Hiện tượng học [Đức: Phenomenologie; Anh: phenomenology]
Xem thêm: Động lực học, Cơ học, Tình thái, Chuyển động/vận động, Chuyển động học,
“Hiện tượng học” là chủ đề của chương thứ tư trong cuốn SHHTN nơi Kant bàn luận về khoa học tự nhiên. Cả bốn chương đều nghiên cứu về sự vận động (với Kant, đó là vấn đề chính yếu của khoa học tự nhiên) từ điểm nhìn của một trong bốn nhóm của bảng các phạm trù. “Chuyển động học” nghiên cứu phương diện lượng, “Động lực học” nghiên cứu phương diện chất, “Cơ học” nghiên cứu phương diện tương quan, và “Hiện tượng học” nghiên cứu phương diện tình thái của sự vận động. Trong hiện tượng học, “sự vận động hoặc đứng yên của vật chất được xác định đơn thuần bằng sự quy chiếu đến phương cách hình dung thành biểu tượng [của ta] hay tình thái, nghĩa là như một hiện tượng của các giác quan bên ngoài” (SHHTN, tr. 477, tr. 15). Chương (bốn) này trình bày ba mệnh đề xác định tình thái của sự vận động cho ba chương trước. Mệnh đề thứ nhất khẳng định rằng chuyển động thẳng của vật chất, đối lập với chuyển động ngược lại của không gian tương ứng mà nó có mặt, là “một thuộc từ khả hữu đơn thuần” và do đó, tính tất yếu lẫn tính thực tại của chuyển động học đều không thể xác lập được. Mệnh đề thứ hai trình bày chuyển động tròn của vật chất trong hiện tượng chỉ như là khả hữu (nghĩa là hoặc nó hoặc không gian của nó có thể đang chuyển động), nhưng cho rằng, phù hợp với “sự phức hợp của mọi hiện tượng”, nó đang chuyển động trên phương diện hiện thực. Kant cho rằng chuyển động đó “không thể xảy ra mà không có sự ảnh hưởng của một lực vận động bên ngoài tác động liên tục” (SHHTN, tr. 557, tr. 123), lực đó chứng minh tính thực tại của lực hút và lực đẩy, và như vậy là đối tượng của động lực học. Mệnh đề thứ ba khẳng định rằng chuyển động của một vật thể trong tương quan với một vật thể khác đòi hỏi sự chuyển động ngược và ngang bằng của vật thể khác đó, một đòi hỏi “sinh ra trực tiếp và tất yếu từ khái niệm về tương quan giữa cái đã vận động ở trong không gian với bất kỳ vật có thể chuyển động nào khác”. (SHHTN tr. 558, tr. 124) và từ đó cho thấy tình thái của sự vận động trong cơ học là tất yếu.
Kant lấy thuật ngữ hiện tượng học từ cuốn Bộ công cụ mới (Neues Organon, 1764) của J.H. Lambert (xem Lambert 1988) trong đó hiện tượng học là một trong bốn phần của nhận thức luận tập trung phân biệt giữa chân lý, sai lầm và ảo tưởng. Hiện tượng học nghiên cứu các hình thức của hiện tượng và ảo tưởng. Tuy nhiên, trong bức thư gởi Lambert đề ngày 2 tháng 9, kèm theo bản sao cuốn LA, Kant cho thấy một cái nhìn rộng rãi hơn nhiều về tiềm năng của hiện tượng học, diễn tả nó bằng những thuật ngữ báo trước những thuật ngữ ông sử dụng sau này để trình bày đề án PPLTTT. Nó là “một khoa học rất đặc biệt, tuy thuần túy tiêu cực”, một khoa học “được tiền giả định bởi siêu hình học” trong đó “những nguyên tắc của cảm năng học, giá trị hiệu lực và những giới hạn của chúng, sẽ được xác định, sao cho những nguyên tắc này không thể bị áp dụng lẫn lộn vào những đối tượng của lý tính thuần túy, như đã xảy ra gần như thường xuyên trước đây” (TT, tr. 59). Cái nhìn rộng rãi về hiện tượng học với tư cách một môn học dự bị (propaedeutics) cho siêu hình học này có vẻ như vẫn tiếp tục hiện diện trong SHHTN, nếu không phải là trong PPLTTT. Cái nhìn này được Hegel tiếp nhận và ông gọi cuốn Hiện tượng học Tinh thần của mình trong trang bìa giả là “Phần thứ nhất” của “Hệ thống khoa học”. Thuật ngữ này được Edmund Husserl làm sống lại ở đầu thế kỷ XX để diễn tả một sự khởi đầu mới cho triết học trong việc phân tích các hiện tượng (Xem Husserl, 1913, 1950).
Mai Sơn dịch