Đời sống Đạo đức và Tập tục [Đức: Sittlichkeit und Sitte; Anh: ethical life and custom]
Trong các tác phẩm của Hegel, chữ Sittlichkeit thường được dịch sang tiếng Anh là “ethical life” [đời sống đạo đức], nhưng có khi cũng được dịch là “(social or customary) morality” [luân lý (xã hội hay tập tục), V.V.]. Chữ này bắt nguồn từ chữ Sitte, chữ Đức bản địa chỉ “tập tục”, tức một cách cư xử thường xuyên được một nhóm xã hội, chẳng hạn như một dân tộc, một giai cấp hay một dòng họ, thực hành, và được xem là một quy chuẩn hành vi đúng khuôn phép. (Sitte không bao giờ là một thói quen cá biệt, được lựa chọn một cách có chủ ý, như trong câu “thói quen của tôi là...”) Trong TĐKTG, Hegel tỏ ra có chút khinh thị đối với các tập tục do Nhà thờ thể chế hóa, ở chỗ, chẳng hạn, các tập tục về tang phục cho tang quyến bắt người ta phải biểu lộ sự đau khổ nhiều hon họ thực sự cảm thấy. Nhưng trong PQTN, ông cho rằng các tập tục, trung giới giữa cá nhân với các LUẬT xã hội của người ấy, là có tính bản chất đối với sức sống của một DÂN TỘC; sự lập pháp thành công tiền giả định các tập tục mà nó phải tuân theo. Trong HTHTT, ông khẳng định rằng “sự thông thái và đức hạnh cốt ở việc sống tuân thủ các tập tục của dân tộc mình”. Ông không bao giờ từ bỏ những niềm tin này.
Trong cách dùng của các triết gia khác, chữ Sitten số nhiều có xu hướng được đánh đồng với “ethics” [đạo đức học] và “morality” [LUÂN LÝ]. (Cả hai bắt nguồn từ chữ Hy Lạp ethos hoặc từ chữ La-tinh mores, đều có nghĩa là “tập tục”). Thế nên cuốn Siêu hình học Đức lý (SHHĐL) của Kant bàn về đạo đức học nói chung, chứ không phải các tập tục, và đối với Fichte chữ đời sống đạo đức (nghĩa đen là “học thuyết về các tập tục”)
thì lại tương đương với “triết học luân lý”. Các chữ khác bắt nguồn từ chữ Sitte đi theo cùng một hướng: Sittengesetz là quy luật hay quy phạm đạo đức, đặc biệt, đối với Kant, một quy luật luân lý là do lý tính ban bố, chứ không phải do tập tục, và, dù nó có giá trị hiệu lực đối với mọi tồn tại có lý tính, thì vẫn được chứng thực bởi cá nhân, chứ không phải bởi cộng đồng. [Nơi Kant], tính từ sittlich được đánh đồng với “moral” [luân lý] hay “ethical” [đạo đức] và danh từ trừu tượng Sittlichkeit được đánh đồng với “morality” [luân lý].
Hegel thường sử dụng từ Sitte theo các nghĩa ấy khi bàn về các quan niệm của các tác giả khác. Nhưng từ rất sớm, ông phân biệt giữa Sittlichkeit với Moralität: Moralität là luân lý cá nhân, do lý tính, lương tâm hay các TÌNH CẢM của riêng ta ban bố, còn Sittlichkeit là các quy phạm đạo đức được thể hiện trong các tập tục và các định chế của xã hội. Những khái niệm này không tương phản nhau một cách đơn giản, mà quan hệ với nhau một cách có hệ thống: trong nhà nước lý tưởng, dựa theo cuốn Cộng hòa của Plato, mà Hegel phác thảo trong PQTN, Moralität, xét như là luân lý cá nhân, tư sản, được gán cho giai cấp thương gia và sản xuất của cải, trong khi Sittlichkeit được dành riêng cho giai cấp cai trị, chiến binh. Nhưng trong các tác phẩm sau, đặc biệt là trong HTHTT, THPQ và BKTIII, mối quan hệ giữa chúng là như sau: trong cả ba tác phẩm này, nghiên cứu về luân lý (Moralität) theo trường phái Kant đi trước nghiên cứu về đời sống đạo đức (Sittlichkeit). Nhưng thứ tự này tương ứng với thứ tự lô-gíc của chúng (hay, trong HTHTT, tương ứng với thứ tự chúng xuất hiện đối với độc giả của Rousseau và Kant), chứ không phải thứ tự xuất hiện của chúng trong LỊCH sử. về phương diện lịch sử, đời sống đạo đức (Sittlichkeit) của thành quốc Hy Lạp đi trước sự xuất hiện của luân lý cá nhân chủ nghĩa. (Thành quốc Hy Lạp không phải là hình thái chính trị đầu tiên trong lịch sử: đi trước nó là vô số xã hội phương Đông phi- cá nhân chủ nghĩa, và trong MH, Hegel cho rằng thần thoại Hy Lạp cho thấy sự ra đời của văn minh Hy Lạp là từ các xã hội ấy và từ sự chế ngự các sức mạnh tự nhiên mà chúng đại diện. Theo quan niệm của Hegel, đời sống đạo đức của người Hy Lạp, ít nhất là vào lúc đầu, là sự hài hòa hoàn toàn giữa cá nhân và xã hội của mình. Cá nhân không thể nói: “làm điều này điều nọ là vi phạm các giá trị của tập tục, nhưng có thể vẫn đúng về mặt luân lý”, hay “việc ấy là đáng làm, vì nó có lợi riêng cho tôi”. (Nghiên cứu của Hegel, dù được lý tưởng hóa, nhưng không phải là sai hẳn, qua câu chuyện về Alcibiades, người Athen thế kỷ V TCN, đã bị mọi người chỉ trích vì có riêng một bộ sưu tập nghệ thuật). Luân lý cá nhân không có chỗ trong một cộng đồng như vậy, và thường được Hegel gọi là “BẢN THỂ đạo đức”. Các thành viên của nó có sự Tự DO khách quan, chứ không có sự tự do chủ quan.
Hegel đưa ra nhiều lý do cho sự sụp đổ của đời sống đạo đức (Sittlichkeit) Hy Lạp:
1. Trong HTHTT, nó được quy cho sự xung đột không thể giải quyết, được miêu tả đặc biệt sinh động trong bi kịch Antigone của Sophocle, giữa luật lệ của các vị thần ở thế giới bên dưới [cõi âm], chi phối GIA ĐÌNH và do phụ nữ cai quản, với luật lệ của các vị thần trên đỉnh Olympia, vốn chi phối quyền lực NHÀ NƯỚC và do nam giới cai quản. (Vua Creon cấm chôn người anh trai phản bội của Antigone, nhưng cô có bổn phận phải chôn cất anh mình). Xung đột này ban đầu không phải là giữa cá nhân và nhà nước, mà là giữa các phương diện khác nhau của đời sống đạo đức; nhưng, theo quan niệm của Hegel, những đòi hỏi xung đột nhau đối với cá nhân sẽ mở đường cho chủ nghĩa cá nhân.
2. Hegel thường gán một vai trò trung tâm trong sự sụp đổ của đời sống đạo đức Hy Lạp cho việc Socrates tra hỏi các giá trị tập tục. Ông xem Cộng hòa của Plato không phải là một LÝ TƯỞNG, mà là một nỗ lực vô vọng nhằm khôi phục lại đời sống đạo đức hài hòa.
3. Những cuộc chinh phục của Alexander Đại đế và của các hoàng đế La Mã tạo nên những xã hội ngày càng rộng lớn hơn, mà các thần dân của những xã hội này chắc chắn là xa cách với những người cai trị của họ và phải quay trở lại dựa vào các nguồn lực của riêng mình.
Đời sống đạo đức theo nghĩa của người Hy Lạp là bất khả phục hồi. Nhưng theo nghĩa rộng, bất kỳ xã hội ổn định nào cũng cần đời sống đạo đức, tức một hệ thống các quy phạm tập tục được các thành viên của nó chấp nhận. Luân lý (Moralität) có lý tính tiền giả định các quy phạm như thế, nếu nó muốn có nội dung xác định nào đó, và chỉ riêng tính tư lợi không thôi thì sẽ không gắn kết xã hội với nhau lại. (Về mặt xã hội, cách cư xử thích hợp không thể được đảm bảo chỉ bằng sức MẠNH, trừ phi những người nắm giữ quyền lực ít ra cũng được thúc đẩy và hướng dẫn bởi đời sống đạo đức). Nhưng đời sống đạo đức hiện đại phải điều hòa TÍNH CHỦ QUAN luân lý với TÍNH ĐẶC THÙ tư lợi, vốn do sự can thiệp của lịch sử làm nảy sinh. Vậy nên, nó khác với phiên bản cổ đại về ba phưong diện. Thứ nhất, giống như đời sống đạo đức cổ đại, nó bao hàm gia đình và nhà nước. Nhưng bây giờ, nó còn có thêm XÃ HỘI DÂN sự, một lĩnh vực hoạt động kinh tế tự tư tự lợi do nhà nước giám sát, nhưng có sự độc lập đáng kể so với đời sống kinh tế cổ đại. Thứ hai, nó đảm bảo các QUYỂN cá nhân, chẳng hạn như quyền lựa chọn bạn đời và sự nghiệp. (Hegel suy luận một cách sai lầm, từ lối đọc Plato của ông, rằng những quyền này bị phủ nhận đối với hầu hết người Hy Lạp). Thứ ba, khác với người Hy Lạp, thành viên có giáo dục của một nhà nước hiện đại không chấp nhận một cách không-phản tư các quy phạm và định chế của xã hội mình. Họ chấp nhận chúng là vì họ đã phản tư về sự biện minh thuần lý cho chúng. (Việc đưa ra một sự biện minh như vậy là mục đích trung tâm của triết học Hegel). Do đó, đời sống đạo đức hiện đại dành không gian cho CHỦ THỂ, cũng như cho bản thể, và cho sự tự do chủ quan, cũng như cho sự tự do khách quan.
Nguyễn Văn Sướng dịch