Religion
[VI] TÔN GIÁO
[FR] Religion
[EN]
[VI] Không đứng về mặt chân lý, đúng hay sai, chỉ về mặt tâm lý xã hội; nhà tâm lý học tôn trọng tất cả tín ngưỡng, tránh mọi hành động hay lời nói có thể xúc phạm tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào; nhưng nhất thiết phải tìm hiểu về tôn giáo của đối tượng, vì tôn giáo là một yếu tố hết sức quan trọng của một nhân cách. Tôn giáo nào cũng bao gồm: - Một vị tổ khởi xướng như Thích Ca, Giêsu, Mohamet - Một hệ thống tín ngưỡng tín điều (giáo lý). - Một tổ chức giáo hội truyền đạo. - Một hệ thống lễ nghi cấm kỵ. Và bao giờ cũng phân biệt, ít hay nhiều, người trong và người ngoài đạo. Cái gốc của tôn giáo là niềm tin (đức tin), tin ở một cái gì linh thiêng, siêu nhiên (sacré, transcendantal), vượt qua thế giới bình thường là thế giới phàm tục, trần tục (hai từ này không hiểu theo ý nghĩa xấu xa mà hiểu theo bản chất). Và cứu cánh của đời người là xây dựng được mối quan hệ với thế giới ấy; thế giới này có thể vô thần hay hữu thần. Có người nặng về lễ nghi, có người về cố gắng cá nhân, người về gắn chặt, phục tùng tuyệt đối giáo hội. Gặp thời xã hội bị xáo trộn, các tôn giáo hay phân liệt thành giáo phái, tín đồ rời bỏ giáo hội truyền thống theo một vị thánh mối xuất hiện một cách nồng nhiệt. Cùng một niềm tin, nhưng rất khác nhau giữa những tín đồ nghèo khổ, thất học và những tín đồ ở những tầng lớp gọi là thượng lưu. Các nhà tu hành và giáo sĩ thường là những người am hiểu tâm lý. X. Đạo.