tưởng [đơn thuần] vê một trạng thái mà con người muốn làm cho trạng thái ấy tương ứng hoàn toàn với Ỷ tưởng trong những điêu kiện đơn thuẫn thường nghiệm” (§83). Kant đã hòa giải một cách tiềm năng các bên của sự đối lập này trong PPLTTT qua việc trả lời trước ba câu hỏi mà lý tính quan tâm: “I. Tôi có thể biết gì?, 2. Tôi phải làm gì?, 3.TÔĨ có thể hy vọng gì?” (PPLTTT A 804/B 832). Tuy nhiên, hạnh phúc được nêu ra trong những câu trả lời này không phải là một trạng thái đã đạt được, mà là sự xứng đáng được hưởng hạnh phúc. Sự Thiện-tối cao cốt yếu cả ở việc xứng đáng được hạnh phúc hay “luân lý” lẫn ở hạnh phúc hiện thực - hạnh phúc này mà không có hạnh phúc kia thì sẽ là có tính bộ phận và không đầy đủ. Tiêu biểu là với Kant, hạnh phúc bị loại ra khỏi sự quy định của hành động luân lý chỉ là để quay trở lại như sự đồng hành không thể thiếu được của hạnh phúc trong sự Thiện-tối cao.
Như Huy dịch