Khủng hoảng (sự) [Đức: Krise; Anh: Crisis]
Một thời điểm quyết định vốn đòi hỏi hành động quyết đoán để giải quyết vấn đề. Những hình mẫu của khủng hoảng có thể được tìm thấy trong y học, ở đó bệnh tật đi đến điểm nguy hiểm, và trong tôn giáo với ý niệm về sự khủng hoảng tâm linh. Nếu khủng hoảng y tế không được giải quyết, bệnh nhân sẽ chết; nếu khủng hoảng tinh thần không được giải quyết, linh hồn sẽ bị đày đọa (Habermas, 1976a, tr. 213). Trong khi Habermas có thể lấy những ví dụ này như là những chỉ dấu về ý nghĩa của thuật ngữ sự khủng hoảng, thì ông lại ưa thích hơn với áp dụng của nó cho xã hội. Về mặt lịch sử, ông chỉ ra sự khủng hoảng lòng tự phụ của văn hoá Khai minh Âu châu xảy ra khi trận động đất năm 1775 ở Lisboa đã thách thức sự tự tin vào khả năng làm chủ tự nhiên và duy trì tiến bộ kỹ thuật (và đặc biệt là quan niệm về một thế giới thiện hảo và được Thượng đế an bài). Sự phát triển của chủ nghĩa tư bản thế kỷ XIX và nền công nghiệp hoá đã làm sâu sắc thêm cảm thức về sự khủng hoảng. Ngoài kinh nghiệm cá nhân về điều kiện lao động ở thành thị và nông thôn, chủ nghĩa Marx/Marxism và các lý thuyết xã hội khác đã bắt đầu nhận diện bản chất không ổn định và không bền vững của cấu trúc xã hội tư bản chủ nghĩa như những khuynh hướng khủng hoảng.
Trong tác phẩm thời trẻ, Habermas sử dụng khái niệm ‘sự khủng hoảng’ để hỗ trợ vai trò giải phóng/emancipatory của lý thuyết phê phán/critical theory (Habermas, 1976a, tr. 1–8). Điều này có nghĩa là sự giải phóng chính trị sẽ xảy ra, để đáp lại khủng hoảng, thông qua sự kết hợp của hành động quyết đoán và quan trọng là sự tự nhận thức. Sự khủng hoảng đòi hỏi chủ thể, là con người cá nhân hay xã hội, phản tư về chính mình để phát hiện những ảo tưởng đang ẩn chứa trong bản thân mình. Ở đây, Habermas nghĩ về các cách tiếp cận của tâm phân học, ở đó bệnh nhân được chữa trị bằng cách cho phép họ nhớ lại một cách có ý thức những sự kiện sang chấn mà người bệnh trước đó đã chặn lại không cho vào ký ức của mình, và cách tiếp cận phê phán ý hệ/ideology critique Mác-xít, khi văn hoá của xã hội ra sức che đậy hay hợp thức hoá sự áp bức chính trị và sự bóc lột kinh tế.
Khái niệm ‘khủng hoảng’ được Habermas phát triển vào đầu những năm 1970, khi ông bắt đầu thay đổi lập trường lý thuyết của mình bằng cách dấn thân vào lý thuyết hệ thống/systems theory (Habermas, 1976b). Sự khủng hoảng bây giờ được hiểu như là một lỗi sai trong một hệ thống/system. Nếu hệ thống được hiểu như một cấu trúc được tổ chức để thực hiện những mục đích nhất định, bằng việc rút ra những nguồn lực từ môi trường và biến đổi chúng, thì sự khủng hoảng xảy ra khi hệ thống không thực hiện được những mục đích của nó, hoặc do thiếu nguồn lực hoặc do bị tổ chức kém và vì thế không thể tạo ra sự biến đổi như yêu cầu. Cụ thể hơn, những thiết chế kinh tế trong xã hội (như phương tiện để sản xuất hàng hoá và dịch vụ, sử dụng nhân lực, phân phối những hàng hoá thành phẩm, v.v.) có thể được hiểu như một hệ thống xã hội. Nó lấy những nguồn lực (như sức lao động và tài nguyên thiên nhiên) từ môi trường, và chuyển hoá chúng thành những hàng hoá tiêu dùng cuối cùng. Sự khủng hoảng sẽ xảy ra nếu không đủ nguồn lực (như thiếu lao động hay cạn kiệt nhiên liệu hoá thạch), hay có sự phân hoá nội bộ (chẳng hạn, thiếu những kỹ năng kỹ thuật cần thiết, hay thiếu những mối quan hệ xã hội tốt đẹp giữa người sử dụng lao động và người lao động).
Habermas sử dụng cách tiếp cận theo lý thuyết hệ thống để nghiên cứu cách thức trong đó những cuộc khủng hoảng trong một bộ phận xã hội gây ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Khủng hoảng kinh tế có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị (bởi vì các thiết chế chính trị dựa trên nguồn ổn định của hàng hoá tiêu dùng từ nền kinh tế), điều này, đến lượt nó, dẫn đến những khủng hoảng lòng tin vào chính quyền (sự khủng hoảng hợp thức hoá/legitimation crises) và vào xã hội như một toàn thể (sự khủng hoảng ý nghĩa), khi chính quyền xem như thất bại trong việc thực hiện những lời hứa với cử tri, và khi đó hàng hoá xã hội cơ bản, bao gồm sự cung cấp hàng hoá tiêu dùng, cả sự ổn định xã hội và ý nghĩa của công lý, xem như bị đe dọa.
Vấn đề với cách tiếp cận lý thuyết hệ thống một cách độc quyền, với Habermas, là nó thất bại trong việc giải thích vai trò mà người dân thực sự có trong tất cả các hệ thống này. Xã hội có thể được xem như một hệ thống, nhưng kỳ cùng, thì nó được tạo thành từ những người thực sự đưa ra những quyết định thực sự. Khủng hoảng hệ thống không là gì nếu người dân không chú ý đến nó, và quan trọng là hệ thống không thể giải quyết những khủng hoảng của bản thân nó. Con người thực phải làm điều đó. Đây là lúc tái xuất hiện quan niệm cho rằng chính sự khủng hoảng dẫn đến sự tự nhận thức. Khủng hoảng kinh tế có thể được nhận ra thông qua những sự cố có tác động vào đời sống hàng ngày của người dân, như sự thiếu hụt hàng hoá tiêu dùng, sự tăng giá nhiên liệu, gia tăng mức độ thất nghiệp v.v. Tương tự, như đã đề cập ở trên, khủng hoảng chính trị sẽ được nhận ra qua thất bại của chính quyền trong việc thực thi những lời hứa nhất định nào đó. Cuộc khủng hoảng chỉ có thể được giải quyết nếu người dân có năng lực để đối phó với chúng. Điều này đòi hỏi, trong phạm vi văn hoá như một toàn thể, phải tồn tại năng lực đủ để học hỏi và thích ứng và phải có năng lực để phân tích nguồn gốc của sự khủng hoảng và đề xuất những giải pháp. Ở cực điểm, sự khủng hoảng có thể là quá kịch liệt đến mức chỉ những giải pháp và những lối tư duy mới đến triệt để mới giải quyết được chúng. Những cuộc khủng hoảng như thế nếu có thể được giải quyết thành công, đối với Habermas, chúng chính là yếu tố kích thích cho sự tiến hoá xã hội/social evolution.
L