Bên trong và Bên ngoài (cái, tính) [Đức: das Innere und das Äussere, innerlich und äusserlich; Anh: inner and outer, internal and external]
Giới từ aus (từ, ngoài, V.V.), äusser (bên ngoài, V.V.), in (trong), và trạng từ inne(n) (bên trong) tạo ra một số từ trong phạm vi này:
1. Các tính từ innerlich (bên trong) và äusserlich (bên ngoài) thường được dùng để phân biệt những gì nằm trên bề mặt với những gì nằm bên dưới nó, trong những từ như “một vết thương (“äusserlich”) tức một vết thương ngoài da”, “sự điềm tĩnh bể ngoài tương phản với sự bối rối bên trong”, v.v. Danh từ Innerlichkeit (tính bên trong, Anh: “inwardness”) do các nhà huyền học Đức đặt ra và có hai nghĩa chính: a) BẢN CHÂT của một sự vật; b) sự điềm tĩnh, sự tự lực, sự tự rút lui vào chính mình của con người. Äusserlichkeit (tính bên ngoài, Anh: “outwardness, externality”) được hình thành vào thế kỷ XVIII để biểu thị những gì không-bản chất đối với một người hay vật nào đó.
Hegel sử dụng cả danh từ và tính từ này trong nhiều ngữ cảnh khác nhau, và không phải lúc nào cũng đặt chúng tương phản với nhau: Tính bên ngoài của một Lực (tức “sự biểu hiện ra bên ngoài” của nó) là đồng nhất với tính bên trong của nó. Nếu hai vật là bên ngoài nhau, thì chúng dửng dưng với nhau, và thực chất là không quan hệ với nhau và khả biến độc lập với nhau, chẳng hạn như hình dáng của một vật và màu sắc của nó. Tự NHIÊN là CÁI KHÁC và bên ngoài đối với TINH THẦN, vì thế là khác và bên ngoài đối với chính mình, tức được trải rộng trong không gian và thời gian. Do đó, những cách dùng chính của chữ Innerlichkeit là có quan hệ đến lĩnh vực của tinh thần. Innerlichkeit (đời sống bên trong) của tinh thần là tương phản với TỒN TẠI NHẤT ĐỊNH/tồn tại hiện có (Dasein) của nó, nghĩa là với cái bên ngoài vật chất của nó (HTHTT VII. A). Nhưng Innerlichkeit của tinh thần cũng tương phản với Äusserlichkeit của thế giới bên ngoài. Cái bên trong đôi khi được đánh đồng với cái Tự-MÌNH, vốn cần được hiện thực hóa và biểu lộ ra: các vĩ nhân làm cho tính bên trong không-ý thức của những người đương thời với họ trở nên có Ý THỨC. Nhưng thường thì tính bên trong là có ý thức; nó có thể là đời sống bên trong đặc trưng cho mọi con người, hoặc tính bên trong tự giác một cách đặc biệt hay tính bên trong CHỦ QUAN chẳng hạn nơi Socrates, Descartes, đạo Tin Lành và CHỦ NGHĨA LÃNG MẠN. Tính bên trong theo nghĩa này là tương đồng với tính nội tâm (Innigkeit, Anh: inwardness, intimacy), tức xúc cảm bên trong, nhất là khi được áp dụng cho những quan hệ như tình yêu và tình bạn. Hegel xem tính nội tâm là tính chất đặc biệt của dân tộc Đức. Trong MH, tính bên ngoài chỉ đến HÌNH THỨC vật chất hiện thân cho LÝ TƯỞNG thẩm mỹ, đến môi trường bên ngoài của cá nhân, và đến sự trình bày tác phẩm nghệ thuật cho công chúng.
2. Tính từ äusser (bên ngoài) và inner (bên trong) thường được dùng trong những ngữ cảnh như “sân trong/sân ngoài”, “họ hàng thân thiết” (inner = thân thiết), “giá trị bên trong”, “vẻ ngoài”, “ngoại vụ”. Những tính từ này tạo thành các danh từ das Innere (cái bên trong) và das Äussere (cái bên ngoài) trong tiếng Đức thông thường.
Hegel thường dùng cái bên trong để chỉ bản chất bên trong của một vật và cái bên ngoài để chỉ vẻ ngoài của nó, và cũng dùng để chỉ đời sống nội tâm của con người phân biệt với cơ thể, hành động và lời nói của người ấy. Bàn luận của ông về những khái niệm này trong KHLG phát triển từ nghiên cứu của ông về Lực và sự thể hiện ra bên ngoài (Äusserung) của lực. Ông lập luận như sau: “bên trong” và “bên ngoài” là những cái ĐỐI LẬP có quan hệ đối ứng với nhau. Vì thế về mặt lô-gíc, cái này chứa đựng cái kia. Ông dùng điều này để nói rằng đối với các sự vật hiện thực, cái bên trong hay bản chất của chúng phải tương ứng, hay có cùng NỘI DUNG với cái bên ngoài hay với HIỆN TƯỢNG của chúng. Nhưng đối với những sự vật hiện thực, “cái bên trong” có hai nghĩa khác nhau:
a) Tính tiềm năng chưa được phát triển của một vật, chẳng hạn một cái cây là cái bên trong đơn thuần ở trong hạt mầm; tính lý tính của đứa bé là cái bên trong đơn thuần, và cũng là cái bên trong đơn thuần của một con người bất toàn như một tội phạm chẳng hạn.
b) Cốt lõi bên trong hay bản chất của cái gì đó vốn đã phát triển đầy đủ, chẳng hạn bản chất của bản tính tự nhiên hay những mục đích bên trong, v.v. của một tác nhân.
Nguyên tắc đồng nhất giữa bên trong và bên ngoài áp dụng rất khác nhau cho hai loại trường hợp:
a) Những đặc điểm bên ngoài của hạt mầm không phản ánh tính tiềm năng bên trong của nó. Nhưng vì bản tính tự nhiên của nó là bên trong đơn thuần, nên bản thân hạt mầm là bên ngoài đơn thuần: một lớp vật chất trơ trụi, không gắn kết, tương phản với một cái cây vốn thụ động và làm mồi cho những tấn công bên ngoài. Tương tự, cơ thể của đứa bé là được phối kết tương đối kém và không biểu lộ gì [về đời sống nội tâm], trong khi cơ thể của một người trưởng thành thể hiện đời sống nội tâm [bên trong] đã phát triển của họ. Hơn nữa, các hình thức có lý tính và văn hóa cấu thành bản tính bên trong của đứa bé là hoàn toàn ở bên ngoài nó, hiện thân nơi cha mẹ của nó. Tương tự, các hình thức xã hội đối với kẻ tội phạm chưa được nội tâm hóa đầy đủ thì có vẻ là những áp đặt xa lạ (trong hình thức TRỪNG PHẠT), hơn là những biểu hiện của chính Ý CHÍ của hắn. Nguyên tắc ở đây là: bề mặt bên ngoài của cá nhân chỉ là “bên ngoài”, cùng cấp độ giống như cái bên trong chỉ là bên trong, còn tính bên ngoài thực sự biểu hiện cái bên trong thì cách xa với cá nhân, tương ứng với độ sâu mà cái bên trong của cá nhân đã bị tiêu hủy.
b) Giống như Goethe, Hegel cho rằng cái bên trong của một thực thể đã phát triển đầy đủ chẳng hạn như Tự NHIÊN không thể khác biệt với cái bên ngoài của nó. Cái bên trong có thể nằm cách xa bề mặt của nó, nhưng về nguyên tắc thì sự quan sát và tư tưởng có thể tiếp cận được. Nếu ta giả định rằng tự nhiên có một cái bên trong khác biệt với cái bên ngoài của nó, thì qua PHẢN TƯ, ta thấy rằng cái bên trong được định đề hóa ấy nằm ngay bên trong chúng ta, những người quan sát bên ngoài, tức là, như trong trường hợp (a), cái bên trong là bên ngoài đối với tự nhiên ở một cấp độ tưong ứng với độ sâu được giả định của nó bên trong tự nhiên.
Đặc biệt, Hegel bác bỏ quan niệm rằng cái bên ngoài của một con người (những HÀNH ĐỘNG, thành quả, v.v. của người ấy) không phản ánh cái bên trong (tức những ý đồ, ...) của họ, hoặc theo nghĩa rằng những việc làm đáng ngưỡng mộ của một người có thể nảy sinh từ những động Cổ thấp hèn hay xấu xa (một quan niệm thường được ông liên tưởng đến LỊCH SỬ “thực dụng”) hoặc theo nghĩa rằng một con người mà những hành vi và việc làm của họ không có giá trị hay gây hại cũng có thể có những ý đồ tốt, tài năng vĩ đại, V.V.: “Một con người là những gì họ làm” (BKTI, §140A). Những kế hoạch được sắp đặt tốt có khi thất bại, và những việc làm vĩ đại có thể che giấu sự đạo đức giả. Nhưng về lâu dài và đối với người quan sát cẩn thận, cái bên trong sẽ tự bộc lộ trong cái bên ngoài.
Trong thực tế, tính đối ứng lô-gíc qua lại giữa “bên trong” và “bên ngoài” không dẫn đến việc cái bên ngoài luôn phản ánh chính xác cái bên trong, vì cái bên trong và cái bên ngoài hiện thực không nhất thiết quan hệ mật thiết như những khái niệm về bên trong và bên ngoài. Lập luận của Hegel trong trường hợp (a) hoặc là trùng phức hay lặp thừa (tautological) (chẳng hạn nếu bản tính của một vật là bên trong, tức chỉ đon thuần là tiềm năng, thì hình thức bên ngoài của nó chỉ đon thuần là bên ngoài, tức là không thể hiện cái bên trong của nó) hoặc lập lờ nước đôi với những khái niệm về bên trong và bên ngoài. Những kết luận của ông trong trường hợp (b) ít phụ thuộc vào lô-gíc của “bên trong” và “bên ngoài” hon là phụ thuộc vào những khó khăn nhận thức luận và những khó khăn trong việc giải thích về việc gán cho một người hay một vật một cái bên trong vốn hoàn toàn xa lạ với cái bên ngoài, và vào một sự ưu ái cho cái bên ngoài hon cái bên trong trong đánh giá về con người. Nhưng Hegel cũng đồng hóa trường hợp (a) với trường hợp (b): những ý đồ bên trong, v.v. chỉ đơn thuần là tiềm năng ở chỗ chúng thiếu tính chất là được quy định đầy đủ, tách rời với những biểu hiện bên ngoài. Vì thế, nếu những ý đồ của một người là hoàn toàn thấp hèn, họ phải thể hiện tính thấp hèn ấy trong cách hành xử bên ngoài. Nhưng ta vẫn có thể quan niệm được rằng một người tạo nên lịch sử vinh quang là có những ý đồ thấp hèn, v.v. vốn chỉ tự phơi bày ra trong đời tư của người ấy mà thôi.
3. Động từ âussern (phát biểu ra, thể hiện ra), nhất là trong hình thức phản thân sich äussern (tự phát biểu, tự thể hiện) được sử dụng, chẳng hạn, để nói về việc lực tự-thể hiện ra bên ngoài. Ausserungìà “sự thể hiện”, chẳng hạn, của một lực. Vì không có động từ tương ứng là innern hay danh từ Innerung, nên Hegel thường sử dụng một danh từ khác (chẳng hạn Rückkehr, “sự quay trở lại”) hay động từ (zurückkehren, quay trở lại) để nói lên sự rút lui vào trong chính mình, chẳng hạn của một lực, sau khi nó đã có tác động của nó. Nhưng ông thường dùng động từ (sich) erinnern ((tự) HỒI TƯỞNG) theo nghĩa này, đặt nó tương phản với (sich) entäussern ((tự) XUÂT NHƯỢNG), V.V.). Ausdruck và ausdrücken (nghĩa đen là “thể hiện ra”) cũng được dùng cho những biểu hiện của lời nói, cơ thể và nghệ thuật.
4. Hegel thường sử dụng trạng từ aussereinander (“bên ngoài nhau”), như một danh từ das Aussereinander (sự tồn tại-bên-ngoài-nhau), để biểu đạt ý tưởng rằng cái CẢM TÍNH (khác với TƯ TƯỞNG và BIỂU TƯỢNG) và Tự NHIÊN (khác với TINH THẦN) là ở-bên-ngoài-chính mình, nghĩa là trải rộng trong không gian và thời gian, chứ không đơn giản là ở bên ngoài con người.
Hoàng Phú Phương dịch