Lý thuyết phê phán [Đức: Kritische Theorie; Anh: Critical theory]
Cách tiếp cận trong phân tích xã hội nhằm đưa ra đánh giá chính trị về xã hội, và dẫn hướng việc thực hành chính trị. Thuật ngữ này do nhà tư tưởng trường phái Frankfurt/Frankfurt School Max Horkheimer đặt ra vào những năm 1930 (Horkheimer, 1972, tr. 188–243), và được Habermas sử dụng trong Knowledge and Human Interests (1971a, tr. 187–300/ Nhận thức và những lợi ích hay quan tâm của con người và với một chút nhấn mạnh khác trong The Theory of Communicative Action (1987, tr. 374–403)/ Lý thuyết về hành động giao tiếp.
Horkheimer phân biệt lý thuyết phê phán với cái mà ông gọi là ‘lý thuyết truyền thống’. Lý thuyết truyền thống là hình mẫu tiêu biểu của những giả định cơ bản vốn đã chiếm ưu thế trong nghiên cứu khoa học và cả triết học từ thế kỷ XVII. Lý thuyết truyền thống giả định rằng có thể và thực sự cần thiết phải phát triển những phương pháp nhằm đạt được tri thức có giá trị cho mọi thời điểm và mọi nơi chốn, và luôn có giá trị bất kể chủ đề nghiên cứu. Điều này dẫn tới chỗ cực kỳ quan trọng rằng những phương pháp của khoa học đích thực là tương tự nhau bất kể ai là người thực hiện nghiên cứu, cũng như bất kể thời gian và địa điểm nghiên cứu. Do đó, nó tiền giả định rằng chủ đề nghiên cứu tồn tại hoàn toàn độc lập với nhà khoa học, và phương pháp tốt sẽ thực hiện là phương pháp loại bỏ bất kỳ ý tưởng mang phong cách riêng hay chủ quan, cảm xúc hay các giá trị có thể làm đảo lộn và bóp méo tri giác và nhận thức của nhà khoa học. Kết quả cuối cùng của việc áp dụng phương pháp này là chân lý khách quan—‘khách quan’ theo nghĩa nó xác định lối đi, và đối tượng được nghiên cứu sẽ là lối đi này.
Trong khi điều này nghe có vẻ quá tốt và hay (và thực sự, ở mức độ nhất định, Habermas đồng cảm với những khát vọng của lý thuyết truyền thống), Horkheimer phê phán cách tiếp cận ấy vì nó không biết tới bản tính lịch sử xuyên suốt của sự tri giác và nhận thức. Con người, ngay cả khi là những nhà khoa học, không tồn tại trong khoảng chân không văn hoá. Họ thấm nhuần những giá trị của thời đại mình, và đến với những nhận thức bắt nguồn từ lịch sử phát triển của nền khoa học của mình. Hơn nữa, họ phản ứng một cách đặc thù với những vấn đề mà thế giới thực đặt ra cho họ. Trong khi có thể có những giá trị và quan điểm nhất định mà một nhà khoa học thực thụ phải tự mình thoát ra (và Habermas đưa ra ví dụ về di truyền học Stalin [1971a, tr. 315]), nhưng nhà khoa học không thể giải phóng bản thân khỏi tất cả các giá trị và định kiến của mình. Như cách nói của Habermas, không thể có cái gọi là ‘lý thuyết thuần tuý’ nào cả (1971a, tr. 302). Vì thế, Horkheimer cho rằng, cả khả thể lẫn hạn chế của tư tưởng và hiểu biết của con người đều được cấu thành một cách lịch sử. Do đó, không thể có tri thức khách quan theo mong muốn của các triết gia và khoa học gia truyền thống, bởi chính những phạm trù mà nhà khoa học sử dụng để tổ chức và diễn đạt tri thức được định hình bởi sức ép chính trị và văn hoá của xã hội nơi chúng được phát biểu. Tri thức, vì thế, luôn luôn mang nặng tính định giá chủ quan và ở mức độ nào đó, đối tượng được nghiên cứu là sự kiến tạo của nhà khoa học. Vì thế, nhiệm vụ của lý thuyết phê phán trở thành nhiệm vụ phải nhận thức được về những điều kiện này, và quan trọng là phải nhận diện những giá trị chính trị xâm nhập sâu vào suy nghĩ và nhận thức của nhà khoa học. Với Horkheimer, việc sử dụng ‘lý thuyết phê phán’ được xem như đồng nghĩa với ‘chủ nghĩa Marx/Marxism’, vì nhiệm vụ của lý thuyết gia phê phán là nhận diện cách thức những giá trị phục vụ cho sự tái sản xuất những bất công của chủ nghĩa tư bản/capitalism ảnh hưởng đến công trình của họ và của những người khác.
Đây hầu như là quan niệm được Habermas trình bày trong Knowledge and Human Interests /Tri thức và những lợi ích hay quan tâm của con người, mặc dù cách nhìn của Habermas được hỗ trợ bởi sự hiểu biết tinh tế hơn về bản chất của cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Trong khi Horkheimer làm việc với sự phân đôi đơn giản, thì Habermas đề xuất rằng, thực tế có ba loại khoa học: khoa học tự nhiên, khoa học văn hoá hay xã hội, và lý thuyết phê phán. Mỗi khoa học có phương pháp luận riêng biệt. Phương pháp luận của khoa học tự nhiên gần gũi nhất với lý thuyết truyền thống của Horkheimer, trong đó có giả định về thế giới độc lập được nghiên cứu. Trong khi Habermas cùng chia sẻ với Horkheimer mối lo ngại rằng cách hiểu thực chứng/positivist nhất định của các nhà khoa học có thể khiến họ bị che mắt trước những giá trị chính trị và kinh tế xâm nhập và định hình nghiên cứu của họ, thì việc Habermas viện dẫn thuyết dụng hành/pragmatism của Charles Peirce cung cấp cho ông thêm nhiều nghiên cứu tinh tế hơn về bản chất của phương pháp khoa học tự nhiên hoàn hảo. Thuyết dụng hành cho phép nhà khoa học nhìn nhận mình dự phần vào dự án nghiên cứu đang tiến hành, dự phần vào lịch sử và văn hoá định hình nên dự án nghiên cứu, mà không hoàn toàn bỏ rơi ý tưởng về tri thức khách quan (mặc dù, bất cứ yêu sách nào về tri thức của nhà khoa học đều cần được xem chỉ như những giả thuyết, được chấp nhận khi chúng làm việc và dẫn tới công nghệ hiệu quả, tuy nhiên bị phế bỏ ngay nếu chúng không còn giúp tạo ra sự can thiệp thực tế vào thế giới vật chất).
Trái lại, các khoa học xã hội và thông diễn/hermeneutics nhìn nhận rằng các khoa học này gắn liền với đối tượng mà không hoàn toàn tách rời khỏi chúng. Nhà khoa học xã hội vừa là một phần của xã hội mà mình nghiên cứu, vừa dựa trên những kỹ năng diễn giải mà họ sử dụng hàng ngày với tư cách thành viên có thẩm quyền của xã hội để tạo ra ý nghĩa cho những tài liệu mà họ đang nghiên cứu. Tóm lại, nhà khoa học xã hội cố gắng để hiểu ý nghĩa của những hành động và lời nói của những người khác. Để làm được việc này nhà khoa học xã hội phải đưa những giả định của bản thân mình về thế giới xã hội vào nghiên cứu khoa học. Những giả định đó sẽ định hình sự diễn giải nhà khoa học tạo ra, cùng lúc đó, sự diễn giải này có thể thách thức ngược lại những giả định. Với Habermas, vấn đề với mô hình thông diễn này là nó cho rằng mọi giao tiếp của con người là minh bạch. Tức là, nếu ta dự phần đủ về những giả định văn hoá và kỹ năng ngôn ngữ của người mà ta nghiên cứu, ta sẽ có thể hiểu được họ. Lý thuyết phê phán thách thức chính giả định này.
Habermas đề xuất tâm phân học, cũng như chủ nghĩa Marx, là những hình mẫu cho lý thuyết phê phán. Nhà tâm phân học phải đối mặt với người bệnh với những triệu chứng thể chất hay tâm thần không có nguồn gốc vật lý. Nguồn gốc này vì thế phải ẩn trong hành động của bản thân người bệnh, tức là người bệnh đang áp đặt những triệu chứng lên chính bản thân mình. Tuy vậy, người bệnh không nhận thức được điều này. Quá trình điều trị tâm lý, do đó, phải cố gắng tìm ra vết tích triệu chứng ẩn sau chấn thương tâm lý nào đó mà bệnh nhân không thể liên hệ một cách có ý thức. Trí nhớ bị dồn ép, nhưng nó không biểu hiện thành triệu chứng. Điều quan trọng, triệu chứng là biểu tượng của sự kiện gốc. Nó nói về sự kiện, như nó là, với một ngôn ngữ riêng, cắt đứt với giao tiếp công cộng là mối quan tâm của nhà thông diễn học. Lý thuyết phê phán, do vậy, trở thành hỗn hợp của khoa học tự nhiên và khoa học thông diễn. Đối tượng của nó là những gì xuất hiện tự nhiên. Phương pháp luận của nó là phương pháp luận về sự diễn giải, mặc dù thông qua việc xây dựng lại bằng ngôn ngữ riêng.
Trong xã hội học, phương pháp luận này gọi là phê phán ý hệ/ideology critique.ix Một lần nữa, xã hội, mà kỳ cùng phải là sản phẩm của hành động của con người, nhưng lại đối mặt với các thành viên của nó như thể là một cái gì đó tự nhiên. Hoạt động của nền kinh tế cung cấp một ví dụ điển hình cho điều này, khi quy luật của sự trao đổi kinh tế tỏ vẻ như có tính khách quan như định luật hấp dẫn (xem reification/vật hoá). Lý thuyết truyền thống trong phạm vi khoa học xã hội sẽ thất bại trong việc nhìn xuyên qua ảo tưởng về sự tự nhiên, và nỗ lực giải thích hiện tượng xã hội như thể chúng là tự nhiên, khiến nó đưa ra những giải thích liên kết các hiện tượng xã hội đa dạng với nhau thông qua quan hệ nhân quả - và do đó, chẳng hạn, nhà kinh tế có thể liên kết những thay đổi về tỷ lệ lãi suất với thay đổi về mức độ việc làm, mà không cần xem xét ý nghĩa mà các tác nhân thực tế mang lại cho những hiện tượng này, và vì thế, không xét đến các tiến trình tự do và sáng tạo thực tế mà những những người bình thường mang lại sự thay đổi này. Khoa học xã hội truyền thống, tiếp tục mù quáng trước các giá trị tư bản chủ nghĩa đã định hình nên nó, chỉ phục vụ việc tái tạo và duy trì hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà không bao giờ thách thức hoặc phơi bày bản chất bóc lột của nó.
Trong những tác phẩm hậu kỳ, Habermas dần dần từ bỏ mô hình này. Điều này một phần là do có sự dịch chuyển cơ bản khỏi vấn đề mà Horkheimer đặt ra. Horkheimer quan tâm tới cách thức mà các giá trị văn hoá và chính trị của các nhà khoa học phục vụ cho việc cấu thành đối tượng nghiên cứu, tức là, nhờ vào các tiền giả định văn hoá, nhà khoa học định trước đối tượng bằng các loại khái niệm và ý tưởng nhất định. Lý thuyết về lợi ích hay các mối quan tâm của nhận thức của Habermas mang dư âm câu hỏi về sự cấu thành này. Tuy nhiên, ông cho rằng ba loại khoa học khác nhau (khoa học tự nhiên, thông diễn học và lý thuyết phê phán) thiết lập nên những đối tượng của chúng theo những cách khác nhau vì mỗi loại được hướng dẫn bởi một lợi ích hay sự quan tâm khác nhau (đó là: trong việc điều khiển giới tự nhiên; trong việc hiểu và sự giao tiếp; và trong sự giải phóng/emancipation chính trị). Habermas đi đến việc coi đây là một thiếu sót của lý thuyết của ông. Nó tập trung quá nhiều vào cách đối tượng được cấu thành, và quá ít vào cách chân lý/truth của một lý thuyết khoa học hay giả thuyết được thẩm tra và chứng minh là đúng (1971a: 360-1). Vì vậy, Habermas bắt đầu phát triển một lý thuyết giải thích cách yêu sách chân lý, sự thiện đạo đức và chính trị được biện minh – đây là nghiên cứu của ông về yêu sách về giá trị hiệu lực/validity claims, được đặt nền móng trong thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics.
Tất cả điều này bắt đầu chuyển dịch cách hiểu thế nào là lý thuyết phê phán. Ý tưởng cho rằng lý thuyết phê phán có lẽ phải hướng dẫn hành động chính trị không bao giờ biến mất, nhưng mô hình phê phán ý hệ sớm bị từ bỏ. Cái thay thế vị trí của nó, một mặt là lý thuyết đạo đức, chính trị và pháp lý khám phá cách thức yêu sách thực thi quyền lực/power được hợp thức hoá/legitimated. Điều này trở thành vấn đề, không phải làm sáng tỏ những xuyên tạc mang tính ý hệ, mà đúng hơn là xem xét việc các bên liên quan đã bị loại khỏi quá trình tranh luận hợp lý tính như thế nào để biện minh cho quyết định chính trị và pháp lý, và vì thế trở thành vấn đề thực thi quyền lực (xem: đạo đức học diễn ngôn/discourse ethics và pháp luật/law).
Mặt khác, chính mô hình mới về xã hội đã gợi ý cho nỗ lực nói trên nhằm mang lại một nghiên cứu mới về vấn đề “vật hoá”. Habermas phát triển những quan niệm về thế giới đời sống/lifeworld và hệ thống/system để khám phá sự giằng co giữa thế giới đời thường phong phú và đầy ý nghĩa (và do đó, chủ yếu là thế giới được những nhà thông diễn học nghiên cứu và những người bình thường trải nghiệm), và xã hội đối đầu với con người như một cái gì đó khách quan và tự nhiên. Bây giờ Habermas nhấn mạnh tầm quan trọng và sự tất yếu của khía cạnh khách quan (hay tính hệ thống) của xã hội. Không có nó, các hoạt động xã hội phức tạp sẽ không thể được tổ chức. Tuy nhiên, việc bành trướng của các hệ thống (chẳng hạn như bộ máy quan liêu và các định chế kinh tế) là có vấn đề. Trước hết, cam kết của Habermas với câu hỏi về tính chính đáng giả định trước cho ông việc sử dụng hiệu quả lý tính giao tiếp. Nghĩa là những người bình thường phải có khả năng tham gia vào các cuộc thảo luận để đặt câu hỏi và biện minh cho quan điểm và hành động chính trị. Hệ thống, tuy nhiên, lại hoạt động một cách công cụ, chứ không phải giao tiếp. Nói thẳng thừng, chúng là những công cụ được thiết kế để thực hiện những mục đích nhất định. Chúng có thể được đánh giá bằng tính hiệu quả công cụ, nhưng chúng vẫn giữ sự vô cảm với những câu hỏi về giá trị của những mục đích mà chúng phục vụ. Như vậy, thứ hai là chúng còn bắt đầu có một cuộc sống của riêng mình. Khi chúng tăng độ phức tạp, chúng không còn đơn giản là phương tiện cho mục đích mong muốn (và như vậy, một số thứ có thể bị huỷ bỏ khi nhiệm vụ của nó đã được hoàn tất). Chúng trở thành những mục đích tự thân, ngày càng xâm nhập vào và hạn chế đời sống hàng ngày. Đời sống càng ngày càng bị sống trong các quy tắc công cụ của hệ thống. Đây là hiện tượng được Habermas khám phá trong nghiên cứu của ông về sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld.
Như vậy, bây giờ lý thuyết phê phán liên quan đến việc khám phá những gì Habermas nhận diện như là "bệnh lý" xảy ra thông qua sự mở rộng không thể tránh khỏi của tổ chức có tính hệ thống trong các xã hội phức tạp, và đồng thời là sự xói mòn phạm vi của giao tiếp và thảo luận phê phán. Bệnh lý bao gồm sự mất ý nghĩa/meaning của đời sống xã hội hàng ngày, dần dần phá hoại giá trị đạo đức và các giá trị khác, và chứng tự kỷ tâm lý (Habermas, 1987, tr. 143). Nhiệm vụ của lý thuyết phê phán là tìm kiếm sự can thiệp thực tế có thể chống lại và đảo ngược những bệnh lý như vậy, và trên hết là để bảo vệ vai trò của lý tính giao tiếp trong thế giới xã hội, mà do tổ chức có tính hệ thống của nó, đang ngày càng bị giới hạn vào phạm vi của lý luận công cụ/instrumental reasoning, ức chế tư tưởng chính trị phê phán. Như một kết luận ngoài lề, có thể ghi chú rằng, qua cảm hứng này, Habermas thể hiện một sự liên tục với mối quan tâm trước đó của ông về quyết định luận/decisionism, và nỗi sợ hãi trường kỳ về việc sử dụng không đúng chỗ lý tính công cụ luôn luôn là một động lực nền tảng trong công trình của ông.
Đọc thêm: Held, 1980; Geus, 1981; Benhabib, 1986; Wiggershaus, 1994