Lý thuyết hệ thống [Đức: Systemtheorie; Anh: Systems theory]
Trong xã hội học, là cách tiếp cận để giải thích các xã hội khởi đầu bằng cách giả định rằng xã hội là hệ thống/system, nghĩa là cấu trúc tự duy trì, được chi phối theo quy tắc. Nhà lý thuyết hệ thống giả định rằng xã hội, như là hệ thống, có chuỗi các chức năng trừu tượng cao độ phải phát triển đầy đủ để duy trì bản thân xã hội đó. Các thiết chế xã hội cụ thể có thể được nhận diện khi thực thi các chức năng của mình. Các vấn đề và những bất ổn trong xã hội có thể được phân tích theo những sức ép được đặt lên xã hội, do môi trường ở xã hội đó, hoặc do những sự bất nhất và căng bứt trong hệ thống xã hội. Habermas bắt đầu tham gia vào lý thuyết hệ thống, nhất là thông qua đối thoại kéo dài với Niklaus Luhmann, từ những năm đầu 1970 (Habermas & Luhmann, 1975). Lý thuyết hệ thống cung cấp cho ông tập các nguồn lực quan trọng cho phép ông đưa ra những giải thích về sự phát triển của các xã hội (hay sự tiến hoá xã hội/social evolution) (Habermas, 1979a, tr. 130–177; 1979b), và về các khuynh hướng khủng hoảng/crisis và những bất ổn trong các hệ thống tổ chức xã hội (1976a).
Nếu xã hội được hiểu như hệ thống thì sự tiến hoá của các xã hội có thể được hiểu theo tính phức hợp gia tăng của chúng hoặc theo sự dị biệt hoá/differentiation hệ thống. Tức là các xã hội con người cổ xưa có thể coi là các hệ thống đơn giản, được bao gồm bởi tương đối ít thành phần và được tổ chức bởi số ít các quy tắc tương đối đơn giản. Điều cốt yếu, bất cứ thành phần nào trong xã hội đó sẽ có thể coi là phải đóng góp cho sự thi hành cả phần lớn hay toàn bộ các nhiệm vụ thiết yếu mà xã hội đó yêu cầu. Do vậy, chẳng hạn, gia đình sẽ là đơn vị của sản xuất kinh tế, và vì thế phục vụ cho sự thích nghi của hệ thống xã hội với môi trường vật lý; gia đình sẽ nuôi dưỡng và giáo dục những đứa trẻ, và như thế sẽ mang đến sự tổ chức và động lực nội tại của hệ thống xã hội bằng việc xã hội hoá những đứa trẻ theo các chuẩn mực và các giá trị văn hoá của xã hội đó. Tương tự, bởi vì dân số ít, các mối quan hệ giữa các cá nhân và gia đình có thể coi là được điều chỉnh bởi một số ít tập quán, ít nhất khi coi như các quy tắc điều chỉnh của hệ thống, là khá đơn giản. Các quy tắc như thế có thể coi là bao gồm không chỉ các quy tắc điều chỉnh sự tương tác cá nhân, mà còn các quy tắc trao đổi quà tặng điều hoà các mối quan hệ giữa cộng đồng này với các nhóm khác. Khi các hệ thống xã hội mở rộng, phát triển tính phức tạp và tìm kiếm các nguồn lực và các cấu trúc về tổ chức để thực thi các nhiệm vụ ngày càng tinh tế và phức tạp hơn, do đó các hệ thống con chuyên môn sẽ phát triển trong xã hội. Sự sản xuất kinh tế, chẳng hạn, được dịch chuyển khỏi hộ gia đình và chuyển sang các hệ thống con kinh tế chuyên môn; nhiệm vụ của giáo dục có thể được chuyển sang các trường học; và v.v. Một cách tương tự, các mối quan hệ giữa các cá nhân và các nhóm trở nên phức tạp hơn. Những sự tương tác cá nhân và mặt đối mặt được pha trộn bởi các tương tác phi cá nhân, như vậy chúng được điều chỉnh bởi thị trường hay bởi sự thực thi các thẩm quyền chính trị và hành chính; người dân không còn chỉ thuộc về các gia đình hay các bộ lạc và các dòng tộc, mà còn thuộc về các quốc gia, các công ty, các nhóm và các đảng phái; sự tương tác mặt đối mặt được bổ sung bởi các hình thức giao tiếp giữa những người càng ngày càng bị chia tách trong thời gian và không gian (và đó là, các thông lệ về thư tay, báo chí, điện tín và thư điện tử).
Khi lý thuyết hệ thống có thể cung cấp khuôn khổ cho việc giải thích sự thay đổi xã hội, liên kết với điều này là giải thích về các khủng hoảng xã hội – chủ yếu là các khủng hoảng kích thích nhu cầu thay đổi. Các khủng hoảng có thể được mang lại hoặc là qua các thách thức từ môi trường của hệ thống hoặc là qua các căng thẳng nội tại. Môi trường đặt ra cả những thách thức vật lý, chẳng hạn trong hình thức của những thay đổi thảm họa về điều kiện thời tiết hay sự cạn kiệt các nguồn lực, và cả những thách thức chính trị - xã hội, chẳng hạn như các mối đe dọa xâm lăng hay ảnh hưởng văn hoá từ các hệ thống xã hội khác. Các vấn đề nội tại của hệ thống đến từ sự bất lực của nó để duy trì sự toàn vẹn nội tại, có thể thông qua sự gia tăng dân số đơn thuần, nhưng quan trọng hơn là thông qua những hệ quả của cách phản ứng với những thách thức khác. Chẳng hạn, các đổi mới công nghệ có thể cho phép phản ứng sáng tạo và hiệu quả hơn với sự biến đổi khí hậu hay sự khan hiếm nguồn lực cũng có thể tạo ra nhóm chuyên gia mới trong hệ thống, những người bắt đầu thách thức hệ thống thứ bậc chính trị hiện hữu. Sự khủng hoảng trong các hệ thống con kinh tế tiếp đến có thể trở thành khủng hoảng trong hệ thống con chính trị. Thiếu khả năng giải quyết các khủng hoảng sẽ dẫn đến sự tan rã và chết lâm sàng của xã hội. Nhiều luận cứ của Habermas trong Legitimation Crisis /Sự khủng hoảng về hợp thức hoá hay về sự chính đáng có liên quan tới sự dịch chuyển của các khuynh hướng khủng hoảng từ một hệ thống con này sang hệ thống con khác trong chủ nghĩa tư bản đương đại (1976a: 45-60).
Lý thuyết hệ thống cung cấp cho Habermas nguồn lực giải thích mạnh. Quan trọng nhất, lý thuyết hệ thống có thể đối phó với các hệ quả ngoài ý muốn của các hành động của con người. Lý thuyết hệ thống xem khía cạnh xã hội nơi có khuynh hướng đối diện với các thành viên của nó như là cái gì đó giống như sự vật và tự trị. Có thể, thí dụ sinh động nhất về điều này là sự gia tăng của các bộ máy quan liêu hiện đại, trung tâm trong phần miêu tả của nhà xã hội học Đức Max Weber về xã hội công nghiệp hoá. Luận điểm cơ bản của Weber là, khi xã hội phát triển phức tạp thêm mãi, chúng đòi hỏi các cấu trúc quan liêu phức tạp cho sự tổ chức của mình. Thực tế, số lượng lớn người dân, liên quan đến nhiều nhiệm vụ khác nhau, không thể được kỳ vọng phối hợp các hành động của họ một cách hiệu quả thông qua sự tương tác mặt đối mặt. Do đó, các hệ thống quan liêu khiến sự phối hợp ở quy mô lớn khả hữu, một phần bởi việc đơn giản hoá và sơ đồ hoá các hoạt động trong đó người dân được tham dự vào, và liên kết họ với nhau bằng các quy tắc có thể quản trị một cách dễ dàng. Tất cả hoàn toàn tốt, nhưng với tư cách là các hệ thống con, các bộ máy quan liêu phát triển các phương thức vận hành cố hữu của bản thân chúng—hay có thể nói, logic của riêng chúng. Weber đã nhận ra rằng các bộ máy quan liêu vì thế có thể trở nên có vấn đề, nhất là trong việc hạn chế sự tự do cá nhân. Vì thế, hệ thống quan liêu đối mặt với cá nhân như là cơ cấu không mặt, sống đời sống của riêng nó và lãnh đạm với các yêu cầu và các thách thức của con người thực. Phân tích này được đẩy xa hơn bởi nhà Mác-xít Georg Lukács, trong chừng mực ông lưu ý tính tương tự giữa cách thức trong đó các bộ máy quan liêu vận hành và cách thức trong đó các nền kinh tế tư bản vận hành. Một lần nữa, luận cứ của ông là quá trình trao đổi hàng hoá đối diện với con người cá nhân như là cái gì đó có đời sống của riêng nó, và tuân theo lôgíc của riêng nó, dửng dưng với các nhu cầu và đòi hỏi của con người thực. Lukács phát triển cách hiểu này như là lý thuyết về sự vật hoá/reification.
Do đó, lý thuyết hệ thống cung cấp cho các nhà lý luận xã hội mô hình qua đó giải thích cho những kinh nghiệm này, và khám phá những sự vận hành tự trị của hệ thống xã hội (và các hệ thống con cấu thành của nó). Tuy nhiên, điều quan trọng với Habermas, lý thuyết hệ thống là không tương thích nếu nó dừng lại ở điểm này. Cả Weber và Lukács đều phê phán sự tác động của các bộ máy quan liêu tự trị và các thị trường lên đời sống xã hội. Ngược lại, lý thuyết hệ thống của Luhmann chấp nhận rằng đó là phương thức các sự vật tồn tại. Điểm cốt yếu của tranh luận giữa Habermas và Luhmann do đó tập trung vào khả năng của các nhà lý luận xã hội phê phán xã hội mà họ nghiên cứu, và vì thế là chủ đề của sự hợp thức hoá/legitimation (1976b, tr. 98–99). Luận điểm chính của Habermas là, nếu xã hội chỉ là hệ thống (như Luhmann đề xuất: xem Habermas 1988a, tr. 353), thì nó là xã hội tồi, vì xã hội như vậy sẽ làm xói mòn sự tự do của con người một cách đáng kể và thực sự làm cho đời sống trở nên ít nhiều vô nghĩa. Nhưng, quan trọng hơn, Habermas không tin rằng sự xói mòn hoàn toàn như vậy là khả hữu. Điểm yếu lý thuyết quan trọng trong lý thuyết hệ thống nằm ở sự thất bại của nó để giải thích về kinh nghiệm sống trải và năng lực xã hội của người dân thông thường (1976b: 9). Cách tiếp cận của lý thuyết hệ thống cho rằng con người thông thường chỉ đơn thuần phản ứng, ít nhiều tự động, với các yêu cầu mà hệ thống đặt ra cho mình. Nó cho là người dân thông thường không có tính sáng tạo và không phải gánh trách nhiệm. Dù Luhmann đáp lại thách thức này, thì Habermas vẫn không hài lòng. Theo Habermas, xã hội có thể chỉ được hiểu đầy đủ nếu lý thuyết hệ thống được đặt trong mối căng bức với các cách tiếp cận đối với lý thuyết xã hội vốn có nền tảng trong thông diễn học/hermeneutics. Tức là, cách tiếp cận lý thuyết hệ thống phải được bổ sung bởi cách tiếp cận thừa nhận phương thức trong đó người dân thông thường nhận thức xã hội, tạo ra ý nghĩa về nó, và thực hành các kỹ năng xã hội của mình.
Habermas đặt xã hội xét như là hệ thống trong sự căng thẳng với xã hội xét như là thế giới đời sống/lifeworld. Luận cứ của ông một lần nữa lại đặt nền tảng ở sự tiến hoá xã hội. Trong các xã hội quy mô nhỏ, cách tiếp cận lý thuyết hệ thống và cách tiếp cận có tính diễn giải nhiều hơn sẽ đưa ra sự phân tích ít nhiều tương tự. Cơ bản là, xã hội đơn giản, bởi vì nó đơn giản, vận hành theo các quy tắc mà các thành viên của xã hội đó nhận ra (ít nhất khi chúng được chỉ ra cho họ). Vì thế, chẳng hạn, nếu người dân đảo Trobriand đọc nghiên cứu kinh điển của Marcel Mauss về sự trao đổi quà tặng, họ có thể nhận ra những gì Mauss mô tả như là thứ gì đó mà họ dự phần vào. Nhưng, khi xã hội trở nên phức tạp hơn, thì các phần tử có tính hệ thống của nó trở nên khó hiểu hơn rất nhiều đối với các thành viên thông thường của xã hội. Theo cách nói của Habermas, cách giải thích của lý thuyết hệ thống về xã hội thường là phản trực giác (1993b, tr. 252). Chúng không tương xứng một cách hiển nhiên đối với kinh nghiệm hàng ngày của con người thực. Lý do của điều này là các hệ thống tồn tại, như đã nói ở trên, để khiến xã hội phức hợp có thể vận hành hữu hiệu. Ở giới hạn này, bằng cách sử dụng các năng lực hàng ngày, người dân thông thường có thể đối phó với nó. Các hệ thống bộc lộ các gánh nặng đặt lên các năng lực này. Những gì điều này dẫn đến là thực tế có hai phương thức trong đó người dân thông thường thực hiện sự tương tác xã hội. Ở một cấp độ, tôi có thể tham gia vào hành động giao tiếp/communicative action đối với bạn đến hết cỡ. Chúng ta có thể đối xử với nhau như những con người có năng lực và trách nhiệm, và chúng ta sẽ phối hợp các hành động bằng cách thương lượng về cách nhìn chung về thế giới và những gì phải được thực hiện. Chúng ta sẽ đi đến chỗ hiểu lẫn nhau. Chẳng hạn, chúng ta quyết định đi xem phim. Do đó, chúng ta tìm bộ phim mà cả hai cùng thích thú. Chúng ta tìm thời gian mà cả hai cũng rảnh rỗi. Chúng ta đồng ý về nơi hẹn gặp và v.v. Ở cấp độ khác, tôi phản ứng một cách công cụ/instrumentally nhiều hơn. Chẳng hạn, tôi thuê DVD từ cửa hàng. Sự tương tác của tôi với chủ tiệm hay nhân viên cửa hàng cực kỳ đơn giản. Tôi không phải biện minh cho chiếc DVD tôi chọn. Đơn giản, tôi giao lại chiếc DVD, nhân viên cửa hàng nói cho tôi giá thuê, tôi trả cho anh/chị ta tiền. Các bước trong sự tương tác của chúng tôi hoàn toàn có thể dự đoán, và đó là điểm chính yếu. Tôi phản ứng với nhân viên cửa hàng rất giống với cách mà tôi sẽ thực hiện với máy bán hàng hay trang web mua sắm trực tuyến. Các hành động về phần tôi là phương tiện để tạo ra các phản ứng có thể dự đoán về phần của nhân viên cửa hàng (và ngược lại). Ý nghĩa bị rút hết khỏi sự tương tác của chúng tôi. Nhưng cũng lưu ý rằng sự tương tác đặc thù này là đỉnh của tảng băng trôi. Đằng sau nó là chuỗi phức tạp của các hành động và các tương tác có tính hệ thống tương tự phối hợp với nhau để mang lại tất cả nguồn lực kinh tế cần thiết để cung cấp cho tôi chiếc DVD. Không có cách nào mà tôi có thể sử dụng các kỹ năng giao tiếp của mình để quy tụ tất cả con người, nguyên liệu thô, máy móc và công nghệ được yêu cầu để sản xuất và phân phối chiếc DVD. Do đó, tôi đi tới chỗ dựa vào hệ thống kinh tế để thực hiện nó cho mình.
Habermas quan tâm đến các hệ thống chính xác là vì bản chất hàm hồ của chúng. Một mặt, chính trong chừng mực sự tổ chức có tính hệ thống khiến xã hội phức tạp khả hữu, cần thiết và là điều tốt—như ví dụ về chiếc DVD đã thử minh chứng. Nhưng, mặt khác, chúng ta càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào các hệ thống, thì sự tự do của chúng ta càng có thể bị vi phạm (Habermas 1987, tr. 318–331). Trong khi hệ thống con kinh tế có thể phân phối một cách hiệu quả những chiếc DVD đến cửa hàng địa phương, thì hạn chế tất yếu là những chiếc DVD đó sẵn có cho tôi. Điều này có thể không quan trọng đặc biệt nếu nó là vấn đề giải trí gia đình, nhưng nó quan trọng hơn nhiều nếu tôi thương lượng với dịch vụ hành chính địa phương về việc nhận trợ cấp của mình. Chúng ta đã lưu ý sự tương tác giữa khách hàng và chủ tiệm đơn giản hơn nhiều như thế nào so với sự tương tác giữa hai người bạn. Sự đơn giản tương tự sẽ áp dụng cho sự tương tác giữa nhân viên dịch vụ xã hội với khách hàng. Sự tương tác đó phải theo các quy tắc tương đối đơn giản vốn đã được xây dựng cho việc vận hành và sự tổ chức của sự quản trị. Nếu tôi không tuân thủ, chẳng hạn đơn giản bằng cách có lối sống không thể ngay lập tức được phân loại bởi sự phân loại từ trước được sử dụng bởi bộ máy quan liêu, thì không chắc chắn bộ máy quan liêu có thể đối phó, và khoản thanh toán của tôi có thể bị từ chối. Chẳng hạn, bạn đồng tính của tôi mới qua đời. Tôi tuyên bố rằng, vì tôi là bạn đồng tính lâu năm của anh ta nên tôi là người thụ hưởng hợp pháp trợ cấp và bảo hiểm của anh ta. Nếu cơ quan hành chính không thừa nhận các quan hệ đồng tính, tuyên bố của tôi bị từ chối. Một cách ngấm ngầm hơn, cơ quan hành chính có xu hướng tiêu chuẩn hoá các quan hệ xã hội, hạn chế chúng trong các khuôn mẫu được định trước.
Nếu sự mở rộng các hệ thống hạn chế sự tự do của tôi, thì nó cũng hạn chế khả năng của tôi để mang đến ý nghĩa cho đời sống của mình (Habermas 1984am, tr. 346–350). Quan trọng là khi sự tương tác xã hội càng ngày càng bị điều khiển theo các quy tắc của hệ thống hơn là theo các quy tắc phong phú và phức tạp hơn của đời sống văn hoá hay thế giới đời sống, thì một lần nữa tôi dường như tuân theo các quy tắc vì lợi ích riêng của các hệ thống—tương tác theo cách này, bởi vì đó là lựa chọn duy nhất cho tôi, và không phải bởi nó tạo nên bất cứ ý nghĩa nào với tôi. Chính sự xói mòn tự do và ý nghĩa này là điều Habermas gọi là vấn đề của sự thuộc địa hoá thế giới đời sống/colonisation of the lifeworld.
Tóm lại, Habermas sử dụng lý thuyết hệ thống như là nguồn lực để giải thích cách thức trong đó xã hội đi đến chỗ đối diện với con người (những người, kỳ cùng, phải tạo ra và duy trì xã hội thông qua các hành động của mình) như là lực tự trị. Nhưng một mình lý thuyết hệ thống thì không thoả đáng ở vai trò một lý thuyết xã hội, vì nó hoàn toàn thất bại trong việc giải thích tính sáng tạo và ý nghĩa của hành động của con người. Sự căng bứt giữa hai quan điểm này cũng khởi đầu cho giải thích các vấn đề của xã hội đương đại, khi sự thống trị của các hệ thống con về chính trị và kinh tế đã xâm phạm tự do và tính chất có ý nghĩa nơi đời sống hàng ngày.
Đọc thêm: Luhmann, 1987; Holub, 1991, tr. 106–132; Luhmann, 1995; Roberts, 1995