Thérapie
[VI] LIỆU PHÁP
[FR] Thérapie
[EN]
[VI] Phép chữa bệnh. Đứng trước một bệnh chứng tâm lý, người “thầy” (có thể là ông hay bà thầy) cần nhìn con người một cách toàn diện, và tìm cách tác động lên cả ba mặt (S), (X), (T) (x. con người). Để tác động lên cơ thể, có thể dùng thuốc hay tập luyện hoặc phẫu thuật. Cần xem có vướng mắc trong các mối quan hệ xã hội, có khi phải tạm thời tách ra khỏi gia đình, thay đổi cơ quan, xí nghiệp, hay chức vụ. Hai biện pháp trên (S) và (X) thường không đủ, chỉ tạo điều kiện để tìm cách tác động lên tâm lý, để thực hiện tâm lý liệu pháp (Psychothérapie). Tâm lý liệu pháp tác động lên phần ý thức hay phần vô thức, dù muốn hay không muốn bao giờ cũng có ảnh hưởng đến cả hai. Có thể dùng từ tâm pháp để nói chung về mọi phương pháp tác động lên tâm lý, gồm hai loại: - Tác động lên phần ý thức, thường gọi là giáo dục, công tác tư tưởng, động viên. - Tác động lên phần vô thức, hoặc tìm cách thay đổi nếp sống, nếp suy nghĩ, thói quen, dùng biện pháp điều kiện hóa, đây là liệu pháp ứng xử (x.từ này). Hoặc tìm cách đi vào chiều sâu nội tâm, tìm tác động trực tiếp lên những cơ chế vô thức. Phân tâm học (x. từ này) là điển hình kiểu liệu pháp này. Đứng về tâm lý học mà xét thì nhiều biện pháp được vận dụng trong các tôn giáo – lễ tiết, cầu nguyện, sám hối, thú tội, ca nhạc- thực chất cũng là những biện pháp tâm lý. Chỉ việc vào nhà thờ hay chùa, tạm thời tách khỏi những mâu thuẫn và stress của cuộc sống hằng ngày, và việc đặt tất cả lòng tin vào một thầy tu hay một linh mục cũng có thể xem như là tâm lý liệu pháp. Nhà tâm lý ngày nay có vai trò giống như những thầy tu và linh mục, giúp tháo gỡ những vướng mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống. Bất kỳ dùng phương pháp nào, vai trò chủ yếu vẫn là thái độ đối xử, chăm sóc và nhân cách của người thầy, tạo nên lòng tin của người bệnh. Người thầy đóng vai trò bố mẹ, vai trò thầy thuốc, vai trò thầy giáo (hiểu theo thầy dạy đạo ngày xưa). Làm tâm lý liệu pháp đòi hỏi mình tự biết mình, biết kiềm chế những phản ứng thường là vô thức của bản thân đứng trước những biểu hiện nhiều khi rất khó chịu hay bất ngờ của các bệnh nhân rối loạn tâm lý.
Thérapie,Thérapeutique
[VI] TRỊ LIỆU
[FR] Thérapie, Thérapeutique
[EN]
[VI] Chăm chữa các chứng bệnh bằng nhiều phương pháp khác nhau; nhằm tác động lên các chứng bệnh tâm lý gọi là tâm lý liệu pháp (psychothérapie), và nói chung là tâm pháp (x. từ này). Tâm lý liệu pháp có nhiều hình thức: - tác động lên thân thể, thể chất để gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, dùng thuốc, phẫu thuật, điện, tập luyện, tắm, thao… - động viên khuyến khích, ám thị, thôi miên; - thông qua lao động cá nhân hay tập thể; - thông qua âm nhạc, ca kịch, múa; - theo thuật phân tâm học (x.từ này); - theo kiểu ứng xử. Bất kỳ trong phương pháp nào cũng có mấy yếu tố: - tác động lên cơ thể; - chỉnh năng, tức dạy và chữa những chức năng yêu kém, như vận động, phát âm, viết, đọc; - quan hệ giữa người thầy và bệnh nhân (chủ thể); - nhằm giải tỏa những vướng mắc trong tâm tư, khôi phục sự thích nghi và tính tự chủ cho chủ thể. Trong những ca nặng, đòi hỏi rất nhiều công phu và thời gian.