Hiện tượng học [Đức: Phänomenologie; Anh: phenomenology]
Chữ Phänomenologie phát sinh từ sự kết hợp của hai chữ Hy Tạp: logos (“ngôn từ, lý tính, học thuyết, lý thuyết”, v.v.) và phainomenon (HIỆN TƯỢNG); từ này du nhập vào tiếng Đức từ thế kỷ XVII thành chữ Phänomen. Từ Hy Tạp phainomenon và động từ tương ứng với nó, phainesthai, đều là những từ có nghĩa hàm hồ: (1) “hiện tượng”, “xuất hiện”, tương phản với cái đang tồn tại thật; (2) “cái nhìn thấy rõ rệt”, “hiện ra rõ rệt”, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa ẩn dụ. Vì thế, Phänomenologie là nghiên cứu về các hiện tượng theo một trong hai nghĩa trên đây.
Chữ này xuất hiện lần đầu tiên trong NO của J. H. Lambert. Công trình này gồm 4 phần: (1) Dianoologie hay học thuyết về các quy luật của tư duy; (2) Alethiologie hay học thuyết về chân lý trong chừng mực chân lý này đối lập với sai lầm; (3) Semiotik hay học thuyết về sự biểu thị các tư tưởng và sự vật; (4) Phänomenologie hay học thuyết về hiện tượng (Schein). Mục đích của Phänomenologie là “tránh hiện tượng/ảo tượng (Schein) để thâm nhập vào chân lý”. Nhưng Schein không đơn thuần là sự sai lầm: nó là cái trung gian giữa CHÂN LÝ và sai lầm. Vì thế, quang học phát hiện ra các quy luật xa gần cho phép ta, từ Schein mà ta thấy nơi sự vật, xác định bản tính đúng thật của sự vật, và ngược lại, từ bản tính của sự vật, xác định cái sẽ là Schein của nó từ một viễn tượng nào đó. Các phương pháp làm việc của môn quang học có thể được khái quát hóa để bao quát toàn bộ phạm vi của Scheine: cảm giác, tâm lý, luân lý, cái có lẽ đúng (das Wahrscheinliche, nghĩa đen là “tựa như thật, có vẻ thật”), v.v. Phänomenologie, vì thế, là môn “quang học siêu việt” (“transcendent optics”): nó phát hiện ra “viễn tượng siêu việt” qua đó mỗi một loại hình Schein được quan hệ với chân lý và vì thế cho phép ta xác định chân lý từ cái Schein. Kết quả của điều này sẽ không phải là thông tin rời rạc mà là một hệ thống nhận thức khoa học hoàn chỉnh.
Herder đánh giá cao hiện tượng học của Lambert và nhìn thấy trước một hiện tượng học mỹ học: “Vì cái đẹp có thể nhìn thấy chẳng qua chỉ là hiện tượng (Erscheinung), nên cũng có một môn khoa học lớn và hoàn chỉnh về hiện tượng này, đó là hiện tượng học mỹ học đang chờ đợi một Lambert thứ hai” (Kritische Wälder (Critical Woods), IV, 1769). Côngtrình này không được xuất bản trước năm 1846, nhưng lại đề cập đến “hiện tượng học về cái đẹp” xuất hiện ở nhiều chỗ khác trong các tác phẩm của ông. Các nghiên cứu hiện tượng học của ông về thị giác, thính giác và xúc giác, trong quan hệ với hội họa, âm nhạc và điêu khắc, báo trước những phần trong MH, nhưng ít liên quan đến HTHTT.
SHHTN của Kant gồm bốn phần: Chuyển động học (Phoronomie), Động lực học (Dynamik), Cơ học (Mechanik) và Hiện tượng học (Phänomenologie). Hiện tượng học xem “sự chuyển động và đứng im chỉ trong quan hệ với phương cách của biểu tượng hay tình thái (modality), vì thế như là một hiện tượng của các giác quan bên ngoài”. Vì thế hiện tượng học của Kant có phạm vi hẹp hơn nhiều so với hiện tượng học của Lambert và của Hegel. Nhưng, những lá thư Kant gửi cho Lambert cho thấy rằng ban đầu ông dự tính viết một công trình về hiện tượng học theo nghĩa của Lambert: “Có vẻ như siêu hình học phải được đi trước bởi một môn khoa học hoàn toàn khác nhưng đơn thuần mang tính phủ định [tiêu cực] (Phaenomenologia generalis/Hiện tượng học tổng quát), chính môn này sẽ quy định giá trị hiệu lực và các giới hạn của các nguyên tắc của cảm năng, sao cho chúng không làm lẫn lộn các phán đoán về các đối tượng của lý tính thuần túy” (ngày 2 tháng 9 năm 1770). Trong một lá thư gửi cho Herz, Kant lên kế hoạch của công trình có nhan đề là Những giới hạn của cảm năng và lý tính, tiểu mục đầu tiên là Die phaenomenologie überhaupt (Hiện tượng học nói chung) (ngày 21 tháng 2 năm 1772). Công trình này không thực hiện được, nhưng PPLTTT chứa đựng các yếu tố của một công việc hiện tượng học trong phần “Cảm năng học siêu nghiệm” (bàn về hiện tượng cảm tính (Erscheinung)) và trong phần “Biện chứng pháp siêu nghiệm” (bàn về “ảo tượng (Schein) siêu nghiệm”). Ở BKTIII §415, Hegel cho rằng Kant trình bày một hiện tượng học về tinh thần, chứ không phải triết học về tinh thần, nhưng vì lý do hoàn toàn khác mà Kant xét cái Tôi trong quan hệ với một VẬT Tự THÂN độc lập.
Trong công trình Wissenschaftslehre (Học thuyết khoa học, 1804), Fichte cũng gợi ý rằng “Phänomenologie, học thuyết về hiện tượng và ảo tượng” (Erscheinungs- und Scheinlehre), cần phải được bổ sung cho Wissenschaftslehre. Wissenschaftslehre cho thấy rằng Ý THỨC là “sự kiện nguyên thủy” (Urfaktum) và là nguồn suối của bất cứ thứ gì mang tính sự kiện (Faktischen)”. Ngược lại, Phänomenologie sẽ rút ra từ ý thức cái mang tính sự kiện, tức cái xuất hiện ra (một cách ảo tượng) như là khác với ý thức.
Hegel chỉ nhắc tới Lambert để lấy làm tiếc về những đóng góp (thực sự đáng kể) của ông cho môn Lô-gíc học biểu trưng, nhưng chắc chắn là Hegel biết đến CCM, và cũng quan tâm đến quan hệ thư từ của Kant với Lambert, được xuất bản vào năm 1786. Hegel gắn Phänomenologie với “hiện tượng” (Erscheinung), chứ không phải với ảo tượng (Schein) và với “TINH THẦN”. “Hiện tượng học Tinh thần” là tương đương với “học thuyết về các hiện tượng của tinh thần”. Nhưng lối diễn đạt này có nhiều hơn một nghĩa duy nhất:
1. Tinh thần xuất hiện ra (hay “đi tới”) trong chừng mực nó là ý thức về một ĐỐI TƯỢNG khác với bản thân nó. Theo nghĩa này, Phänomenologie tương phản với Anthropologie, khoa học nghiên cứu về LINH HỒN khép kín trong chính mình, chứ chưa phải là ý thức về các đối tượng bên ngoài, và với Psychologie, khoa học nghiên cứu về tinh thần như là nó đang tồn tại một cách nội tại hay Tự MÌNH VÀ CHO MÌNH, không xét đến các mối quan hệ của nó với các đối tượng.
2. Nhưng tinh thần - với tính cách là ý thức hay với tính cách là đang xuất hiện ra - không đơn thuần là một pha [hay mô-men] của tinh thần, hay một cách thức trong đó tinh thần được quan sát. Nó cũng bao hàm cả ảo tượng, ở chỗ tinh thần phóng chiếu vào những đối tượng những gì trên thực tế là việc làm của chính tinh thần. Các loại hình đối tượng khu biệt mà nó gặp và việc nó nâng mình từ loại hình này lên loại hình kế tiếp là do các đặc điểm nội tại của bản thân tinh thần, nhưng nó xem chúng là các đặc điểm của đối tượng. Vì thế, ý thức về đối tượng không những không phải là phương cách quan Sữttinh thần ở mức cao nhất; nó không phải là giai đoạn cao nhất của tinh thần, mà là giai đoạn nó phải vượt bỏ. (Một lối quan sát tinh thần như tâm lý học, tự nó là một giai đoạn của tinh thần: bản thân tinh thần phải tiến lên nếu nó muốn quan sát chính mình theo một cách tiến bộ hơn).
3. Nhưng HTHTT không chỉ bàn đến ảo tượng phổ biến bao hàm trong ý thức xét như là ý thức, mà còn bàn đến khả thể rằng bất cứ “hình thái ý thức” đã cho nào cũng đều là ảo tượng, rằng các đối tượng ý hướng của nó hay quan niệm của nó về các đối tượng có thể không tương ứng với các đối tượng hiện thực. Giống như Lambert, Hegel đề xuất cách giải quyết vấn đề này không phải bằng cách xét mối quan hệ giữa hiện tượng và đối tượng hiện thực, mà bằng một sự khảo sát bên trong của từng hình thái ý thức và của phưong cách trong đó những sự khiếm khuyết nội tại biến nó thành một hình thái ý thức khác. Hegel và Lambert có chung mục đích là đạt tới chân lý bằng con đường của hiện tượng. Nhưng trong khi ở Lambert, chân lý hay sai lầm của hiện tượng nằm trong mối quan hệ của nó với một đối tượng khác với nó, thì ở Hegel điều đó lại nằm bên trong bản thân hiện tượng, và chân lý là cái ta có thể đạt được bằng cách khảo sát sự sụp đổ của mỗi hiện tượng thành cái tiếp theo của nó (cái chân lý hay sự thật kế cận của nó) cho đến khi chúng ta đạt đến TRI THỨC tuyệt đối, trong đó các hiện tượng và các khiếm khuyết nội tại của chúng đều bị THẢI HỒI.
4. Vì thế, hiện tượng của tinh thần không đon giản là ý thức của nó về một đối tượng tại bất cứ giai đoạn nào, mà sự xuất hiện của nó trên sân khấu hay sự xuất hiện của nó là từ những khởi đầu khiêm tốn của nó trong sự XÁC TÍN CẢM TÍNH. “Tinh thần” có nhiều nghĩa: theo nghĩa rộng, nó gồm cả những hình thái Sổ đẳng của ý thức như sự xác tín cảm tính, và theo nghĩa này, Tinh thần là chủ đề của HTHTT từ đầu; theo nghĩa hẹp, Tinh thần chỉ xuất hiện trên sân khấu với ĐỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC liên chủ thể (HTHTT, VI); theo nghĩa hẹp hon nữa, Tinh thần chỉ được hiện thực hóa hoàn toàn khi nó đạt tới “TRI THỨC tuyệt đối” (HTHTT, VIII). Vì thế, tinh thần theo nghĩa rộng hon chỉ là một giai đoạn trong sự xuất hiện ra [như là hiện tượng] của tinh thần (theo nghĩa hẹp hon).
Hegel xem xét hiện tượng học tinh thần không chỉ trong HTHTT, mà còn trong BKTIII. Nhưng, trong BKTIII, nó có phạm vi hẹp hon nhiều so với trong HTHTT, vì chỉ bao quát ý thức và Tự-Ý THỨC (với một chưong ngắn bàn về LÝ TÍNH); bên cạnh việc loại trừ nhân học và tâm lý học, nó cũng loại trừ cả tinh thần khách quan và tinh thần tuyệt đối, vốn xuất hiện (trong một hình thức khác) ở HTHTT. Các bài giảng của Hegel ở Nuremberg (DBTH) cũng giới hạn hiện tượng học vào ý thức và phân biệt nó với tâm lý học, chính trị học, v.v.
Đinh Hồng Phúc dịch