Hoài nghi và Khắc kỷ (thuyết, chủ nghĩa) [Đức: Skeptizismus und Stoizismus/Stoa; Anh: scepticism and stoicism]
Theo quan điểm của Hegel, thuyết khắc kỷ, thuyết Epicur và thuyết hoài nghi là ba khuynh hướng triết học chủ yếu ở Hy Lạp giữa Aristoteles và thuyết Plato-mới. Hegel xem xét thuyết Epicur trong LSTH [Các Bài giảng về Lịch sử Triết học], nhưng xem đó là một học thuyết duy cảm chủ nghĩa, không có tính triết học, thua kém thuyết khắc kỷ và thuyết hoài nghi. Do đó, nó không xuất hiện trong HTHTT, IV. B, nổi thuyết khắc kỷ và thuyết hoài nghi dẫn đến Ý THỨC bất hạnh (Kitô giáo Trung đại). (Karl Marx cố gắng điều chỉnh lại sự bất công này của Hegel đối với thuyết Epicur trong luận án tiến sĩ của ông: Những sự khác biệt giữa Triết học tự nhiên của Democritus và Epicurus, 1841).
1. Thuyết khắc kỷ được Zenon ở Citium (ở đảo Síp) thiết lập vào khoảng năm 300 TCN. Tên này xuất phát từ chữ Stoa poikilẽ, “cổng vòm/ sảnh đường được trang trí” ở Athens nổi Zenon dạy học. Thuyết này kéo dài suốt vài thế kỷ, chia ra làm ba giai đoạn: Khắc kỷ sơ kỳ (nhất là Zenon, Cleanthes và Chrysippus); khắc kỷ trung kỳ (nhất là Panaetius và Posidonius); khắc kỷ hậu kỳ (đặc biệt là Seneca, Epictetus và Marcus Aurelius). Hegel quen thuộc với các nhà khắc kỷ hậu kỳ này hơn, vì các tác phẩm của họ còn lưu lại số lượng lớn, trong khi các giai đoạn sớm hơn chỉ được biết đến từ các bản tường thuật muộn hơn và trong các đoạn rời rạc được trích dẫn. Trong HTHTT, ông rất ấn tượng với việc một nhà khắc kỷ, Epictetus, là một nô lệ (đã được giải phóng), trong khi người khác, Marcus Aurelius, là một hoàng đế (một ông chủ).
Các nhà khắc kỷ tin rằng vũ trụ được ngự trị bởi một logos hay lý tính lan tỏa khắp nơi. Cái này được đồng nhất với ngọn lửa mờ nhạt hơn, hiện diện trong mọi vật trong hình thức thấp kém hơn. (Hầu hết các nhà khắc kỷ tin vào trận đại hỏa hoạn theo chu kỳ và sự tái xuất hiện của thế giới). Linh hồn có lý tính của con người là một phân mảnh của logos thần linh; vậy nên nó có thể biết về cứu cánh tối hậu và tuân theo nó. Đức hạnh và hạnh phúc chỉ cốt tại sự tuân theo ấy. Mọi thứ khác (sức khỏe, của cải, v.v.) là “dửng dưng”, không tốt cũng không xấu. Đạt được trạng thái tinh thần này (apatheia, “bất động tâm”, “thoát ly khỏi cảm xúc, không bị xao động”), và vì thế, sống “phù hợp với tự nhiên” là mục đích của cuộc đời. (Các học thuyết này không ngăn các nhà khắc kỷ nắm giữ chức vụ cao: họ thường xem chính mình là những diễn viên, giữ khoảng cách với vai diễn mà họ vẫn thực hiện tích cực). Các nhà khắc kỷ Hy Lạp, dù mục đích của họ chủ yếu mang tính đạo đức, vẫn đặt đạo đức học của họ trên cơ sở siêu hình học, lô-gíc học, vật lý học và nhận thức luận. (Ý tưởng về một kritẽrion/tiêu chuẩn của chân lý cũng xuất phát từ thuyết khắc kỷ). Nhưng các lĩnh vực này bị làm ngơ dưới thời Đế quốc La Mã, khi thuyết khắc kỷ hầu như trở thành một tôn giáo ngang với triết học.
Trong LSTH, Hegel trình bày các phương diện nhiều tính trí tuệ hơn của thuyết khắc kỷ, nhưng trong HTHTT, ông tập trung vào nỗ lực hành xử với thế giới bên ngoài bằng việc “rút lui vào nội tâm” của thuyết khắc kỷ. Đạo đức học của thuyết khắc kỷ tạo ảnh hưởng liên tục lên các nhà tư tưởng về sau, kể cả Hegel (bất chấp những phê phán của ông). Chẳng hạn, quan niệm của Hegel rằng cái HIỆN THựC là hợp lý tính chịu ơn thuyết khắc kỷ hơn là chủ nghĩa bảo thủ đơn giản. Nhưng những niềm tin, được trình bày trong LSTH, rằng LỊCH sử là “một diễn trường của những sự dam mê” và rằng “không có gì vĩ đại trong thế giới có thể đạt được mà không có sự dam mê” hàm ý một sự phê phán đối với học thuyết apatheia [“bất động tâm”].
2. Thuyết hoài nghi của người Hy Lạp (từ chữ skepsis, “khảo sát, tra vấn, tìm tòi”, chứ không phải là “mất niềm tin” hay “nghi ngờ”) cũng có một lịch sử lâu dài, đại thể là cùng thời với lịch sử của thuyết khắc kỷ. Phong trào này truy nguyên nguồn gốc đến tận Pyrrho ở Elis trong thế kỷ IV TCN, và nguồn tài liệu chính yếu của chúng ta về nó là các tác phẩm của Sextus Empiricus, một bác sĩ và một nhà hoài nghi người Hy Lạp vào thế kỷ III SCN. Các nhà hoài nghi chủ trương nghiên cứu không mang tính giáo điều (skepsis) và tạm gác lại (epochẽ) niềm tin, tương phản với thuyết giáo điều, chẳng hạn, của thuyết Plato và thuyết khắc kỷ. Họ tin rằng Epoche mang lại sự thanh tịnh. (Trong thời đại Hegel, Skeptizismus vẫn tương phản với Dogmatismus (“thuyết giáo điểu”), nhưng Kritizismus (“thuyết phê phán”), chẳng hạn như học phái Kant, thường được xem là một chọn lựa thứ ba). Trong thế kỷ III TCN, dưới sự lãnh đạo của Arcesilaus, Viện Hàn lâm được Plato sáng lập đã chuyển sang thuyết hoài nghi và gắn bó với nó suốt hai thế kỷ; sản sinh ra những nhà hoài nghi danh tiếng như Carneades và Aenesidemus, người chống lại cái mà ông xem là thuyết giáo điều còn rơi rớt lại của Viện Hàn lâm. Có cuộc tranh luận trong thời cổ đại về mối quan hệ giữa phái Pyrrhon và thuyết hoài nghi của Viện Hàn lâm. (LSTH xem xét Viện Hàn lâm mới và thuyết hoài nghi một cách tách biệt, nhưng kế tiếp nhau). Thuyết hoài nghi thời cổ đại lại nổi lên ở thế kỷ XVI, và có ảnh hưởng quan trọng lên Montaigne, Pascal, Bayle, v.v.
Tương truyền rằng Aenesidemus đã nêu lên mười tropoi, “các phương thức, cách thức”, của thuyết hoài nghi, khai thác những biến thái khác nhau của HIỆN TƯỢNG, phụ thuộc vào: (1) các loài vật; (2) con người cá nhân; (3) giác quan hay cơ quan cảm giác (ví dụ: thị giác hay xúc giác); (4) các tình huống (ví dụ: say và tỉnh); (5) vị trí của đối tượng (ví dụ: trong hay ngoài (bể) nước); (6) sự pha trộn của đối tượng (ví dụ: sự bóp méo đối tượng qua môi trường mà nó được cảm nhận, được nhìn trong không khí ấm hay lạnh); (7) số lượng của đối tượng (ví dụ: một ít mạt rũa bạc có màu đen, nhiều thì có màu trắng); (8) tính tương đối (ví dụ: voi con là nhỏ so với những con voi khác, nhưng là lớn so với những động vật khác); (9) tần suất của những lần bắt gặp của ai đó với đối tượng (ví dụ: trận động đất đầu tiên tỏ ra đáng sợ hơn những lần sau đó); (10) phong cách sống, phong tục và luật lệ, những niềm tin có tính huyền học và giáo điều có trước đó của ta. Trong mỗi trường hựp, luận cứ hoài nghi thuộc các loại sau:
(1) Đối tượng là màu đỏ đối với ta trong một tập hợp những tình huống, V.V., nhưng lại là màu xanh trong một tập hợp những tình huống, V.V., đối với người khác.
(2) Nó không thể vừa là màu đỏ vừa là màu xanh.
(3) Không có lý do nào để chuộng vẻ ngoài này hơn vẻ ngoài khác. (Đây là isostheneia, “sự ngang bằng về giá trị” (“equipollence”).
(4) Ta không thể khẳng định rằng nó là màu đỏ hay màu xanh, mà phải tạm thời gác lại lòng tin.
Về sau, Agrippa bổ sung thêm năm phương thức: (a) Trong triết học lẫn đời sống bình thường có những cuộc tranh cãi, nhưng không có lý do nào để ủng hộ ý kiến này hơn ý kiến khác, (b) Một sự chứng thực cho một ý kiến, đến lượt nó, lại đòi hỏi một sự chứng thực khác, dẫn đến một sự quy thoái VÔ TẬN. (c) Một đối tượng xuất hiện trong tương quan với chủ thể và các hoàn cảnh; ta phải tạm gác lại phán đoán về tự thân nó. (d) Các nhà giáo điều tránh sự quy thoái vô tận bằng cách thừa nhận một giả thuyết (hay TIỀN GIẢ ĐỊNH), (e) Lập luận của họ thường rơi vào vòng luẩn quẩn, khi một trong hai học thuyết đòi hỏi sự chứng thực của cái kia (“phương thức tương hỗ”), (a) và (c) tổng kết mười phương thức ban đầu; (b), (d) và (e) chống lại thuyết giáo điều triết học, chẳng hạn chống lại lý thuyết của Aristoteles rằng có những tiên đề TRựC TIẾP không cần CHỨNG MINH.
Hegel nghiên cứu kỹ lưỡng thuyết hoài nghi của người Hy Lạp, nhất là trong bài điểm sách của ông về Schulze trong TCPP [Tập san Phê phán về Triết học]. Trong bài điểm sách này, cũng như về sau, ông xem thuyết hoài nghi cổ đại là cao hơn thuyết hoài nghi hiện đại (chẳng hạn của Hume, Schulze), chủ yếu là bởi vì nó có tính hoài nghi hơn. Cụ thể, trong khi các nhà hoài nghi hiện đại hoài nghi về triết học và về sự áp dụng TƯ TƯỞNG vào các hiện tượng cảm tính, thì các nhà hoài nghi cổ đại công kích các hiện tượng cảm tính cũng như các niềm tin của lương năng thông thường. Hegel xem họ là đồng minh trong sự công kích của ông chống lại các triết gia về “lương năng thông thường” như Krug, người viện đến “các sự kiện (Tatsachen) của Ý THỨC”. Vậy nên ông thích mười phương thức hơn là năm phương thức của Agrippa, vì mười phương thức chĩa vào lương năng thông thường, trong khi năm phương thức lại công kích bản thân triết học. (Có một cuộc tranh luận đáng kể về phạm vi của thuyết hoài nghi cổ đại, về phải chăng nó, hay các khuynh hướng khác nhau trong nó, chỉ công kích các tín điều triết học hay cũng công kích những niềm tin cần thiết cho cuộc sống thường nhật).
Hegel chịu ảnh hưởng của thuyết hoài nghi ở nhiều mức độ:
(1) Các nghiên cứu của ông về các chủ đề cụ thể (TÍNH NHÂN QUẢ, sự VẬT, tiêu chuẩn của CHÂN LÝ trong HTHTT, Dẫn Nhập, v.v.) thường chịu ơn Sextus cũng như các triết gia hiện đại.
(2) Thuyết hoài nghi là một HÌNH THÁI của ý thức trong HTHTT, nơi Hegel công nhận mục đích thực hành, hơn là thuần túy nhận thức luận, của thuyết hoài nghi cổ đại, để đạt được sự thanh tĩnh bằng epochẽ. Những phản bác của ông đối với thuyết hoài nghi trong HTHTT không thuyết phục: Các nhà hoài nghi, giống như các nhà khắc kỷ, có một nửa thiên niên kỷ để nghĩ về những câu trả lời cho các luận cứ chống lại họ.
(3) Hegel xem phương thức của riêng ông cũng mang tính hoài nghi đối với các hình thái của ý thức (kể cả sự XÁC TÍN CẢM TÍNH) lẫn những QUY ĐỊNH của TƯ DUY (kể cả các triết học khác). Nhưng thuyết hoài nghi của ông không đơn giản bao gồm sự tạm hoãn các niềm tin về một lập trường, mà là sự PHỦ ĐỊNH nó, một sự phủ định dẫn đến kết quả khẳng định một lập trường mới. Phương thức của Hegel càng phức tạp bởi thuyết hoài nghi của ông (giống như thuyết hoài nghi của một số người Hy Lạp) mở rộng đến các QUY LUẬT lô-gíc, trong khi cách bác bỏ của ông đối với một lập trường nào đó thường dựa vào [việc phát hiện] sự MÂU THUẪN bên trong nó.
(4) Hegel cũng nỗ lực củng cố hệ thống của ông chống lại những cuộc tấn công của thuyết hoài nghi, đặc biệt là khi nó dựa trên năm phương thức của Agrippa. Sự bảo vệ của ông gồm những điều sau:
(i) Triết học của ông không tranh luận với các nền triết học khác biệt và không tương thích: triết học của ông VƯỢT BỎ, do đó, bao hàm các triết học khác. Câu trả lời của ông cho nỗ lực muốn dùng quan niệm khác để đối lập lại quan niệm của ông là: “Tôi đã nói về điều đó rồi”. (Chống lại phương thức (a)).
(ii) Hegel chỉ đơn giản quan sát “bản thân sự VIỆC”, tức quan sát các hình thái khác nhau của ý thức, tư tưởng, V.V., tự phát triển và tự phê phán mình, không có sự đóng góp nào từ bản thân ông. (Chống lại (c)).
(iii) Tiêu chuẩn của chân lý (đối với nhà hoài nghi là có thể tranh luận như bất cứ điều gì khác) do đó, là đã được đáp ứng, và áp dụng cho bản thân nó, bởi bản thân hình thái của ý thức, V.V., chứ không phải bởi Hegel.
(iv) Có các tiền giả định, nhưng được vượt bỏ trong vận động vòng tròn của HỆ THỐNG. Hệ thống không lập luận trong một vòng tròn về một thế giới tĩnh tại khác biệt với nó mà dõi theo vận động vòng tròn của bản thân thế giới. Vậy nên nó bao hàm cả giả thuyết (hypotheseis) lẫn tính vòng tròn, mà không quy thoái vô tận. (Chống lại phương thức (b), (d), và (e)).
Hegel phân biệt thuyết hoài nghi với sự nghi ngờ (nhất là nơi Descartes). Danh từ Zweifel (“nghi ngờ”) đến từ chữ zwei (“hai”), và hàm ý một sự tiếp tục gắn bó với các niềm tin mà ta nghi ngờ và hy vọng vào việc khôi phục lại niềm tin của ta vào chúng. Ngược lại, nghi ngờ mang tính hoài nghi [trong Hegel] thật ra là sự tuyệt vọng (Verzweiflung), là sự từ bỏ trong vô vọng lập trường đã bị nghi ngờ.
Thánh Pháp dịch