Không thể thâm nhập (tính, sự) [Đức: Undurchdringlichkeit; Anh: impenetrability]
Xem thêm: Quảng tính, Lực, Chất thể,
Tính không thể thâm nhập được định nghĩa như “đặc tính nền tảng của vật chất nhờ đó nó trước hết biểu lộ chính mình như cái gì có thực trong không gian của các giác quan bên ngoài của chúng ta, [và] không gì khác hơn là khả năng [có] quảng tính của vật chất” (SHHT, tr. 508, tr. 56). Mặc dù Kant có vẻ đang làm việc bên trong quan niệm của Descartes về vật chất như là quảng tính, điều này nhanh chóng được chứng minh là sai bằng việc ông tuyên bố rằng “nên tảng” của tính không thể thâm nhập của vật chất là “lực đẩy” của nó. Đối với Descartes, tính không thể thâm nhập là bộ phận của bản chất của bản thể quảng tính, chắc chắn là nó không được đặt nền tảng trên một lực đẩy. Trong SHHT, Kant phê phán quan niệm này như bộ phận của một “cách thức cắt nghĩa có tính cơ giới” vốn được lưu truyền từ Democritus đến Descartes mà giả định chính của họ là “tính hoàn toàn không thể thâm nhập của vật chất căn nguyên” (SHHT, tr. 533, tr. 91). Tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông, cuốn LS, xuất hiện 50 năm trước cuốn SHHT, đã tấn công quan niệm này về vật chất rồi, bằng các lập luận về sự hiện diện của một lực tích cực trong một cơ thể “có trước quảng tính” (§1). Lập trường này nhanh chóng được làm cho tinh vi hơn, và trong cuốn ĐTLVL và sau này trong cuốn ĐLPĐ, Kant lập luận rằng lực đẩy vốn được chứng minh bằng tính không thể thâm nhập đã phải bị phản lại bằng một lực hút đối lập; nếu không “các vật thể hẳn sẽ hoàn toàn không có cấu trúc cố kết nào cả, vì các phân tử chỉ đẩy lẫn nhau mà thôi” (ĐTLVL, tr. 484, tr. 61), một lập luận vốn còn xuất hiện trong cuốn SHHT. Vì thế, “Lực của tính không thể thâm nhập” “tránh cho bất kì cái gì bên ngoài không tiếp cận quá gần nhau” (tr. 484, tr. 61) và là đặc tính của một vật thể đẩy vật thể khác tương tác với nó ra khỏi không gian mà nó choán chỗ. Tuy nhiên, nó luôn bị lực hút giới hạn, tức lực mà không hoạt động thông qua sự tương tác (ở đây Kant đã nghĩ đến lực hấp dẫn). Những lực này không chỉ cấu tạo nên những vật thể vật lý, mà còn cả các yếu tố của bản thân vật chất. Kant giữ lại các lập trường này trong cuốn SHHT, làm cho chúng thích ứng khá sơ sài với khung phê phán mới mà cuốn PPLTTT đã tạo ra.
Trần Kỳ Đồng dịch