“Tôn giáo bên trong ranh giới của lý tính đơn thuần” [Đức: Die Religion innerhalb der Grenzen der blossen Vernunft; Anh: Religion within the Limits of Reason Alone]
Tác phẩm này của Kant về thần học triết học có thể được đọc như là một phần bổ sung cho PPLTTH. Trong đó ông xét tôn giáo dựa vào “lý tính thuần túy” hay “các nguyên tắc tiên nghiệm không cần sự trợ giúp”, một phạm vi nghiên cứu được ông trình bày như là một vòng tròn đồng tâm nhỏ hơn bên trong những vòng tròn rộng hơn của đức tin và kinh nghiệm có tính chất lịch sử và dựa trên Thánh kinh về sự mạc khải. Kant chọn luân lý và khái niệm của nó về một con người tự do mang lại quy luật cho chính mình làm điểm xuất phát. Luân lý không đòi hỏi phải có một Hữu thể tối cao để có giá trị hiệu lực, nhưng nó “không thể tránh khỏi dẫn đến tôn giáo”, bởi vì nó “tự mở rộng đến ý niệm về Người đề ra những quy luật luân lý hùng mạnh, ở bên ngoài nhân loại, vì ý chí của Ngài là cứu cánh tối hậu (của sự sáng tạo) mà cũng đồng thời có thể và phải là cứu cánh tối hậu của con người” (TG tr. 6, tr. 5-6). Văn bản khảo sát những hàm ý tôn giáo trong quan niệm này về sự Thiện tối cao bằng cách phân tích mối quan hệ giữa nguyên tắc thiện và nguyên tắc ác trong bản tính con người. Dựa theo đó, quyển thứ nhất bàn về “căn ác” hay mối quan hệ giữa sự tự do của con người và cái ác. Điều này dẫn đến những nội dung của quyển thứ hai, là quyển trình bày sự xung đột giữa nguyên tắc thiện và nguyên tắc ác. Ở đây Kant phân biệt lập trường của ông với lập trường của các nhà khắc kỷ, những người đã xem “sự đấu tranh luân lý” như là một cuộc đấu tranh giữa nghĩa vụ và những xu hướng, thay vì chỉ ra sự đấu tranh đang diễn ra giữa những châm ngôn quy định ý chí được chấp nhận một cách tự do. Quyển thứ ba xem xét những hàm ý thần học-chính trị của quan niệm này về sự đấu tranh giữa thiện và ác, và phân biệt “Nhà nước pháp lý-dân sự” với “Nhà nước đạo đức-dân sự”, là Nhà nước chỉ có thể quan niệm được dưới hình thức một giáo hội. Kant mô tả những đòi hỏi về một giáo hội như vậy theo một ứng dụng bốn đề mục của bảng các phạm trù một cách đặc biệt đầy hứng khởi: về lượng nó phải “phổ quát”; về chất, nó phải thuần túy; về tương quan, nó là sự tự do, bằng sự loại suy tư ổng tự với một nền cộng hòa; về tình thái, là “tính không thể thay đổi của hiến pháp hay thể chế của nó” (TG tr. 100-1, tr. 93). Quyển thứ tư và cũng là quyển cuối cùng phân biệt giáo hội dựa trên “tôn giáo thuần túy của lý tính” với các giáo hội lịch sử dựa trên những quy chế và những lý giải có tính quyền uy về Kinh thánh.
Cho dù có vẻ ngoài khá khiêm tốn, nhưng TG đánh dấu một thách thức đáng kể không chỉ đối với nền tôn giáo đã định hình, mà còn đối với các phân khoa thần học ở các trường đại học. Trong bầu không khí của chế độ tăng lữ ở thời Frederick William II đang ra sức dập tắt phong trào Khai minh do Frederick “Đại đê” (mất năm 1786) cổ vũ, TG gặp phải một sự tiếp nhận lạnh lùng từ các nhà kiểm duyệt. Kế hoạch ban đầu của Kant là cho đăng công trình này thành nhiều kỳ trên tờ Berlinische Monatsschrift (Nguyệt san Berlin). Phần thứ nhất đã nhận được giấy phép xuất bản của ban kiểm duyệt về triết học và đã được đăng vào tháng 4 năm 1792. Nhưng với những phần tiếp theo, ban kiểm duyệt về thần học đã được hỏi ý kiến. Ban này từ chối giấy phép xuất bản và quyết định này đã được xác nhận dựa theo kháng nghị của ủy ban Kiểm duyệt và Nhà vua cho nên những phần còn lại không thể đăng trên Berlinische Monatsschrift. Phản ứng của Kant là đệ trình toàn bộ văn bản cho một phân khoa thần học (có lẽ tại trường Königsberg) để xác minh xem nó có xâm phạm đến lĩnh vực thần học hay không. Nhận được sự đánh giá thuận lợi rằng nó không vi phạm, ông gửi nó đến phân khoa triết học ở trường Đại học Jena, ở đó nó nhận được giấy phép xuất bản. Toàn bộ công trình sau đó đã sẵn sàng để được xuất bản vào năm 1793. Diễn tiến kịch tính này cho thấy những điều kiện chính trị mà Kant đang làm việc trong những năm 1790, và những cách thức chúng tác động lên hành trình suy tưởng của ông. Một kết quả có hậu cho màn kịch này là quyển XPK, vốn được xem như là một lời hồi đáp trước những sự cố này.
Thánh Pháp dịch