Cấu trúc kép của ngôn ngữ [Đức: Doppelstruktur der Sprache; Anh: Double structure of language]
Khi sử dụng ngôn ngữ/language, chẳng hạn trong việc nói hay viết, người sử dụng ngôn ngữ có thể chú ý đến một trong hai đặc tính của ngôn ngữ, đó là: câu được nói hay viết đang nói gì về thế giới bên ngoài; hoặc là, trong khi nói hay viết, ta đang thiết lập mối quan hệ xã hội với cử tọa của ta (Habermas, 1979a, tr. 41–44; Habermas, 1976e). Chẳng hạn, nếu tôi nói với các bạn rằng: ‘Habermas viết một cuốn sách có nhan đề Postmetaphysical Thinking (Tư duy hậu siêu hình học), thì ở một cấp độ nào đó tôi đang tuyên bố về điều khách quan tồn tại một cách độc lập với tôi và với bất cứ điều gì tôi nói. Nhưng, khi nói điều này với bạn, tôi đồng thời thiết lập hay duy trì quan hệ xã hội giữa chúng ta. Tôi có thể nói trong vai trò giảng viên của mình (và các bạn nghe với tư cách là sinh viên), hoặc là tôi có thể đang cố phá vỡ không khí lạnh lẽo của bữa tiệc. Trong từ vựng chuyên môn của Habermas, ngôn ngữ có thành phần mệnh đề (trong đó nó đề cập thế giới khách quan) và thành phần ngôn trung/illocutionaryiii (trong đó nó khơi nên các mối quan hệ xã hội). Cùng một thành phần mệnh đề giống nhau có thể được ghép lại với nhiều thành phần ngôn trung khác nhau (vì thế tôi có thể bảo các bạn rằng Habermas đã viết Postmetaphysical Thinking, tôi có thể hỏi bạn liệu có phải ông ta viết Postmetaphysical Thinking hay không, và thậm chí có thể hứa hẹn với bạn là ông đã viết Postmetaphysical Thinking, cũng như sử dụng nó để khoe khoang sở học của mình và tự giới thiệu bản thân). Tương tự, cùng một thành phần ngôn trung giống nhau có thể được ghép lại với vô hạn các thành phần mệnh đề (chẳng hạn, tôi còn có thể nói với các bạn rằng Habermas viết Legitimation Crisis [Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng] và hỏi bạn có muốn đi đến buổi hoà nhạc vào tối thứ Sáu hay không).
Xem thêm: hành động phát ngôn/speech acts & thuyết dụng hành phổ quát/universal pragmatics