Phụ nữ [Đức: Frauen; Anh: woman]
Xem thêm: Hôn nhân, Giới tính, Nhà nước,
Những nhận xét của Kant về phụ nữ, về đại thể, là những quan sát hời hợt có thể tiên đoán của một gallant thế kỉ XVIII - người sẵn lòng che chở phụ nữ bao lâu phụ nữ còn giữ đúng vị trí của họ. Trong mục 3 của ĐVCC, phụ nữ được đề cập với tư cách là “phái đẹp” trong việc sở hữu một “ma lực bí ẩn” và một “xúc cảm bẩm sinh đối với những gì là đẹp, thanh tao, và được điểm trang” (tr. 229, tr. 77). “Giác tính thú vị” của phụ nữ được đối lập với “giác tính sâu sắc” của đàn ông; giác tính đó “không phải thuộc về lý tính, mà thuộc về giác quan” (tr. 230, tr. 79). Với tư cách là người vợ, phụ nữ phải sinh con và mang lại “nhiều chuyện vui vẻ” và “bổ sung cho sự hiểu biết của các ông chồng bằng sở thích của mình” (sđd). Trong NLH, Kant mạo hiểm đưa ra một lời giải thích về sự phụ thuộc của đàn bà vào đàn ông: Vì giới tự nhiên ký gửi tưong lai của giống loài vào tử cung của đàn bà, và đàn bà có liên quan đến việc bảo tồn thai nhi, nên nó “đã khắc sâu sự khiếp sợ vào trong tính cách của đàn bà”, một sự khiếp sợ về sự xâm phạm thân thể và tính nhút nhát trước những mối nguy hiểm giống nhau. Trên Cổ sở của sự yếu đuối này, phụ nữ đòi hỏi sự che chở của đàn ông một cách chính đáng” (NLH tr. 306, tr. 219). Không chỉ có thế, giới tự nhiên cũng tài tình ở chỗ yêu cầu che chở ấy ắt cũng dẫn đến việc phụ nữ sẽ cải thiện và mang lại sự tinh tế cho xã hội đàn ông lỗ mãng. Tuy nhiên, phạm vi của sự cải thiện bị giới hạn bởi sự phủ nhận việc tham gia vào chính trị đối với phụ nữ. Thuyết cộng hòa của Kant dựa trên ba nguyên tắc có tính hình thức là sự tự do, sự bình đẳng và sự độc lập. Thật vậy, phụ nữ nghĩ rằng mình được tự do bởi vì mình là con người, và xem như “bình đẳng trước pháp luật, nhưng họ không có sự độc lập. Và, vì phẩm chất duy nhất đối với quyền công dân “dĩ nhiên trừ trẻ em hay phụ nữ ra” (LTTH tr. 295, tr. 78) là sự độc lập kinh tế, nên phụ nữ được Kant giao cho quyền công dân thụ động căn cứ trên cả giới tính lẫn vị thế kinh tế” (xem thêm SHHĐL, tr. 314, tr. 126).
Kant dường như tự nâng mình lên khỏi bảng liệt kê tối tăm của những rập khuôn đó khi ông quay về bàn luận hôn nhân và xã hội gia đình trong SHHĐL. Khế ước hôn nhân của “hai con người khác giới để sở hữu nhau suốt đời về các thuộc tính tình dục của nhau” (tr. 277, tr. 96) là một quan hệ giữa những người bình đẳng. Nói một cách chính thức, cả nam lẫn nữ đều “sở hữu lẫn nhau với tư cách là những nhân thân” một cách bình đẳng (tr. 278 tr. 97, nhưng nói một cách bản chất, trong phạm vi xã hội của gia đình và hộ gia đình, người vợ phụ thuộc vào người chồng. Kant không nhận thấy bất cứ xung đội căn bản nào giữa “sự bình đẳng của các đối tác” và “ưu thế có tính cách tự nhiên của người chồng đối với người vợ trong năng lực của người chồng để thúc đẩy lợi ích chung của hộ gia đình” (tr. 279, tr. 96). Thực vậy, sự hiểu biết của Kant về phụ nữ có thể được tóm tắt trong câu đánh dấu ngoặc đơn của ông về mối quan hệ giữa hai giới tính trong hôn nhân, đó là: “phu xướng, phụ tùy” (sđd).
Cù Ngọc Phương dịch