Duy vật lịch sử (thuyết, chủ nghĩa) [Đức: Historischer Materialismus; Anh: Historical materialism]
Lý thuyết về sự thay đổi và phát triển của lịch sử được Karl Marx đề xuất và là cơ sở cho hầu hết các phiên bản của chủ nghĩa Marx/Marxism. Marx cho rằng sự thay đổi xã hội được dẫn dắt bởi những thay đổi trong nền kinh tế và đặc trưng nhất ở cấp độ cải tiến công nghệ. Trong hệ thống thuật ngữ của Marx, sự thay đổi xã hội được thúc đẩy bởi sự phát triển của ‘các lực lượng sản xuất’ (forces of production). Điểm cốt yếu là khi công nghệ cải tiến thì năng lực sản xuất hàng hoá và dịch vụ của xã hội cũng sẽ cải tiến theo. Tuy nhiên, tiềm lực sản xuất sẽ chỉ được khai thác một cách thích đáng nếu nó được tổ chức đúng cách. Vì thế, sự tổ chức sản xuất, trong điều mà Marx gọi là ‘các quan hệ sản xuất’ (relations of production), là thiết yếu sống còn đối với nhận thức về sự thay đổi xã hội. Quan hệ sản xuất đòi hỏi một giai cấp đặc thù sẽ thống trị xã hội đó, mặc dù sự thống trị này sẽ cho phép nó điều khiển nền kinh tế và tận dụng triệt để lực lượng sản xuất. Những sự phát triển về lực lượng sản xuất vì thế dẫn đến các cuộc cách mạng khi những người đề xướng công nghệ mới buộc phải thay thế giai cấp thống trị cũ và thay đổi quan hệ sản xuất. Một khi quan hệ sản xuất đã thay đổi thì phần còn lại của xã hội (kiến trúc thượng tầng/the superstructure) cũng sẽ thay đổi, bao gồm: văn hoá, hệ thống niềm tin, hệ thống giáo dục và ngay cả sự tổ chức gia đình.
Marx ấn định sáu giai đoạn cơ bản (hay ‘phương thức sản xuất’ [modes of production]) trong sự phát triển của xã hội. Ông bắt đầu với giai đoạn ‘cộng sản nguyên thủy’, tức là giai đoạn xã hội chưa phát triển về công nghệ và do vậy nghèo nàn. Tuy nhiên, tình trạng nghèo nàn này dẫn đến sự bình đẳng, khi không có đủ nguồn lực cho bất cứ bộ phận nào trong xã hội đó có thể chiếm hữu nhiều hơn phần phân phối cơ bản. Tất cả điều này thay đổi khi công nghệ phát triển, và xã hội sẽ phân chia thành những giai cấp. Sản xuất mở rộng tạo ra phần thặng dư mà một nhóm nào đó có thể chiếm hữu để sử dụng riêng. Vì thế, xã hội có giai cấp là xã hội ở đó một nhóm điều khiển nền kinh tế (và vì vậy là toàn bộ xã hội) trong khi những nhóm khác thực hiện công việc sản xuất. Bây giờ, sự bất bình đẳng này cho phép giai cấp thống trị có thời gian nhàn rỗi để cải thiện hơn nữa lực lượng sản xuất. Từ đó, Marx dẫn ta đi qua hai phương thức sản xuất. Phương thức sản xuất thứ nhất dựa trên chế độ nô lệ (và vì vậy những nhóm phụ thuộc trong xã hội là những nô lệ vốn là vật sở hữu của những ông chủ, tức nhóm thống trị); phương thức tiếp theo là chế độ phong kiến, ở đó nông nô bị trói buộc vào đất đai, về mặt pháp lý bị ép buộc phải làm việc cho ông chủ hoặc cung cấp một phần sản phẩm làm ra cho ông chủ, mặc dù nông nô không hoàn toàn là tài sản sở hữu của ông chủ.
Sự phát triển đặc biệt quan trọng diễn ra cùng với sự thăng tiến của chủ nghĩa tư bản/capitalism. Trong khi các xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến dựa trên các hình thức sức mạnh tự nhiên, chẳng hạn sức mạnh cơ bắp của con người hay động vật, sức gió hay sức nước thì sự công nghiệp hoá thay đổi triệt để lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, chẳng hạn khi tiềm năng của năng lượng hơi nước được khai thác triệt để, nó sẽ không thể vận hành với những đơn vị sản xuất nhỏ điển hình của chế độ phong kiến. Thế là, hệ thống phong kiến sụp đổ, nông nô được giải phóng khỏi sự trói buộc với đất đai, cho phép họ hình thành cơ sở của lực lượng lao động có thể chuyển dịch sang những công xưởng sản xuất quy mô lớn (các nhà máy của những trung tâm đô thị mới mở rộng). Giai cấp thống trị là những người sở hữu tư bản (máy móc và nguyên liệu) trong khi các giai cấp phụ thuộc chỉ sở hữu sức lao động và trao đổi sức lao động này lấy tiền lương trên thị trường lao động. Marx cho rằng, khi lực lượng sản xuất tiếp tục phát triển thì sự bất bình đẳng về vật chất giữa các giai cấp sẽ không còn có thể biện minh được nữa (và có thể, kể cả lao động con người cũng sẽ chấm dứt tính chính đáng khi toàn bộ nền sản xuất được tự động hoá). Vì thế, cách mạng sẽ dẫn đến chủ nghĩa xã hội cũng như dẫn đến sự bình đẳng hoàn hảo của chủ nghĩa cộng sản.
Đối với danh sách sáu phương thức sản xuất này, Marx thêm vào phương thức thứ bẩy rất đáng nghi vấn, đó là chế độ chuyên chế phương Đông. Ông cho rằng, bên ngoài Âu châu, sự phát triển về kinh tế không xảy ra được và các xã hội phương Đông đang bị trì trệ. Hy vọng duy nhất của họ cho sự phát triển là sự xâm chiếm của phương Tây đã được công nghiệp hoá.
Trong nỗ lực tái kiến thiết thuyết duy vật lịch sử, Habermas nhận diện một số vấn đề trong cách giải thích này, các vấn đề mà lý thuyết của riêng ông về sự tiến hoá xã hội/social evolution dự định sẽ hiệu chính (1979a, tr. 130–177). Đầu tiên, Habermas nghi ngờ về địa vị thứ nhất mà Marx dành cho kinh tế. Theo Marx, kinh tế luôn là cơ sở (base) của xã hội, là nhóm cơ bản nhất của các thiết chế để xác định bản chất phần còn lại của xã hội. Habermas cho rằng vai trò cơ sở có thể luân phiên giữa các thiết chế khác nhau, kể cả gia đình và nhà nước (xem nguyên lý tổ chức/principle of organisation).
Thứ hai, theo Habermas, sự viện dẫn tới kinh tế này làm nổi bật sai lầm cơ bản trong tư tưởng của Marx. Marx cho rằng, con người chủ yếu là con người lao động/labourers, tức là nhân loại có thể được định nghĩa bằng năng lực của con người để cải biến môi trường và thực hiện việc cải biến này qua hoạt động có ý thức và phản tư. Trong khi Habermas không phủ nhận tầm quan trọng của lao động thì ông lại cho rằng nó phải được bổ sung bằng khả năng của con người tương tác/interact với những người khác. Con người là những sinh vật xã hội và giao tiếp. Khi thừa nhận điều này, không chỉ kinh tế sẽ chấm dứt là nền tảng duy nhất có hiệu lực đối với xã hội (vì những cấu trúc giao tiếp chẳng hạn như gia đình có thể cũng quan trọng ngang bằng) mà ta còn đi tới chỗ có ý thức về lỗ hổng trong luận cứ của Marx. Marx không giải thích được làm sao con người hiện thực tiến hành thay đổi về xã hội. Sự thay đổi về xã hội không thể chỉ là kết quả của lao động. Con người phải cùng nhau tự tổ chức (thành những nhóm cách mạng, đảng chính trị, quân đội v.v.), và việc này đòi hỏi nhiều năng lực giao tiếp hay tương tác của họ.
Nếu sự tương tác bị bỏ qua, và cùng với nó là sự phong phú tròn đầy của con người như là những sinh vật tạo nên ý nghĩa về thế giới và được thúc đẩy bởi ý nghĩa mà họ tạo ra cho nó, thì giải thích của Marx cùng lắm trở thành câu chuyện của ‘chủ thể vĩ mô’ (macro-subject). Xã hội trở thành nhân vật chính thực sự của thuyết duy vật lịch sử của Marx chứ không phải những con người cấu thành nên xã hội. Ngược lại, bất cứ giải thích thoả đáng nào về sự thay đổi xã hội phải giải nghĩa được sự can dự của những con người bình thường, và điều quan trọng là sự khủng hoảng trong nền kinh tế (hay nơi nào khác trong xã hội) được những con người bình thường này diễn giải như thế nào và làm sao họ tìm ra nguồn lực để đối phó lại một cách sáng tạo với khủng hoảng đó. Điều này còn có nghĩa là lý thuyết về sự tiến hoá xã hội không thể triển khai với sự tất yếu không thể tránh khỏi mà Marx dành cho nghiên cứu của mình. Trong thực tiễn, con người trong xã hội có thể không có khả năng giải quyết các vấn đề. Các xã hội có thể sẵn sàng đi giật lùi hay tan rã như khi chúng đi lên và tiến hoá.
Sau cùng, đúc kết lại những điểm này, Habermas nêu bật sự không thoả đáng trong biện minh của Marx về sáu phương thức sản xuất của ông. Theo Habermas, những điểm then chốt trong lịch sử nhân loại (chẳng hạn những sự phát triển quyết định ở thời kỳ đầu của văn hoá Hy Lạp, Do Thái và Trung Hoa) bị bỏ qua. Sự phân biệt giữa chế độ nô lệ và phong kiến, dựa vào công nghệ được sử dụng, phần lớn là tuỳ tiện. Chế độ chuyên chế Đông phương là thứ gây quẫn bách đến mức hàm hồ đối với thuyết duy vật lịch sử, nó có nguy cơ biến thuyết duy vật lịch sử—xét như toàn bộ—không gì khác hơn là một trần thuật giản lược hoá về lịch sử Âu châu.
Đọc thêm: Schmid 1982; Rockmore 1989; McCarthy 2001; Owen 2002
Đ