Psychologie
[VI] TÂM LÝ HỌC
[FR] Psychologie
[EN]
[VI] Từ kinh nghiệm cuộc sống, rút ra một số nhận định và kết luận, thường được đúc kết thành những thành ngữ, tục ngữ, phương ngôn, có thể nói đây là tâm lý học kinh nghiệm hay dân gian. Các nhà văn, các triết gia quan sát và suy luận về con người cũng là những nhà tâm lý sâu sắc: đây là tâm lý văn học hay triết học. Từ thế kỷ 19, xuất hiện tâm lý học khoa học, tìm cách tạo ra một tâm lý học tuân theo – đến chừng mực nào đó- phương pháp luận chung của các ngành khoa học, khác với tính chất chủ quan, khó truyền đạt của tâm lý dân gian và văn học, triết học. Trước hết xuất phát từ những sự kiện được xác định với những tiêu chuẩn làm sao cho những người khác nhau có thể nhất trí, vì thông thường thì mỗi từ, ví dụ như buồn, giận, mỗi người có thể hiểu một cách, cho nên một sự kiện mà hai người có thể nhận xét khác nhau, đặt tên khác nhau. Những kết quả quan sát phải làm sao mà người khác có thể lặp lại, từ đó mới khái quát lên; như một thí nghiệm do người này bày ra, nhiều người khác có thể lặp lại để kiểm tra, và bản thân người đề xướng cũng lặp lại được. Và những nhận xét, kết luận có thể chứng nghiệm với những gì đã được kết luận. Dần dần, những kiến thức thu thập được, được hệ thống hóa, mối tương quan giữa điều này có thể suy ra điều khác. Kiến thức cũng tích lũy dần thành một vốn chung cứ tăng dần theo tiến độ của nghiên cứu, thành vốn chung. Có thể nhà văn nào đó – như Nguyễn Du hay Shakespeare – hoặc một người nào đó có kinh nghiệm về nhận xét cụ thể thì sâu sắc hơn nhiều nhà tâm lý học khoa học, nhưng tâm lý học ấy không thể truyền đạt, kinh nghiệm suy nghĩ là của riêng của người ấy, khó mà chứng nghiệm, khó hệ thống hóa. Tâm lý học khoa học chưa đạt đến trình độ hệ thống với một phương pháp luận hoàn chỉnh được mọi người nhất trí cho nên có rất nhiều trường phái, chưa ai chiếm được ưu thế tuyệt đối cả; nghiên cứu tâm lý không thể không tìm hiểu ít nhất những học thuyết quan trọng nhất rồi tự chọn lọc những gì mà bản thân thấy chấp nhận được. Khác với tâm lý dân gian hay văn triết, xuất phát từ kinh nghiệm và suy nghĩ của bản thân và quan sát cuộc sống, tâm lý học khoa học xuất phát từ quan sát và thí nghiệm nhiều lĩnh vực; quan sát thú vật, các bệnh hoạn, trẻ em, các nghề nghiệp, so sánh giữa các dân tộc. Rồi đặt ra những phương pháp cụ thể để khám nghiệm và tác động lên con người (giáo dục hay chữa bệnh, hướng nghiệp, tuyển dụng lao động, quân sự, quảng cáo…). Trong công việc nghiên cứu, vận dụng song song phương pháp lâm sàng và những phương pháp toán học thống kê, tin học (mô hình hóa, mô phỏng). Tâm lý học ngày nay trở thành một bộ phận hết sức phức tạp.