Đam mê [Đức: Leidenschaft; Anh: passion]
Xem thêm: Kích động, xấu (cái), Tự do (sự), Xu hướng, Tình dục,
Kant mô tả sự dam mê như là “khối u ung thư nan y đối với lý tính thuần túy thực hành”, là cái “tiền giả định một châm ngôn của chủ thể, đó là hành động dựa theo một mục đích được ấn định... bởi xu hướng” (NH §181). Trong TG và NVH, Kant trình bày một phả hệ của những kích động, cho thấy những dam mê hình thành như thế nào. Kant bắt đầu với thiên hướng (Hang/propensity) nghiêng về một sự hài lòng [delight] đặc thù được dẫn dắt bởi bản năng (TG tr. 28, tr. 24), là cái “đi trước sự hình dung về đối tượng của nó” (A §80); khi thiên hướng ấy được nuông chiều thì nó “gợi lên trong chủ thể một xu hướng(Neigung/inclination) đến với nó” (TG tr. 28, tr. 29). Sự dam mê theo sau sự gia tăng một xu hướng như là từ bỏ “sự làm chủ bản thân” (sđd) và nâng cao đối tượng của xu hướng lên cưong vị là đối tượng của một châm ngôn của ý chí. Những dam mê, do đó, được phân biệt với những kích động (Affekte/affects), là những cái được khuấy động lên và tàn lụi đi một cách nhanh chóng, bởi lẽ những đam mê là “những xu hướng kéo dài” mà trên đó tâm thức hình thành nên những nguyên tắc. Khi đối tượng của một đam mê đi ngược với quy luật [luân lý] thì việc chấp nhận nó thành một châm ngôn cho ý chí là [hành vi] xấu, và kết quả là thói hư tật xấu. Trong NVH, Kant phân biệt rõ hon những đam mê bẩm sinh của “xu hướng tự nhiên” với những đam mê được sở đắc “nảy sinh từ nền văn hóa của nhân loại”. Cái trước gồm “những đam mê cháy bỏng” đối với sự tự do và tính dục, trong khi cái sau bao gồm những “dam mê lạnh lùng” như là: tham vọng, thèm khát quyền lực và tham lam.
Trần Thị Ngân Hà dịch