Hòa bình (nền) [Đức: Friede; Anh: peace]
Xem thèm: Liên bang các nhà nước, Trước tác chính trị học (các), Chiến tranh
Trong SHHĐL, Kant mô tả nền hòa bình vĩnh cửu như là “sự Thiện chính trị tối cao” và là một ý niệm của lý tính thực hành về điều mà “ta phải làm như thể nó là cái gì thực tồn, dù có lẽ nó không thực tồn” [SHHĐL tr. 354, tr. 160]. Nó được định nghĩa trong cả SHHĐL lẫn HBVC là một “sự kết thúc những thù địch” giữa những con người trong trạng thái tự nhiên hay giữa những nhà nước trong trạng thái chiến tranh. Mặc dù nó được đạt đến bằng “sự cải cách tuần tự phù hợp với những nguyên tắc vững chắc” [SHHĐL tr. 355, tr. 161], nhưng nó có thể, nói bằng chính những lời trong HBVC, “được đảm bảo bởi không phải một quyền uy nào khác hon là chính bản thân nghệ nhân Tự nhiên vĩ đại” [HBVC tr. 360, tr. 108] được bộc lộ trong kế hoạch có mục đích của định mệnh hay của thiên hựu, “của việc tạo ra sự hòa hợp giữa con người, thậm chí chống lại ý chí của con người và đó chính là bằng sự bất hòa hợp giữa họ” [sđd.]. Trong HBVC, Kant trình bày “những nguyên tắc vững chắc” mà ông có trong đầu dưới hình thức một hiệp ước gồm hai phần và một phụ lục. Trong phần đầu, Kant trình bày “những điều khoản sơ bộ” về một nền hòa bình vĩnh cửu giữa các nhà nước trong lớp vỏ của những luật ngăn cấm. Các luật này gồm: loại trừ những điều khoản dự phòng bí mật trong những hiệp ước giữa các quốc gia cho chiến tranh trong tương lai; ngăn cấm sự thôn tính một nhà nước bởi nhà nước khác dù với bất kỳ phương tiện nào; bãi bỏ dần quân đội thường trực, ngăn cấm việc tăng nợ quốc gia cho những mục đích ngoại giao; không can thiệp và tôn trọng những luật về chiến tranh. Trong phần hai của các điều khoản khẳng định, Kant quy định rằng mọi nhà nước sẽ là nhà nước cộng hòa, quyền của các dân tộc sẽ dựa trên một liên bang các nhà nước tự do, và quyền [là] công dân thế giới sẽ được giới hạn trong những điều kiện của lòng hiếu khách phổ quát.
Huỳnh Trọng Khánh dịch